Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

Những thương hiệu sân khấu hàng đầu hội tụ

ĐÀO ANH

VHO - Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 đã đi gần hết chặng đường. Hai suất diễn sáng, tối với 1.200 ghế của khán phòng Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc (số 18 đường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) lúc nào cũng kín khán giả. Người xem nhiệt tình, hào hứng tương tác cùng những tràng pháo tay không ngớt sau vở diễn là một phần làm nên thành công của Liên hoan năm nay.

Những thương hiệu sân khấu hàng đầu hội tụ - ảnh 1
Vở Lời nói dối cuối cùng của Nhà hát Kịch nói Quân đội

Khi tác phẩm chạm đến trái tim khán giả

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập. Sự kiện diễn ra từ ngày 11 - 26.6 với 23 tác phẩm đặc sắc, mang đến cho giới mộ điệu những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn bậc nhất của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

Diễn ra tại Thái Nguyên, mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và lịch sử, Liên hoan là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới nghề; cùng với đó, công chúng được chiêm ngưỡng, thưởng thức và thăng hoa cảm xúc cùng thế giới kịch nói nước nhà. Bà Lê Mai (Định Hóa, Thái Nguyên) xúc động chia sẻ: “Một trong những vở kịch tôi đã chờ đợi từ rất lâu là Đêm trắng, nay thật vui vì được thưởng thức ngay tại nhà hát quê hương”. Bà Đoàn Thị Bích Liên (TP Thái Nguyên) bày tỏ: “Từ khi còn trẻ tôi đã yêu thích kịch nói, được xem kịch trực tiếp, chúng tôi thấy hay hơn nhiều so với xem qua màn ảnh nhỏ. Tôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những diễn viên nổi tiếng, tôi thấy họ thực sự tài năng và diễn xuất rất thăng hoa”.

Ông Nguyễn Văn Bộ (TP Thái Nguyên) phấn khởi cho biết: “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 được tổ chức tại Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, giúp khán giả Thái Nguyên có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm xuất sắc nhất của các thương hiệu kịch nói hàng đầu. Tôi mong trong thời gian tới sẽ có nhiều sự kiện như thế này để người dân chúng tôi có thêm món ăn tinh thần mới”.

Có thể cảm nhận được sức hấp dẫn, sự lan tỏa của các vở kịch qua từng buổi diễn dự thi. Những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt của không ít người khi chứng kiến những nỗi đau, thân phận của các nhân vật trên sân khấu.

Những thương hiệu sân khấu hàng đầu hội tụ - ảnh 2
Khán phòng Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc luôn chật kín khán giả

Đi thi là phải có cái mới

Đạo diễn, NSND Trần Lực, Giám đốc Sân khấu LucTeam chia sẻ: “Nghệ sĩ chúng tôi coi Liên hoan là cuộc thi quốc gia lớn nhất của sân khấu kịch nói. Giải thưởng này cũng giống như Bông sen Vàng của LHP Việt Nam. Chúng tôi đã có sự sàng lọc kỹ càng để mang tới Liên hoan những vở kịch xuất sắc nhất, và điều quan trọng là vở diễn phải có những sáng tạo mới mang tính học thuật và phải là tác phẩm mà ê kíp sáng tạo thật sự tâm huyết”.

Đạo diễn Trần Lực không khỏi bồi hồi khi nhớ về những mùa hội diễn, liên hoan sân khấu kịch nói mà anh đã từng được tham dự vào những năm 1980, 1985. Khi đó anh vô cùng ngưỡng mộ và hưng phấn khi được thưởng thức những “bom tấn” như Hà My của tôi (đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang); Cô gái đội mũ nồi xám (đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi)... “Khi tham gia các cuộc thi, liên hoan thuở ấy, không chỉ nghệ sĩ mà Ban giám khảo, Ban tổ chức cũng đau đáu để làm sao có được những tác phẩm sáng tạo, mới mẻ, tạo nên sự chuyển động tích cực cho diện mạo sân khấu đương thời”. Đúng với quan điểm “đến Liên hoan phải có sáng tạo mới”, LucTeam mang tới Búp bê (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn NSND Trần Lực). Vở diễn đã thực sự “khuấy đảo” những người làm nghệ thuật cũng như khán giả yêu sân khấu bởi cách viết, cách dựng “không giống ai”…

Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội, đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương cho biết: “Nghệ sĩ quân đội rất mong chờ được tham gia Liên hoan lần này. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà hát, vì vậy, hai tác phẩm tham dự Liên hoan đều được sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao. Đó là vở Vầng trăng trinh liệt (tác giả Hà Đình Cẩn, đạo diễn, NSND Lê Hùng) kể về sự hy sinh anh dũng của các cô gái Ngã ba Đồng Lộc và Lời nói dối cuối cùng (cố tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng) về đề tài dân gian”. Theo NSƯT Mai Phương, mảng đề tài chiến tranh cách mạng thì Nhà hát Kịch nói Quân đội đã quá quen thuộc với khán giả, nhưng lần này các nghệ sĩ cũng đầy háo hức khi được trải nghiệm dựng và diễn một vở đề tài dân gian.

23 vở diễn của 19 đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch nói tham gia Liên hoan đề cập tới rất nhiều mảng đề tài khác nhau từ lịch sử, cách mạng, dân gian cho đến đề tài hiện đại với những vấn đề nóng của đời sống xã hội, khai thác những ngóc ngách trong tâm lý con người…

Điều thú vị hơn cả là những tác phẩm được dàn dựng công phu, mới mẻ, sáng tạo càng thăng hoa bởi sự cổ vũ nhiệt thành từ người dân Thái Nguyên. Dù ngày hay đêm, buổi diễn nào khán giả cũng đến từ rất sớm. Những tràng vỗ tay vang dội theo từng câu thoại của các nhân vật, những giọt nước mắt rơi vì xúc động, những tiếng cười sảng khoải… chính là món quà tuyệt vời và đáng nhớ đối với người làm nghề. Khán giả đã tiếp thêm cho các nghệ sĩ một nguồn năng lượng tươi mới để tiếp tục cống hiến và cháy hết mình trên sân khấu. Cứ nhìn vào không khí của mỗi buổi diễn tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 thì thấy: Kịch nói vẫn mạnh mẽ và bền bỉ sống trong lòng nhân dân!