Bế mạc lớp tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng truyền thống
VHO - Ngày 19.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống – 2024 đã chính thức bế mạc tại Thành phố Đà Nẵng. Lớp tập huấn diễn ra trong 10 ngày tại thành phố Đà Nẵng, với 44 học viên là diễn viên, nhạc công của các đơn vị nghệ thuật Tuồng công lập trên toàn quốc.
Thực hiện Quyết định của Bộ VHTTDL, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, Nhà hát Tuổng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức “Lớp tập huẫn diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng truyền thống – 2024”.
Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt. Thông qua chương trình tập huấn để bồi dưỡng chuyên sâu kỹ thuật diễn xuất, hát, múa phối hợp với dàn nhạc truyền thống.
Để thể hiện được những hình tượng nhân vật trong nghệ thuật Tuồng truyền thống đòi hỏi phải có thời gian, phải được đào tạo cơ bản. Nhưng với chương trình lớp đề ra, dẫu ít ngày, các học viên có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm những kiến thức chuyên sâu về phong cách biểu diễn của các vùng miền để làm giàu cái phông văn hóa trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Phát biểu tại lễ bế mạc lớp học, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, về đội ngũ các thầy cô giảng dạy lần này đã được Ban tổ chức lựa chọn và mời 8 nghệ sĩ, trong đó có 6 NSND, 2 NSƯT. Với bề dầy kinh nghiệm trong nghề, các thầy có người tuổi đã cao, nhưng không quản ngại nắng nóng, ngày 2 buổi cùng các học trò của mình đánh vật với từng điệu múa, lời ca, tiếng trống, điệu kèn, tiếng nhị... để đưa các em từng bước đến với nhân vật. Dẫu còn nhiều khó khăn để đạt đến “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” trong hình tượng nhân vật.
Về học viên trong lớp tập huấn lần này có 44 học từ 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với (31 diễn viên và 13 nhạc công). NSND Lê Tiến Thọ đánh giá cao tinh thần học tập của các học viên trong lớp học rất tích cực. Các học viên không ngại khó, ngại khổ. Không chỉ học ở lớp, mà khi đêm về, các học viên còn luyện tập qua băng hình, để trả bài cho thầy vào sáng hôm sau.
“Với trách nhiệm giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền trống. Hơn lúc nào hết trong cơ chế thị trường, trong sự bùng nổ thông tin, trong sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật hiện nay. Nghệ thuật Tuồng phải có nhiều giải pháp để giữ gìn và phát huy, biết gạn đục khơi trong, biết “Học cho chết để dùng cho sống”.
Biết cải tiến nhưng chớ để “Vừng ra Ngô” như lời Bác Hồ dạy. Muốn vậy đội ngũ nghệ sĩ tuồng (đặc biệt là nghệ sĩ trẻ) không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết. Nâng cao các phông văn hóa của mỗi cá nhân. Nghệ sĩ nào có các phông văn hóa càng sâu, càng dày thì mới có thể sáng tạo được. Và càng học càng thấy xã hội rộng lớn”, NSND Lê Tiến Thọ nhận định.
Qua lớp tập huấn cũng là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghệ thuật rà lại những chế độ, chính sách còn bất cập đối với văn nghệ sĩ. Để kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ trẻ.
Thông qua lớp tập huấn khẳng định vai trò, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nghệ thuật Tuồng trong cả nước cùng chung tay, góp sức với Bộ VHTTDL - Cục NTBD và các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống trong tình hình thực tế hôm nay của đông đảo khán giả.