Nâng tầm thương hiệu dừa, phục vụ du khách
VHO - Từ lâu, nói đến Khánh Hòa là người ta nghĩ ngay đến những đặc sản như trầm hương, yến sào, đến du lịch biển đảo và các loại hải sản tươi rói… chứ ít ai biết rằng, ở vùng đất “Xứ Trầm, biển Yến” này còn có một loại trái ngọt nổi tiếng - đó là dừa Ninh Hòa. Đây là loại cây đặc hữu được trồng ở vùng đất ven biển, hấp thụ vị mặn mòi của biển cả, giúp trái dừa có vị thơm, ngọt thanh mà không phải nơi nào cũng có.
Chúng tôi tìm đến Trang trại Phượng Hoàng Farm của anh Nguyễn Phi Trường thuộc địa bàn xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Giữa vùng đất quanh năm khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng những hàng dừa vẫn vươn lên xanh mướt; xen lẫn trong những vườn dừa là những loại cây ăn trái khác cũng xanh một màu xanh bất tận, chỉ nhìn thôi cũng thấy ưng lắm rồi.
Vừa đưa chúng tôi đi thăm vườn dừa 4-5 năm tuổi - đang bắt đầu cho trái, anh Nguyễn Phi Trường vừa vui vẻ chia sẻ, anh từng làm quản lý một công ty du lịch khá nổi tiếng ở Khánh Hòa, từng đi nhiều nơi, thấy nhiều mô hình làm nông nghiệp hữu cơ nên anh rất mê.
Có lẽ niềm đamg mê đó đã ăn vào máu thịt nên anh đã âm thầm bỏ tiền mua 20ha đất nằm ẩn mình nơi thung lũng dưới chân núi Phượng Hoàng, được bao bọc bởi dòng suối Chình thơ mộng và ấp ủ về một trang trại nông nghiệp hữu cơ để thu hút du khách. Trong quá trình tìm hiểu, anh biết về giống dừa đặc hữu của địa phương và quyết tâm đưa sản phẩm này đến với người dân và du khách.
Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng. Bởi dừa Ninh Hòa nổi tiếng thơm ngon là do được trồng ở vùng ven biển, đất, khí hậu mặn, còn trang trại của anh lại nằm trên vùng núi, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nếu làm không tốt sẽ mất trắng cả “chì lẫn chài”.
Để chắc ăn - vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bước đầu anh chỉ đầu tư trồng hơn 1.000 gốc dừa Ninh Hòa trên diện tích khoảng 4ha. Đầu tư hệ thống tưới nước tự động để cây dừa phát triển. Đồng thời, để đảm bảo vị ngọt cho trái dừa, anh thử nghiệm “cho dừa ăn muối” bằng cách rải một lượng muối vừa đủ quanh gốc dừa và trên từng bẹ dừa. Phương pháp này không chỉ cung cấp muối, khoáng cho cây dừa mà còn tiêu diệt một số sâu bệnh có hại cho vườn dừa.
Đồng thời, anh còn dùng long não cho vào chai nhựa, rồi treo trên ngọn dừa, cạnh những buồng dừa mới trổ bông để xua đuổi côn trùng. Xa hơn, anh còn trồng các loại hoa với màu sắc sặc sỡ để thu hút công trùng, lấy thiên địch, chống thiên địch; và cách làm này đã bước đầu đem lại hiệu quả. Sau 4 - 5 năm trồng, hiện lứa dừa đầu tiên đã cho mùa quả ngọt, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Theo anh Trường, bản chất của nông nghiệp sạch là phải thuận theo tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ đã được ông cha ta áp dụng từ xa xưa. Tuy nhiên do khoa học ngày càng phát triển, hiện đại nên con người đã sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức khiến cho đất dễ bị bạc màu.
Người ta chỉ quan tâm đến tăng năng suất mà nhiều lúc quên đi an toàn vệ sinh sản phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, để đảm bảo là trang trại hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch đến được tay người tiêu dùng, và trên hết là xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm dừa Ninh Hòa, trang trại của anh Trường đã phải mất một thời gian dài ngừng sản xuất, để cỏ mọc tự nhiên nhằm cải tạo đất và làm sạch thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư, sau đó mới tiến hành trồng cây.
Anh Lê Văn Phát - người trực tiếp sản xuất ở trang trại, cho biết, từ khi chuẩn bị đất đến khi trồng, chăm sóc cây, không hề sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ. Đồng thời, áp dụng phương pháp tưới phun và giữ lại lớp cỏ để bảo vệ hệ sinh thái, sâu bọ có lợi, giun đất sinh sống, giúp đất tơi xốp, độ ẩm cao, làm cho cây dừa tăng trưởng tốt.
Hướng áp dụng nông nghiệp thuận theo tự nhiên này còn bao gồm việc trồng thêm nhiều loại cây hoa khác như hoa sim, hoa phượng, hoa cúc, hoàng yến… để thu hút các loại sâu, bọ, hạn chế tập trung tấn công vườn dừa, từ đó tạo ra một hệ sinh thái tự nhiên vừa phong phú vừa cân bằng, đẩy mạnh sự phát triển bền vững của vườn cây.
Để đạt chuẩn trang trại hữu cơ, trong suốt quá trình trồng, canh tác, trang trại phải tuân thủ nghiêm ngặt “ba không”; đó là không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học. Và sau khoảng 4 năm đầu tư, hiện nay trang trại của anh trường đã có khoảng 500 cây dừa đã có trái cung cấp cho thị trường.
Ngay sau khi thử nghiệm thành công, chất lượng dừa được thị trường đón nhận, anh đã đẩy mạnh công tác quảng bá, đưa thương hiệu dừa Ninh Hòa đến tay người tiêu dung bằng cách gắn mã QR và đưa đi giới thiệu tại các hội nghị, hội thảo, các điểm du lịch… Đặc biệt là các khách sạn lớn với đông lượng khách lưu trú và rất được các đối tác nhiệt tình ủng hộ.
Áp dụng biện pháp dán tem trên mỗi trái dừa, một bước không thể thiếu để đảm bảo minh bạch và khẳng định chất lượng. Khi mua dừa, khách hàng chỉ cần quét mã QR, sẽ hiểu rõ nguồn gốc và phân biệt được dừa Ninh Hòa hữu cơ với những loại dừa khác. Người tiêu dùng vì thế có thể trải nghiệm không chỉ hương vị mà còn cả câu chuyện đằng sau mỗi trái dừa - từ văn hóa trồng trọt đến thông tin về đất đai và lịch sử của nông trại.
Theo tính toán, mỗi tháng cây dừa sẽ trổ một buồng, bình quân mỗi buồng khoảng 10 quả. Vậy chi, mỗi tháng anh sẽ cung cấp cho thị trường từ 5.000 - 10.000 trái dừa với giá bán 20.000 đồng/trái, cao hơn giá dừa khác ngoài thị trường (thường có giá bán từ 7-10.000 đồng).
“Có khách sạn lớn sau khi thử chất lượng dừa đã ngỏ ý muốn mỗi ngày lấy khoảng 200 trái dừa để cung cấp miễn phí cho khách; như vậy, hiện cả trang trại của mình cũng chỉ đủ cung cấp cho 1 khách sạn trong tháng”, anh Trường cho hay. Chính vì vậy, về lâu dài anh đang nỗ lực để xây dựng vùng đặc hữu trồng dừa Ninh Hòa để cung cấp cho thị trường. Làm sao, khi du khách đến với Nha Trang, Khánh Hòa được thưởng thức đúng dừa sạch, chất lượng, biết được dừa Ninh Hòa là sản vật của địa phương.
Với suy nghĩ đó, ngoài việc mở rộng diện tích trồng dừa của trang trại, mới đây anh cùng với 10 thành viên khác tiến hành đăng ký thành lập HTX Canh nông - Du lịch xanh Phượng Hoàng với mong muốn có đủ sản lượng dừa cung cấp cho thị trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhất là phục vụ khách du lịch. Với 10 thành viên, hiện HTX có khoảng 5.000 cây dừa và đang tiếp tục mở rộng, thu hút thêm thành viên có đủ số lượng cũng như chất lượng canh tác dừa hữu cơ.
Dừa Ninh Hòa bén rễ trên vùng đất khô cằn
Không chỉ mong muốn xây dựng thương hiệu dừa Ninh Hòa, về lâu dài, anh Trường còn mong muốn xây dựng nông trại hữu cơ của mình thành điểm du lịch sinh thái, hữu cơ phục vụ sự tham quan của du khách. Vì vậy, ngoài trồng dừa, hiện trang trại của anh còn trồng thêm khoảng 5.000 cây ăn trái khác như sim, táo, ổi, mận, chôm chôm, dâu da, mít, nhãn… tạo nên một môi trường đa dạng về nông sản.
Chúng tôi có dịp gặp ông Lữ Thế Hùng - Chuyên gia đào tạo khởi nghiệp kiêm Phó Chủ tịch Bách Hóa Việt, trong một lần hội thảo, ông rất tâm đắc với sản phẩm dừa Ninh Hòa của Phượng Hoàng Fram, ông Hùng cho rằng, đây là bước khởi nghiệp hết sức sáng tạo, họ dùng QR để giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm của mình.
Cùng với sự sáng tạo dựa trên truyền thống, dừa được đưa từ vùng biển lên miền núi - ngoài chất lượng giống, còn được tưới khoáng, rải thêm muối biển lên các bẹ giúp cho trái dừa có vị ngọt thanh, nâng cao giá trị kinh tế và hướng đi này cho thấy sự nhanh nhạy của chủ trang trại về nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường và bước đầu đã đem lại sự thành công.
Không chỉ dừng lại ở trang trại hữu cơ anh Nguyễn Phi Trường còn tập trung xây dựng kênh phân phối hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Với tầm nhìn xa, anh mong muốn biến thung lũng Phượng Hoàng thành một điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê nông sản sạch và yêu thích không gian tự nhiên.