Người hơn 40 năm “giữ hồn” cho trầm hương Khánh Hòa

VHO - Với tình yêu và niềm đam mê, hơn 40 năm qua, ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Trầm Hương Non Nước Khánh Hòa không ngừng đầu tư, phát triển các sản phẩm từ trầm hương. Về lâu dài, ông đang ấp ủ phát triển nhiều hơn nữa sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp từ trầm như vòng trầm, nhang trầm, các loại tượng tâm linh từ trầm... Ông được mọi người biết đến là người “giữ hồn” cho Trầm hương Khánh Hòa.

Người hơn 40 năm “giữ hồn” cho trầm hương Khánh Hòa - Anh 1

Ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Trầm Hương Non Nước Khánh Hòa

Chúng tôi đến Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vào những ngày đầu tháng 12.2023 để tìm gặp ông Biện Quốc Dũng (SN 1960), Chủ tịch Hội trầm hương tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Trầm Hương Non Nước Khánh Hòa để tìm hiểu về sản vật quý giá của trầm hương.

Tiếp chúng tôi, ông Biện Quốc Dũng kể: "Những năm 1980, Nhà nước thực hiện các chương trình về trồng rừng và trầm hương, tôi đã tham gia nhiệt tình bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ". Vốn yêu lao động lại đam mê về trầm, rồi ông Dũng theo nghề trầm hương và mê trầm lúc nào không hay biết. “Lúc đó khi chưa ai biết nhiều về trầm hương thiên nhiên Khánh Hòa nên người dân vùng Khánh Hòa khai thác bán lại còn khá rẻ, vì mê trầm nên tôi thu mua lại và tích lũy vào kho cho đến nay”, ông Biện Quốc Dũng kể.

Người hơn 40 năm “giữ hồn” cho trầm hương Khánh Hòa - Anh 2

Các sản phẩm trầm hương Khánh Hòa

Khi đã có độ chín về nghề trầm hương nên năm 2013, ông Biện Quốc Dũng mở Công ty TNHH trầm Hương Biện Quốc Dũng kinh doanh nhiều sản phẩm từ trầm hương thiên nhiên. Và sau đó ông Dũng đổi tên thành Công ty TNHH trầm Hương Non Nước Khánh Hòa.

Ông Biện Quốc Dũng cho biết: Hiện nay, Công ty của ông chuyên kinh doanh nhiều sản phẩm trầm hương gồm: Nhang trầm có nhiều loại (vòng, nụ,  không tăm, thanh trầm, bột trầm, viên nén trầm hương); trầm miếng, trầm cảnh; các loại tượng tâm linh bằng trầm; các loại vòng trầm (cổ, tay); quà lưu niệm từ trầm (móc khóa, vật phẩm trang trí trên ô tô, mặt dây chuyền, nhẫn, hoa tai); rượu trầm hương, rượu Kỳ Nam... “Công ty TNHH trầm Hương Non Nước Khánh Hòa có xưởng sản xuất, có đội ngũ nghệ nhân lành nghề nên các sản phẩm trầm sản xuất  bán ra thị trường đều đẹp, chất lượng tốt và giá thành phù hợp tiêu chuẩn”, ông Dũng cho biết.

Đánh giá về giá trị trầm hương thiên nhiên ông Biện Quốc Dũng cho rằng: “Những khối trầm quá to và màu sắc mà đen kịt thì chắc hẳn không phải là trầm thiên nhiên. Trầm thiên nhiên chỉ có kích thước vừa phải không quá lớn, nặng nhất chỉ khoảng vài chục ký trở lại. Muốn đánh giá về trầm hương thì mắt phải thấy, tai nghe, tay sờ, đốt ngửi, để phân biệt mùi vị, vùng miền. Mùi vị của trầm thiên nhiên thơm thoang thoảng, vị ngọt ngào, không có mùi khét.

Trầm hương hảo hạng quý giá nhất đó là Kỳ Nam, và được chia thành thứ hạng theo màu sắc khác nhau: Nhất: bạch (trắng); nhì: thanh (xanh); tam: huỳnh (vàng); tứ: hắc (đen)”, ông Biện Quốc Dũng nói.

Ông Biện Quốc Dũng cho biết, sự hình thành trầm hương trong các cây fó bầu thiên nhiên chứa đựng nhiều huyền bí. Dân gian truyền rằng: trầm hương là do hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên thân cây Dó bầu, hòa vào nhựa chảy ra từ vết thương ấy, được hun đúc qua thời gian nắng gió bởi khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên đặc biệt khác, gọi là “Tinh túy của Đất Trời”.

Trầm hương là sản vật quý giá được xuất phát từ những cây dó bầu được mọc hoang trong những cánh rừng già trung bộ Việt Nam. Đặc biệt là vùng đất Khánh Hòa được thiên nhiên ban tặng những báu vật đó. trầm hương có rất nhiều các tỉnh thành trên cả nước, nhưng không nơi nào có được chất lượng và mùi thơm như mùi trầm hương Khánh Hòa.

Trên thế giới có rất nhiều trầm hương như các nước Đông Nam Á: Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc... “Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia về trầm hương thì trầm hương Việt Nam đứng đầu thế giới, trong đó Khánh Hòa được đánh giá là trầm hương tốt nhất”, ông Biện Quốc Dũng khẳng định.

Trầm hương Khánh Hòa mang đậm những nét văn hóa, lịch sử lâu đời gắn liền với truyền thuyết về Nữ Thần Ponagar – bà Mẹ của xứ sở và những vị Thần, biểu trưng cho cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Trong ánh hào quang của Po Nagar và những vị Thần luôn có hương thơm thanh khiết của trầm hương.

Người hơn 40 năm “giữ hồn” cho trầm hương Khánh Hòa - Anh 3

Các sản phẩm vòng trầm 

Trầm hương đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo, giúp các đấng Thần linh lắng nghe, thấu hiểu được những khẩn cầu của con người. trầm hương đốt lên, lan tỏa mùi hương thanh cao tạo ra hương thơm thanh tịnh, ấm áp, trang nghiêm, thể hiện tín ngưỡng, mang niềm tin và sự ngưỡng mộ đối với những thế lực siêu nhiên, mang đến ánh sáng và hy vọng tốt lành, giúp tâm hồn con người thư thái, lắng dịu, hướng tới những điều thánh thiện.

Khoa học chứng minh rằng, mùi trầm là dinh dưỡng ở dạng khí nuôi cho cơ thể sống, tạo sức lực cho cơ thể hoạt động, chữa được nhiều căn bệnh cho thân thể và cả bệnh tâm lý.

Theo Đông y, trầm hương là vị thuốc quý hiếm, có vị cay, tính ôn, vào ba kinh: tì, vị, thận; có tác dụng giáng khí, nạp thận, bình can, tráng nguyên dương, chữa các bệnh đau bụng, đau ngực, nôn mửa, hen suyển, lợi tiểu, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, cấm khẩu, thổ huyết, khó thở...Theo Tây y, trầm hương có tính kháng sinh, tạo kháng thể mạnh, có tác dụng chữa một số bệnh về tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiêu hoá, bệnh về tiết niệu…

Trong trầm hương tinh dầu trầm có giá trị đặc biệt, được dùng làm chất định hương, ngoài dược liệu còn được sử dụng cho các loại hương liệu như: Nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, có tính chất huyền bí, linh thiêng đối với một số tôn giáo, nhất là đối với Hồi giáo.

Người hơn 40 năm “giữ hồn” cho trầm hương Khánh Hòa - Anh 4

Trầm hương Khánh Hòa có lịch sử và văn hóa lâu đời

Trầm hương khi đốt tỏa mùi rất thơm và được cho là hương thơm hữu ích bậc nhất. Nhiều nước phương Đông có tập quán đốt trầm hương hoặc nhang sản xuất từ trầm hương trong lễ cúng tổ tiên, đất trời, thần thánh; đốt trầm hương để chữa bệnh, trừ tà, tạo sự may mắn, hưng phấn. Một số tôn giáo đốt trầm hương trong các nghi lễ được xem là vật giao lưu truyền cảm giữa con người của thế giới thực tại với thế giới thần linh. Đốt trầm được coi là nghi thức dâng cúng linh thiêng cao quý nhất. Một công dụng tuyệt vời khác của trầm hương đó là thiền trầm.

Thiền trầm được ví như một không gian thư thái, lắng dịu với hương thơm tao nhã, linh thiêng của trầm. Thiền định với không gian trầm hương giúp con người có thể tập trung hoàn toàn vào một chủ thể nhất định để tạo nên sự tĩnh tại trong tâm hồn.

Có thể nói, hương thơm của trầm hương giúp tẩy sạch những ô uế, bẩn tục của không gian xung quanh, giúp thức tỉnh người thiền và tạo ra sự thư thái, tĩnh lặng trong tâm hồn. Bên cạnh đó, hương thơm của trầm cũng giúp gạt bỏ những ý nghĩ về bộn bề cuộc sống, giảm bớt những căng thẳng, lo toan của con người và đưa họ vào trạng thái tốt nhất trong không gian thiền định.

Trong văn hóa tâm linh của Phật giáo, trầm hương được suy tôn như là “mùi hương của Niết Bàn”, đặc biệt là hương Kỳ Nam - loại hương “đắt đỏ” bậc nhất và thường chỉ dùng trong những nghi thức quan trọng của Phật giáo. Phật giáo Tây Tạng sử dụng trầm hương trong khi thiền để tạo được sự tĩnh tại, tăng cường sự tập trung và tạo nên sự yên tĩnh, thanh tịnh, khởi động sự nhạy bén của giác quan và mở ra thế giới quan riêng của mỗi người.

Nói về mong muốn của mình, ông Biện Quốc Dũng bộc bạch: Trầm hương thiên nhiên ở Khánh Hòa hiện nay đặc biệt rất khan hiếm, dường như không còn để khai thác. Do tích lũy mua từ nhiều năm nên hiện nay Công ty TNHH trầm Hương Non Nước Khánh Hòa còn giữ được một số lượng trầm, bột trầm thiên nhiên khá nhiều dùng để phục vụ người tiêu dùng.

Người hơn 40 năm “giữ hồn” cho trầm hương Khánh Hòa - Anh 5

Sản phẩm trần nguyên khối

“Hiện nay, ở Khánh Hòa nhiều sản phẩm trầm giả, trầm tẩm hương liệu bán ra thị trường vẫn chưa thể kiểm soát và người tiêu dùng vẫn bị lừa. Tôi mong muốn sẽ có cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý để người tiêu dùng không mua phải trầm giả”, ông Dũng nói.

“Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng, bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bông sen đơn sơ, chân chất mang nét đẹp bình dị, thôn dã ví như cái tâm của người làm nghề, lúc nào cũng ngan ngát tỏa hương, một thứ hương thơm tinh khiết, không pha lẫn mùi vị nào khác dù hoa sen trong đầm, ông Biện Quốc Dũng khẳng định.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc