Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024
VHO - Tối 26.6, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đã bế mạc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Liên hoan quy tụ gần 1000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật mang tới 23 vở kịch nói.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, Liên hoan lần này có những vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng; tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều vở thiếu tính sáng tạo, kịch bản cũ, thiếu tính đột phá... Qua đó phản ánh sân khấu kịch nói đang có nhiều vấn đề cần bàn như kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật sân khấu…
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao huy chương vàng cho 3 vở diễn, gồm: Đêm trắng (Nhà hát Kịch Việt Nam), Vòng tròn bội bạc (Nhà hát Kịch Hà Nội) và Bắt quỷ (Đoàn Kịch nói Hải Phòng).
Đáng chú ý là vở Đêm trắng của cố tác giả Lưu Quang Hà, được đạo diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng cùng ê kíp sáng tạo với gần 80 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng như: Nghệ sĩ Minh Hải (hóa thân vào vai Bác Hồ), nghệ sĩ Việt Thắng, Đình Chiến, Kiều Minh Hiếu, Mai Nguyên… Vở diễn Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng Quân đội cách mạng, là 1 trong 3 vở diễn giành Huy chương vàng.
Đây là tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật trong những năm 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng.
Bản dựng được Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện với cách kể, lối diễn hiện đại cùng tư duy dàn dựng sân khấu mới của một ê kíp nghệ sĩ tâm huyết đã mang đến công chúng một vở chính kịch mang hơi thở thời đại.
Ban tổ chức Liên hoan cũng đã trao huy chương bạc cho 5 vở diễn, trong đó có vở Vầng trăng trinh liệt của Nhà hát Kịch nói Quân đội; trao huy chương vàng cho 32 diễn viên và huy chương bạc cho 49 diễn viên; trao giải xuất sắc cho thành phần sáng tạo, gồm: Tác giả xuất sắc (Chu Lai, vở Vòng tròn bội bạc, Nhà hát Kịch Hà Nội), Đạo diễn xuất sắc (Trần Lực, vở Búp bê, Sân khấu LucTeam), Họa sĩ xuất sắc (Đỗ Doãn Bằng, vở Bến nước thời gian, Nhà hát Tuổi trẻ).
Trong lễ trao giải, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao giải xuất sắc cho 3 vở diễn và các giải cá nhân khác.
Đánh giá tổng kết Liên hoan, Thứ trưởng VHTTDL Tạ Quang Đông nêu rõ: Ở liên hoan thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình kịch nói. Với cái nhìn tổng quan về Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024, có thể thấy được sân khấu kịch nói đang có nhiều thay đổi, đã có nhiều cái mới về nội dung và hình thức.
“Liên hoan dù với nhiều thể loại đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị nhưng đã được các đơn vị nghệ thuật thể hiện nghiêm túc, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, tính thời sự cao, hữu ích cho xã hội; các nghệ sĩ, diễn viên dự thi thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024 nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật Kịch nói; là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Kịch nói phục vụ nhân dân.
Đồng thời, thông qua Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật Kịch nói, kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật Kịch nói phát triển phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân cả nước.
Bên cạnh thành công của các vở diễn và phần biểu diễn dự thi của các diễn viên được đầu tư kỹ lưỡng cả về kịch bản, dàn dựng, âm nhạc, ánh sáng, trang phục… thì vẫn còn một số vở diễn và phần biểu diễn dự thi của các diễn viên chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc dù là lý do chủ quan hay khách quan.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này; đối với một số vở diễn và phần biểu diễn dự thi của các diễn viên, không những đòi hỏi phải đầu tư dàn dựng công phu và có nhiều sáng tạo trong lối diễn mà còn đòi hỏi phải có kịch bản hay, có cốt truyện, có điểm thắt nút, có điểm bùng nổ; Người nghệ sĩ, diễn viên phải có kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, phải tập luyện nhuần nhuyễn với bạn diễn của mình và cần phải có người đạo diễn, người dàn dựng giỏi.
Thứ trưởng đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật Kịch nói. Các Sở VHTTDL, các đơn vị nghệ thuật, nhà hát tiếp tục chú trọng và tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật biểu diễn mới, nhất là các tài năng trẻ, phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực của đơn vị.