Cả nước hòa chung bản giao hưởng “Mùa xuân thống nhất”
VHO - Hàng trăm suất diễn, hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên cùng thăng hoa trong hành trình nghệ thuật đầy cảm xúc - đó là bức tranh sống động về chuỗi chương trình biểu diễn đặc biệt do 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL thực hiện, nhằm kỷ niệm dấu mốc 50 năm non sông gấm vóc liền một dải (30.4.1975 - 30.4.2025).

Tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra trang trọng và ấm cúng, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh: “Đây là cuộc ra quân quy mô, rầm rộ nhất từ trước đến nay của các đơn vị nghệ thuật Trung ương, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến của giới văn nghệ sĩ trong dịp kỷ niệm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Đại diện lãnh đạo 12 nhà hát cùng có mặt tại sự kiện đều bày tỏ niềm vinh dự, xúc động và tự hào khi được góp tiếng nói của nghệ thuật vào bản hùng ca đất nước.
Họ gọi đây là “sự hòa âm tuyệt vời giữa nghệ thuật và lòng yêu nước”, là dịp để các sân khấu từ Bắc chí Nam cùng thắp sáng ký ức hào hùng, truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cơ hội thưởng thức chuỗi các chương trình đặc sắc trên khắp mọi miền
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Xuân cho biết, sẽ có hơn 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của các đơn vị sẽ tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố, biểu diễn hàng trăm suất diễn phục vụ nhân dân, với nhiều tiết mục, chương trình, vở diễn tôn vinh ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; cũng như đánh giá toàn diện, sâu sắc những thành tựu phát triển của Việt Nam trên các lĩnh vực sau nửa thế kỷ “thu về một mối”.
“Cùng với sự nỗ lực đồng hành của ngành, chúng tôi đang không ngừng thúc đẩy tinh thần sáng tạo nghệ thuật, với mục tiêu mang đến những chương trình không chỉ có giá trị tư tưởng sâu sắc mà còn giàu tính thẩm mỹ và giải trí hấp dẫn”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, đợt hoạt động lần này là một phần trong chiến lược lâu dài của ngành nghệ thuật biểu diễn nhằm hiện thực hóa chủ trương “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”.
Mỗi chương trình là một cầu nối, đưa hình ảnh Việt Nam lan tỏa ra thế giới, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quốc tế để làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật nước nhà.
Từ ngày 18 đến hết ngày 30.4, và nối dài sang cả tháng 5, một chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc sẽ chính thức được công diễn trên khắp cả nước.
Đây là dịp đặc biệt, khi 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đồng loạt “ra quân” với những tác phẩm được dàn dựng công phu, mang đậm hơi thở thời đại và tinh thần dân tộc.
Điều làm nên sự khác biệt của chuỗi sự kiện lần này chính là chiều sâu tư tưởng và sự phong phú về loại hình nghệ thuật. Từ ca múa nhạc, giao hưởng, kịch nói, tuồng, chèo, cải lương đến xiếc - tất cả đều quy tụ trong một “đại tiệc” có một không hai, hứa hẹn chạm đến trái tim khán giả bằng những thông điệp nhân văn sâu sắc.

Nỗ lực quảng bá lan tỏa lòng tự hào dân tộc
Bản giao hưởng “mùa xuân đất nước” đang được chuẩn bị công phu để đồng loạt bừng sáng trên các sân khấu lớn của Thủ đô và nhiều địa phương trên cả nước.
Từ Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Hồng Hà, Rạp Xiếc Trung ương đến Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ hay Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, các vở diễn sẽ lần lượt được công diễn.
Trong số đó, khán giả Thủ đô sẽ được thưởng thức những vở diễn nổi bật như: Nhà hát Kịch Việt Nam với Tháng năm cùng người và Người đi dép cao su (27.4 và 17.5), Đêm trắng vào các ngày 18, 19 và 24.5; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với Hòa nhạc đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào ngày 21.4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với Hòa nhạc giao hưởng dân tộc - thính phòng Bài ca chiến thắng ngày 25.4 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội; Liên đoàn Xiếc Việt Nam với Non sông ngày thống nhất truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 25.4 trên QPTV, biểu diễn từ 26.4 đến 4.5 tại Rạp Xiếc Trung ương; Nhà hát Tuổi Trẻ với nhạc kịch Lửa từ đất ngày 26.4 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô; Nhà hát Múa rối Việt Nam với Khúc đồng dao ngày 26.4 và 3.5; Nhà hát Chèo Việt Nam: Quan Âm Thị Kính, Dây tràng hạt diệu kỳ, Bắc Lệ đền thiêng tại rạp Kim Mã; Nhà hát Tuồng Việt Nam: Tình mẹ ngày 19 và 26.4 tại rạp Hồng Hà; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam: Ký ức Trường Sơn ngày 27.4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội...
Bên cạnh đó, sẽ có những nhà hát lưu diễn ở các địa phương như: Nhà hát Múa rối Việt Nam với Âm vang đồng quê ngày 28 - 29.4 và 1.5 tại Nhà hát À Ơi, Phú Quốc, Kiên Giang; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với Việt Nam vang khúc khải hoàn ngày 30.4 tại Huế và nhạc kịch Đi về phía Mặt Trời vào tháng 4 và 5.2025 tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng; Nhà hát Cải lương Việt Nam: Hành trình biên giới 2025 các ngày 18-20.4 tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai; Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) với Welcome to Vietnam ngày 16.4 tại Hà Nội và Mùa xuân thống nhất ngày 29.4 tại Dinh Độc Lập, TP.HCM...
Đặc biệt, sự kiện lần này còn là điểm hội ngộ quốc tế khi có sự góp mặt của các tác giả, đạo diễn và nhạc trưởng nước ngoài. Trong đó, Kateb Yacine, nhà văn nổi tiếng người Algeria - tác giả kịch bản của Người đi dép cao su, sẽ tạo nên một làn gió mới trong tư duy sân khấu chính luận Việt Nam.
Mang đến những vở diễn đầy cảm xúc, Nhà hát Cải lương Việt Nam còn biến chương trình nghệ thuật thành hành trình gắn kết cộng đồng. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Chúng tôi may mắn khi tìm được những người bạn đồng hành đầy tâm huyết như Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các đoàn thanh niên từ nhiều Bộ, Ban, ngành Trung ương”.
Chính sự đồng hành ấy đã tiếp thêm sức sống cho chương trình khi kết hợp nghệ thuật với các hoạt động xã hội ý nghĩa: Trao tặng công trình thanh niên, cờ Tổ quốc, quyên góp hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ... - biến mỗi suất diễn trở thành một sứ mệnh văn hóa - xã hội trọn vẹn.
Một trong những điểm nhấn lớn nhất của chuỗi hoạt động nghệ thuật lần này là chương trình Mùa xuân thống nhất do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND TP.HCM tổ chức tại Dinh Độc Lập, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên, dàn nhạc, hợp xướng, cùng các lực lượng diễn viên quần chúng - tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa tầng, sống động và xúc động.
Tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sức lan tỏa nghệ thuật đã vượt ra khỏi sân khấu tròn. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn cho biết: “Chúng tôi vừa đón hơn 150 sinh viên từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến xem tập luyện chương trình Non sông ngày thống nhất. Điều thú vị là các bạn trẻ không chỉ đến vì tình yêu với xiếc, mà còn tích cực lan tỏa thông điệp chương trình trên mạng xã hội bằng ngôn ngữ người trẻ - sáng tạo, thuyết phục và đầy cảm hứng. Sự lan tỏa ấy không chỉ là hiệu ứng truyền thông, mà còn là nhịp đập của trái tim yêu nước, yêu nghệ thuật - một minh chứng sinh động rằng văn hóa đang chảy mạnh mẽ trong lòng công chúng hôm nay”.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật Biểu diễn, lực lượng nghệ sĩ từ 12 nhà hát Trung ương đang nỗ lực hết mình để tạo nên một mùa nghệ thuật đặc biệt - không chỉ ở sân khấu, mà còn trong trái tim từng người dân.
Những vở diễn chính luận giàu cảm xúc vừa là hồi ức về một thời hào hùng, vừa khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh trong mỗi công dân Việt Nam hôm nay.