Tập huấn diễn viên, nhạc công Tuồng toàn quốc năm 2024
VHO - Sáng 10.5, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh TP Đà Nẵng, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Sở VHTT TP Đà Nẵng và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức lớp Tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống năm 2024.
Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 10 - 20 tháng 5 năm 2024.
Lớp tập huấn được tổ chức theo kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Cụ thể hóa Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Đối tượng tham gia là các diễn viên, nhạc công các đơn vị nghệ thuật Tuồng công lập trên toàn quốc.
Mỗi đơn vị lựa chọn 10 diễn viên và 5 nhạc công, ưu tiên các diễn viên, nhạc công trẻ, dưới sự giảng dạy của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, đạo diễn, các nhà lý luận sân khấu có chuyên môn và uy tín.
Thông qua chương trình tập huấn, các diễn viên, nhạc công được bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ thuật diễn xuất, hát, múa Tuồng truyền thống.
Phương pháp thể hiện những làn điệu Tuồng cổ, kết hợp biểu diễn các nhạc cụ dân tộc và xử lý các tình huống sân khấu.
Nâng cao chuyên môn cho diễn viên, nhạc công các đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp trong cả nước, từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt nghệ sĩ biểu diễn tại các đơn vị nghệ thuật Tuồng.
Các học viên sẽ được đào tạo nâng cao kỹ thuật hát, múa Tuồng cơ bản, nắm chắc truyền thống về phương pháp biểu diễn các vai mẫu trong các vở:
Vai Nguyệt Cô trong trích đoạn Nguyệt Cô hóa cáo; “Võ Tam Tư”; vai Đào Tam Xuân trong trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ - Vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”.
Vai Châu Sáng trong trích đoạn Châu Sáng qua sông - vở: “Ngũ Viên Thiệu”; vai Kỷ Lan Anh và vai Hồ Nô trong trích đoạn Kỷ Lan Anh lạc đẻ - vở: “Hộ Sanh Đàn”.
Vai Đổng Kim Lân và vai Khương Linh Tá trong trích đoạn Kim Lân qua đèo - vở: “Sơn Hậu”; vai Phương Cơ trong trích đoạn Phương Cơ qua ải - vở: “Ngọn lửa Hồng Sơn”.
Đối với nhạc công nhằm nâng cao kỹ năng diễn tấu một số bài bản truyền thống của các nhạc cụ trong dàn nhạc Tuồng và sự phối hợp giữa dàn nhạc với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên.
Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ nghệ thuật Tuồng đánh giá đúng thực trạng của loại hình nghệ thuật Tuồng hiện tại. Qua đó tìm ra những giải pháp phù hợp để góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống trong thời kỳ mới.