Xung quanh đề xuất biện pháp "thiến hóa học" để ngăn chặn xâm hại trẻ em: Khó đạt hiệu quả như mong muốn

VHO- Tuần qua, dư luận xôn xao về đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đối với việc áp dụng hình phạt thiến hoá học nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục.

Xung quanh đề xuất biện pháp 

TS Khuất Thu Hồng

Theo đại biểu Phương, con số thống kê về tình trạng xâm hại trẻ em trong 5 năm qua (2015-2019) là 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý khiến “Ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn sớm phát hiện, bắt, truy tố và xử lý triệt để, nghiêm khắc với đối tượng xâm hại trẻ em”.

Cần bổ sung hình phạt

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Phương đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó có việc “còn bao kẻ tàn ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật chưa đủ sức xử lý và răn đe”. Chính vì vậy, theo ông Phương cần phải tăng và bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em, mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ. Ông Phương cũng khẳng định “Tôi cho rằng nếu trong pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất là phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong tương lai”.

Đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người dân đã bày tỏ quan điểm đồng tình với đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương với lý do là rất căm phẫn những kẻ vô đạo đức, làm hại đời các bé gái, để lại những tổn thương nặng nề đối với các nạn nhân. Nhiều người dân cho rằng, nếu áp dụng việc thiến hoá học, sẽ khiến những kẻ phạm tội không thể tái phạm và khiến những kẻ khác sợ hãi mà không dám “làm liều”.

Xét dưới góc độ pháp luật, Luật sư Hoàng Minh Hiển, Trưởng Văn phòng Luật sư HHM Việt Nam cho rằng hiện nay trong hệ thống hình phạt của pháp luật Việt Nam, không có hình phạt thiến hoá học. Theo Luật sư Hoàng Minh Hiển, đối với hình phạt, bên cạnh việc trừng phạt thì tính giáo dục của hình phạt là vô cùng quan trọng. Trong Luật Hình sự Việt Nam, hình phạt cao nhất hiện nay là tử hình, nhằm loại vĩnh viễn đối tượng phạm tội ra khỏi đời sống xã hội. Ngoài các hình phạt tù như phạt tù chung thân, phạt tù có thời hạn, cải tạo không giam giữ, thì còn một số hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhiệm những chức vụ, phạt tiền, tịch thu tài sản... thì không có hình phạt nào tác động trực tiếp đến cơ thể con người khiến thay đổi tâm, sinh lý.

Luật sư Hiển phân tích, ngoài hình phạt tử hình và phạt tù chung thân, thì việc phạt tù có thời hạn, người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù thì không phải chịu thêm các hình phạt khác, nhưng việc thiến hoá học lại kéo dài suốt cuộc đời, vì vậy là không hợp lý. Bên cạnh đó, nếu thiến hoá học, mới chỉ thoả mãn được vấn đề trừng phạt, còn việc giáo dục, có thể bị tác dụng ngược. Cụ thể, khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt, trở về với đời thường, mà không còn khả năng sinh lý, có thể nảy sinh tâm lý “không còn gì để mất”, từ đó có những hành vi phạm tội nguy hiểm hơn. Trong trường hợp nếu đưa việc thiến hoá học thành một trong những hình phạt bổ sung thì phải hết sức chặt chẽ, phải kiểm tra toàn bộ sức khoẻ, cơ địa của người bị áp dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Xung quanh đề xuất biện pháp 

 Luật sư Hoàng Minh Hiển

Tính khả thi không cao

Một số chuyên gia cho rằng, việc áp dụng hình phạt thiến hoá học nếu được luật hoá cũng không có tính khả thi cao đối với cả việc thi hành án và việc ngăn ngừa tội phạm. Xét dưới góc độ ngăn ngừa tội phạm, việc các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có những vụ án vi phạm nhưng gia đình thỏa thuận che giấu, không dám công khai tố cáo. Có những gia đình thiếu quan tâm con, đến khi con mang bầu mới phát hiện. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại do có sự xáo trộn, do cha mẹ đi làm ăn xa, cha mẹ ly hôn, tỷ lệ trẻ em lang thang cơ nhỡ hay địa bàn có mặt bằng dân trí tương đối thấp.

Về việc đưa ra hình phạt thiến hoá học, có sức răn đe hay không TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng giải pháp này khó đạt hiệu quả như mong muốn. Theo bà Hồng, nếu cho rằng yếu tố sinh học quyết định đến hành vi phạm tội do kẻ xấu không kiềm chế được bản năng là chưa hoàn toàn thoả đáng “Bởi tất cả mọi người sinh ra đều là sản phẩm của sinh học, nhưng chỉ một số ít người phạm tội xâm hại trẻ em. Vì vậy, phải coi xâm hại trẻ em là vấn đề của giáo dục chưa tốt, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm”, bà Hồng nhận định.

Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, một số nước trên thế giới và khu vực khi áp dụng hình phạt này cũng phải tính toán rất kỹ đến tác dụng phụ và hậu quả lâu dài. Việc thiến hoá học có thể gây ra biến chứng teo tinh hoàn, làm mất khả năng sinh sản của người đàn ông. Và như vậy, dù đối tượng phạm tội đã thi hành xong bản án phạt tù, nhưng lại mang một bản án khác suốt đời. Bên cạnh những vấn đề về pháp lý, về tâm sinh lý khi áp dụng hình phạt thiến hoá học, thì việc thực thi biện pháp này cũng sẽ rất tốn kém và khó khăn. Việc tiêm thuốc (nếu có) phải có một lượng thuốc đủ và đảm bảo chất lượng để thi hành án, phải có đội ngũ thi hành án có trình độ...

Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và răn đe các đối tượng phạm tội, thì bên cạnh việc có nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em từ gia đình và cộng đồng thì việc phát hiện và đưa ra ánh sáng đối với những kẻ phạm tội là rất quan trọng. Các đối tượng phạm tội, không chỉ bị xử phạt, mà còn bị công bố danh tính và sẽ cấm những đối tượng này ở chung hoặc lại gần trẻ em. 

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc