Hà Triều – Hoa Phượng:
Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương
VHO - Cải lương là loại hình sân khấu độc đáo phát triển từ đầu thế kỷ XX, một loại hình gần gũi với đời sống miền quê sông nước Nam Bộ. Trong đó, Hà Triều – Hoa Phượng là hai soạn giả cải lương tiêu biểu, có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển loại hình nghệ thuật này. Không quá lời khi gọi Hà Triều - Hoa Phượng là cây đại thụ trong làng sân khấu cải lương.
Hà Triều – Hoa Phượng là bút danh vừa là nghệ danh của hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng. Hai ông có ít nhất hơn 10 năm sáng tác chung trên 60 vở cải lương vào những thập niên 50-60 của thế kỷ XX.
Hiện nay, nhiều vở diễn kinh điển của hai soạn giả vẫn đang toả sáng trong giới mộ điệu và công chúng. Những vở diễn của hai ông cũng đã đưa nhiều nghệ sĩ “thế hệ vàng” ghi dấu ân trong lòng khán giả cho đến hôm nay…
Trong các buổi sinh hoạt CLB Đờn ca tài tử mà phổ biến nhất là tiệc tùng ở vùng sông nước Nam Bộ thì không thế thiếu vắng những trích đoạn cải lương của Hà Triều – Hoa Phương với lời ca, tiếng hát quen thuộc: “…dù em có thành hôn với ai đi nữa, thì chị cũng ráng về…với.... em.../ để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng ba với má/ chị cũng nở mặt mày, với lối xóm bà con…”.
Đó là 2 câu mở đầu của bài Phụng Hoàng 12 câu, trích trong vở Nửa đời hương phấn của Hà Triều – Hoa Phượng, sáng tác đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, do Đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga dàn dựng. Vở với sự góp mặt của các nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga, sau này là Phượng Liên, Bạch Tuyết thủ vai.
Hoặc trong vở Tuyệt tình ca mà khán giả hay gọi “ông Cò quận 9” của Hoa Phượng và Ngọc Diệp có sự góp mặt của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan; trong vở Lá sầu riêng của Hà Triều, chuyển thể từ vở kịch nói cùng tên của NSND Kim Cương… đến nay đã trở thành những vở diễn kinh điển.
Hà Triều – Hoa Phượng tuy “một” mà “hai”?
Soạn giả Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc (1931-2003), quê ở làng Vĩnh Tuy, quận Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Hoa Phượng chính là soạn giả Lương Kế Nghiệp (1933-1984), quê ở Núi Sập, Long Xuyên, nay là thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Hà Triều xuất thân trong gia đình có điều kiện về kinh tế nên được đi học chữ rất sớm so với bạn bè cùng trang lứa tại quê nhà. Khi đến với nghệ thuật vào những ngày đầu tiên (độ 9-10 tuổi), Hà Triều tiếp cận với nền âm nhạc hiện đại, được học nhạc lý với các nhạc cụ du nhập từ phương Tây. Mới 14 tuổi, Hà Triều trở thành nhạc công, chơi thành thạo đàn Banjoline và Mandolin.
Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, Hà Triều và Hoa Phượng đều là cán bộ Việt Minh, hoạt động trong các đoàn nghệ thuật cứu quốc. Với vai trò là nhạc công, Hà Triều tham gia biểu diễn Banjoline và Mandolin cho Đoàn Văn công Thiếu nhi cứu quốc Khu 9 do Trương Khương Trinh (soạn giả Kiên Giang-Hà Huy Hà) làm trưởng đoàn.
Soạn giả Hoa Phượng tham gia kháng chiến ở tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang) từ năm 1947. Ông cũng từng làm thơ ký Ty Công an tỉnh Long Châu Hà. Đây là tỉnh được chính quyền cách mạng thành lập, bởi sáp nhập từ các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Hà Tiên trong những năm đầu của Cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bước đường sáng tác
Sau năm 1954, Hà Triều lên Sài Gòn lập nghiệp, gặp lại người thủ trưởng cũ là ông Trương Khương Trịnh (tức soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà), quê làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), từng là Trưởng Đoàn Văn công Thiếu nhi Cứu quốc Khu 9. Sau đó, Hà Triều may mắn gặp lại người bạn cũ trong kháng chiến chống Pháp là Lương Kế Nghiệp (sau này mang bút danh, nghệ danh Hoa Phượng).
Thầy cũ, bạn cũ gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong hoạt động nghệ thuật, nay được biết thêm các bậc đàn anh “gạo cội”, như Viễn Châu, Út Trà Ôn, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Thành Được, Út Bạch Lan… là điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tác của Hà Triều – Hoa Phượng.
Từ những năm cuối thập niên 50 thế kỷ XX, Hà Triều – Hoa Phượng liên tục cho ra đời những vở tuồng mới, phong cách mới, được các đoàn hát dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu Sài Gòn, được đông đảo khán giả đón nhận với những sáng tác mới của hai ông qua sự thể hiện, diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng trên đất Sài Gòn.
Nhiều khán giả “mê” cải lương mua vé đến rạp xem “chưa đã”, về nhà còn mở máy thu thanh (Radio) hoặc nghe qua băng, đĩa nhạc, nghe đi nghe lại đến thuộc lòng các vở diễn do Hà Triều – Hoa Phượng sáng tác. Cứ thế mà các vở diễn của đôi soạn giả này lan toả trong đời sống người dân miền Tây Nam Bộ cho đến hôm nay.
Những vở diễn để đời
Vở diễn đầu tiên do Hà Triều - Hoa Phượng viết chung mang tựa đề Vì quê hương, sau đó là Sau cơn gió lốc, dù được khán giả đón nhận, nhưng cũng chỉ biểu diễn được 2 đêm rồi “cất đó” (theo lời NSND Diệp Lang), xem như chẳng mấy thành công.
Đến năm 1957, những sáng tác của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng mới bắt đầu được sự đón nhận nồng nhiệt của giới nghệ sĩ, của công chúng miền Nam với phong cách mới, lạ.
Lúc đó Kiên Giang – Hà Huy Hà đang cộng tác cho Sân khấu Thúy Nga chuyên lo tuồng tích cho Đoàn, đặt hàng Hà Triều – Hoa Phượng viết chung vài vở diễn để Đoàn hát Thúy Nga khai trương.
Với “hợp đồng” này, vở diễn Lối vào cung cấm của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng ra đời. Khi đọc qua kịch bản, soạn giả Kiên Giang đề nghị sửa lại tựa đề theo phong cách kiếm hiệp Nhật Bản nên vở diễn mang tên mới Khi hoa anh đào nở.
Vở diễn được dàn dựng công phu, biểu diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn, đây cũng là vở mở màn khai trương Đoàn hát Thúy Nga, doanh thu từ bán vé biểu diễn vở Khi hoa anh đào nở cũng đạt khá cao.
Từ đó, Hà Triều – Hoa Phượng liên tục có các vở diễn trên Sân khấu Thúy Nga, như Cầu sương thiếp phụ chàng, Đợi anh mùa lá rụng, Chiều Đông gió lạnh về…
Theo NSND Diệp Lang, từ vở diễn Nửa đời hương phấn đầu những năm 60 của thế kỷ XX do Đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga dàn dựng, được công chúng yêu thích, đây là giai đoạn phát triển có tính bước ngoặc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Hà Triều – Hoa Phượng.
Tiếp nối thành công đó, hai ông liên tiếp cho ra đời các tuyệt phẩm khác phục vụ khán giả Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ với sự góp mặt của các nghệ sĩ “gạo cội”, như: Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Diệp Lang, sau này là Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Minh Vương…
Theo Sách Kỷ lục An Giang xuất bản năm 2009, từ năm 1955 đến 1965, Hà Triều - Hoa Phượng viết chung hơn 60 vở diễn mà vở nào cũng được giới mộ điệu, khán, thính giả đón nhận nồng nhiệt. M
ột số vở diễn tiêu biểu của hai tác giả trong giai đoạn 10 năm, có thể kể đến như: Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Cô gái Đồ Long,Nỗi buồn con gái, Thái hậu Dương Vân Nga,Bóng hồng sa mạc, Khói sóng tiêu tương.
Nhìn lại trong tất cả các vở diễn, Hà Triều – Hoa Phượng rất ít sử dụng bài hát mà chủ yếu là lời thoại, khai thác tối đa kịch tính, đưa kịch tính lên cao, khi cần thiết mới đưa bài hát vào. Điều này, NSND Diệp Lang cũng đã từng chia sẻ trong các lần giao lưu chuyện nghề của nghệ sĩ khi nói về Hà Triều – Hoa Phượng.
Ngoài sáng tác chung, hai ông có nhiều vở diễn viết riêng hoặc viết chung với Viễn Châu, Kiên Giang, Ngọc Diệp, Kim Cương. Hà Triều đồng tác giả với Viễn Châu trong vở Sương khuya lạnh lùng, biên soạn riêng vở Hãy gọi nhau là cố nhân, và chuyển thể từ kịch nói Lá sầu riêng của NSND Kim Cương sang kịch bản cải lương...
Hoa Phượng cũng từng biên soạn nhiều vở diễn với soạn giả Yến Linh, Ngọc Diệp, Kiên Giang, như: Tuyệt tình ca, Đau lòng khi hội ngộ, Mây bốn phương trời, Trương Chi - Mỵ Nương… Ngoài ra, Hoa Phượng còn biên soạn riêng hàng chục vở diễn khác, trong đó có nhiều vở tiêu biểu, như: Luật giang hồ, Lãng tử giang hồ, Giữa chốn bụi hồng, Đi biển một mình, Đời phụ anh hùng, Trường tương tư…
Cũng với bút danh Hà Triều và Hoa Phượng, hai ông còn sử dụng bút danh này viết báo, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, nghiên cứu lịch sử phát triển âm nhạc dân tộc, trong đó tập trung nói về nghệ thuật cải lương và tài tử Nam Bộ.
Thân phận phụ nữ trong các vở diễn
Cách mạng tháng Tám thành công đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc và xoá bỏ chế độ phong kiến hàng ngàn năm trên đất nước ta. Từ đây, người phụ nữ cũng được giải phóng, quan niệm cũ “trọng nam khinh nữ” lỗi thời, thực hiện “nam nữ bình quyền”, người phụ nữ Việt Nam thật sự thoát khỏi định kiến khắc khe, hẹp hỏi, ích kỷ của xã hội phong kiến.
Hà Triều – Hoa Phượng luôn có sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với nỗi bất hạnh đối với thân phận đàn bà. Hầu hết các vở diễn của 2 ông đều công khai lên án sự bất công của xã hội, đó cũng là lý do mà các vở diễn của Hà Triều – Hoa Phượng nhanh chóng chạm đến trái tim, tình cảm của khán giả, nhất là những chị em đã từng chịu đựng số phận nghiệt ngã, bất hạnh.
Hà Triều – Hoa Phượng tận dụng tất cả thế mạnh của loại hình nghệ thuật cải lương, khai thác triệt để nội tâm nhân vật, tạo ra những kịch tính có lúc đến cao trào để lên án sự bất công, tàn bạo của xã hội cũ, tước đi cả quyền làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, rõ nét nhất là trong vở Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, đặc biệt vở Lá sầu riêng được chuyển thể từ kịch nói cùng tên của NSND Kim Cương.
Nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng
Với các vở tuồng của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng trong những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện thành công vai diễn, được công chúng mến mộ, thuộc luôn nhiều trích đoạn trong vở tuồng và làm cho tên tuổi nhiều nghệ sĩ trở nên quen thuộc trong giới mộ điệu.
NSND Bạch Tuyết, từng chia sẻ: Với vai diễn Lê Thị Trường An trong vở Tuyệt tình ca của Hà Triều – Hoa Phượng, được khán giả đón nhận nồng nhiệt, giới báo chí thời đó nể phục tài năng của Bạch Tuyết nên gắn cho cô danh xưng “Cải lương chi bảo”. Từ thành công đó, đưa tên tuổi nghệ sĩ Bạch Tuyết trở thành ngôi sao sáng chói trên sân khấu cải lương miền Nam. Bạch Tuyết được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 1988, nghệ sĩ nhân dân năm 2011. NSND Bạch Tuyết cũng đã có nhiều cống hiến xứng đáng trong việc truyền dạy âm nhạc cải lương, tài tử cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương trong hàng chục năm qua.
Rất nhiều vở diễn của Hà Triều – Hoa Phượng đã góp phần nổi danh nhiều nghệ sĩ “thế hệ vàng” ở Sài Gòn trong thập niên 50-60 của thế kỷ XX, như: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Thanh Sang, Thành Được, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Ngọc Giàu, NSND Lệ Thuỷ, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn…
Trong số này, nhiều nghệ sĩ đạt giải thưởng Thanh Tâm, một giải thưởng danh giá dành cho giới nghệ sĩ cải lương trước năm 1975. Trong đó NSƯT Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong Người vợ không bao giờ cưới, năm 1958; NSƯT Thanh Sang đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong Cô gái Đồ long, năm 1964.
Năm 1965, giải Thanh Tâm bình chọn và trao giải thưởng “vở cải lương hay nhất trong năm” (Đoàn Dạ Lý Hương dàn dựng và biểu diễn) cho cặp đôi soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng…
Trong bài viết Những soạn giả một thời vang bóng” đăng trên Cổng thông tin Bộ GD&ĐT, tác giả Hiệp Thanh dẫn lời của NSND Diệp Lang, rằng: “Ngày nào còn sân khấu cải lương, ngày nào còn văn hóa Việt thì tên tuổi của Hà Triều - Hoa Phượng vẫn còn mãi mãi”.