Cải lương truyền thống dựng vở về... AI
VHO - Với “Cánh cửa khép hờ”, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cùng các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam lại thêm một lần thử nghiệm khá táo bạo để đưa cải lương gần hơn với công chúng trẻ.
Cánh cửa khép hờ do TS, NSND Triệu Trung Kiên và tác giả Hoàng Song Việt cùng là đồng tác giả. TS, NSND Triệu Trung Kiên là đạo diễn.
Vở diễn khai thác đề tài giả tưởng kể câu chuyện về cặp vợ chồng doanh nhân Phạm Thắng (diễn viên Nguyễn Minh Hải) và Thanh Huyền (diễn viên Ninh Thị Như Quỳnh) đã ba lần sinh con và đều không nuôi được. Phần vì thương vợ, phần vì có những toan tính, mong muốn tập đoàn trong tương lai phải có một lãnh đạo kiệt xuất, nên Phạm Thắng đã đồng ý với ý tưởng “điên khùng” của vị GS Ái (diễn viên Đức Hảo), sẽ cho ra đời một đứa trẻ biển đối gen có trí thông minh và năng lực siêu phàm, có thể thay ông đưa doanh nghiệp “cất cánh”. Trước đó, hành vi biến đổi gen người vốn đã bị các nhà khoa học trên thế giới phản ứng kịch liệt.
Đúng như mong đợi, con trai họ - Phạm Tân Kỷ Nguyên lớn lên đã trở thành một “siêu nhân”. Hơn 20 tuổi đã có bằng tiến sĩ vật lý lượng tử, cùng nhiều nghiên cứu khoa học gây chấn động. Chính Kỷ Nguyên đã tiến hành cấy máy móc điện tử vào não của bà Dịu (là dì ruột của ông Thắng, bị mất trí và bại liệt, lúc này đã hơn 80 tuổi) và biến bà trở thành một Cyborg (Người lai cơ khí). Nhờ đó, bà Dịu đã có một trí thông minh siêu phàm và cả năng lực tâm linh.
Một sự kiện trọng đại diễn ra là Kỷ Nguyên bắt đầu triển khai dự án “Dịch chuyển liên hành tinh” (Nỗ lực đưa con người đến một hành tinh xa xôi cách trái đất hàng trăm năm ánh sáng chỉ trong chưa đầy 30 giây). Song cũng từ đây đã làm nảy sinh hàng loạt hệ lụy khiến những người liên quan buộc phải trả giá bằng nỗi đau, bi kịch…
Xuyên suốt vở diễn, nhân vật Phạm Tân Kỷ Nguyên do nghệ sĩ trẻ Hoàng Tuấn Thịnh đảm nhận đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Dù là lứa diễn viên trẻ tuổi nhất của Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhưng diễn xuất của anh đã thuyết phục được người xem. Kỷ Nguyên là người biến đổi gen, ngay từ khi còn nhỏ, Kỷ Nguyên đã biểu hiện những năng lực phi thường, Chỉ mới 4 tháng tuổi nhưng nặng 14kg, biết nói 2 thứ tiếng Việt - Anh, dạy cho người giúp việc tên Thảo (diễn viên Trần Thị Thu Hiền) những bài học đích đáng cho sự trí trá, thiếu trung thực.
Với cách dẫn dắt câu chuyện mạch lạc, chặt chẽ, chuyển thể cải lương mượt mà, dàn dựng chắc tay, dàn nghệ sĩ của Nhà hát đã có cơ hội thăng hoa và cháy hết mình trên sân khấu. Có những cảnh diễn đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả như cảnh thực hiện biển đổi gen người; sự hình thành của bào thai biến đổi gen; cảnh thực hiện dự án dịch chuyển liên hành tinh; cảnh dì Dịu triệu hồi phần mang quỷ tính trong con người Kỷ Nguyên vv… được xử lý vô cùng linh hoạt và đẹp bởi sự phối hợp tổng thể từ âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu cho tới động tác hình thể, trang phục và diễn xuất của nghệ sĩ biểu diễn.
Đặc biệt, việc dùng âm nhạc đương đại như Pop, Rock, Rap, EDM … để hòa âm cùng các làn điệu cải lương như các điệu lý, quảng, bản nhỏ thậm trí cả oán lớn, đã tạo ra một cảm quan âm nhạc mới lạ mang mầu sắc đương đại.
Phần hai của vở diễn, vào năm 2045, tập đoàn của ông Thắng đang trên con đường phát triển như vũ bão, Kỷ Nguyên dù mới hơn 20 tuổi nhưng đã là tiến sĩ vật lý lượng tử. Anh được bố tin tưởng, giao cho trọng trách lãnh đạo công ty. Công trình dịch chuyển liên hành tinh, vận dụng nguyên lý “vướng víu lượng tử” và “dịch chuyển tức thì”, đã mở ra cánh cửa xuyên không, thời gian, cũng đồng nghĩa với việc phá vỡ các kết cấu bền vững của vũ trụ. Cánh cửa hé mở, vòng xoáy sinh – trụ - hoại – diệt bị đảo lộn, loài người phải đối diện với những thảm họa khó lường.
Nhận ra sự bất thường trong con người của Kỷ Nguyên, dì Dịu (diễn viên Nguyễn Thị Hà) đã tìm mọi cách ngăn cản và khuyên can Kỷ Nguyên từ bỏ dự án. Một cuộc va đập quyết liệt đã xảy ra giữa hai quan điểm trái ngược về nhân sinh, giữa cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác.
Khác hẳn với nhưng cốt truyện nghệ thuật truyền thống luôn có cái kết happy ending (cái kết hạnh phúc, mãn nguyện), thì cái kết của vở diễn Cánh cửa khép hờ là cái kết bi kịch. Ông Thắng đã phải trả giá cho những toan tính của mình khi đã phải mất đi cả vợ lẫn con. Nhưng cái kết bi kịch ấy mang tính tẩy rửa khi làm cho người xem nhận ra được giá trị của cuộc sống con người, đó là sự an lành, hạnh phúc.
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu, AI phát triển mạnh mẽ, đem lại cả sự tích cực lẫn tiêu cực cho cuộc sống con người. Cánh cửa khép hờ chính là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay. Đồng thời khẳng định: mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành và thuận chiều với các quy luật của tự nhiên như luật hấp dẫn, luật cân bằng, luật nhân quả... Mọi tham vọng tác động làm biển đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân, đều tiềm ẩn những hiểm họa cho toàn nhân loại.
Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên bày tỏ: “Lần đầu tiên, Nhà hát khai thác một chủ đề này. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng tiếp tục là phép thử với sức chuyển tải của sân khấu cải lương trong nỗ lực tiếp cận, đa dạng tầng lớp công chúng.”
Có thể thấy ở Cánh cửa khép hờ, NSND Triệu Trung Kiên đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo với những tìm tòi mới lạ, chắp cánh cho sân khấu cải lương tiếp cận với đời sống hiện đại không chỉ từ đề tài mà còn bởi các thủ pháp dàn dựng sân khấu hiện đại. Sẽ rất lạ tai đối với những khán giả vốn nghe, xem quen cải lương truyền thống.
Về thiết kế mỹ thuật của vở diễn cũng tạo những ấn tượng thú vị. Họa sĩ Trần Hồng Vân đã tạo nên một không gian sân khấu dù khá dản dị nhưng mang lại hiệu quả cao, diễn tả một cách thú vị và thuyết phục hai mảng không, thời gian hiện tại và tương lai. Thiết kế và thực hiện phục trang của Khánh Ly, nhất là mảng nhân vật tương lai đã làm cho người xem ngạc nhiên và mãn nhãn, góp phần tạo nên hiệu quả chung cho tác phẩm.
Một trong những khâu được chăm chút khá kỹ lưỡng là phần đồ họa (Họa sỹ Hoàng Duy Đông). Khán giả được chứng kiến những quá trình diễn ra trong cơ thể con người như: hình ảnh cấu tạo gen người; quá trình biến đổi gen; quá trình bào thai phát triển qua các giai đoạn; những kỹ xảo hình ảnh về sự dịch chuyển tức thì trong không gian, thời gian; các chuyến du hành trong vũ trụ… đã làm người xem thú vị. Nhiều ý kiến cho rằng vở diễn đã phối hợp khá tốt ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu với điện ảnh tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm.
NSND Triệu Trung Kiên cũng cho biết thêm, tác phẩm còn ẩn chứa nhiều thông điệp bên trong. Trong đó có nhận định: thế giới quan trong một số tôn giáo lớn và khoa học hiện đại có nhiều điểm tương đồng trong nhận thức và giải thích về bản chất của vũ trụ, về nguồn gốc và bản chất của sự sống loài người. Từ đó khuyến khích con người sống hướng thiện, nhân ái, thuận theo lẽ tự nhiên, tin vào luật nhân quả. Đó cũng là con đường tìm đến với đời sống an lạc và hạnh phúc.
Thông qua vở diễn, các nghệ sĩ cải lương mong muốn tôn vinh nghệ thuật mình theo đuổi, muốn khám phá giới hạn của nghệ thuật truyền thống này. Cải lương không chỉ dừng lại ở những câu chuyện về nhân tình thế thái, tình yêu nam nữ, oan trái cuộc đời… mà khao khát dấn bước vào các đề tài hóc búa, làm phong phú món ăn tinh thần, hướng tới tiếp cận nhiều hơn các nhóm đối tượng khán giả, không ngừng đổi mới để vừa bảo tồn vừa phát huy những giá trị truyền thống của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên khẳng định.
Ở Cánh cửa khép hờ, NSND Triệu Trung Kiên và ê kíp sáng tạo đã thực sự mạnh dạn thậm chí có phần liều lĩnh để vượt qua “vùng cấm” - lằn ranh giới đúng/sai để minh chứng cho sự đổi mới của mình. Lần đầu tiên, Nhà hát khai thác chủ đề hóc búa này. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng là phép thử với sân khấu cải lương trong bước chuyển mình để tiếp cận đa dạng nhóm công chúng.
Thông qua vở diễn, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã khẳng định được sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương khi khai thác mảng đề tài mới, làm phong phú món ăn tinh thần, hướng tới tiếp cận nhiều hơn các nhóm đối tượng khán giả.