Vì sao nạn nhân phải chịu đựng nỗi đau kéo dài?
VHO- Một nạn nhân bị bạo lực tình dục đã tìm tới Ngôi nhà bình yên (Hội LHPN Việt Nam) để tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ, sau một thời gian dài bị đe dọa, bạo hành.
Đa phần nạn nhân rơi vào “vòng tròn” bạo lực
Nạn nhân là chị V.N.H. (Hà Nội), là nhân viên của một Bệnh viện đa khoa ở Hà Nội, tố cáo bị Chủ tịch HĐQT bệnh viện này, đồng thời là một Trưởng khoa ĐH Luật tại Hà Nội đánh đập, bạo lực tình dục.
Lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, chị V.N.H hiện đang tạm lánh và được bảo vệ an toàn tại Ngôi nhà bình yên, tuy nhiên hiện vẫn đang trong trạng thái bất ổn, hoang mang, mất ngủ. Trung tâm đã có công văn gửi tới cơ quan chức năng để phối hợp xác minh và hỗ trợ. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp từ Trung ương tới cơ sở hiện đã vào cuộc và đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm để hỗ trợ chị H giải quyết vấn đề bạo lực. Nguyện vọng của nạn nhân là sớm được giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đơn tố giác của chị V.N.H gửi cơ quan chức năng, ông T là đồng nghiệp, học trò của mẹ chị N.H, nhờ đó hai người quen nhau. Sau tốt nghiệp đại học, chị H được ông T mời về bệnh viện của mình làm việc và hứa sẽ định hướng, chỉ bảo trong công việc. Trong thời gian làm việc tại bệnh viện từ khoảng tháng 1.2020 đến tháng 1.2022, chị H tố cáo ông T đã có nhiều hành vi, thủ đoạn để cưỡng bức, hiếp dâm, đe dọa chị và gia đình. Vì sợ ảnh hưởng đến danh dự bản thân và ông T, cũng như gia đình nên chị H không lên tiếng, mà chỉ âm thầm phản kháng. Chị V.N.H chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân bị bạo lực tình dục trong các mối quan hệ xã hội, trong gia đình, nhưng lại trong số ít nạn nhân lên tiếng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan, tổ chức. ThS Lê Thị Phương Thúy, nguyên Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, những nạn nhân đến với Ngôi nhà bình yên thường đã vào “đường cùng”, và đa số các nạn nhân phải chịu đựng bạo lực trong một thời gian dài.
Lý giải về sự chịu đựng này, bà Phương Thúy cho rằng, mối quan hệ giữa nạn nhân và thủ phạm chủ yếu là mối quan hệ quyền lực như thầy giáo - học sinh, bác sĩ - bệnh nhân, cấp trên - cấp dưới, cha mẹ, cô dì, chú bác, người giám hộ - con cháu, người chồng - vợ… Các nạn nhân đều bắt đầu bằng lòng tin, niềm tin về sự tử tế, tin tưởng vào người hỗ trợ, giúp đỡ mình nên họ không đề phòng những thủ đoạn mà các đối tượng bày đặt ra. Và khi nạn nhân muốn thoát ra thì các đối tượng này áp đặt mối quan hệ quyền lực lên họ, sử dụng những thông tin cá nhân đe dọa... khiến nạn nhân tiếp tục rơi vào vòng tròn bạo lực. “Như trường hợp vừa xảy ra với V.N.H chẳng hạn, đối tượng sử dụng clip, sự đau lòng của người mẹ, rồi dọa giết… để không chế, vì thế chị H lại rơi vào vòng tròn kiểm soát, không thoát khỏi mối quan hệ của ông ta. Vì vậy, bất cứ một nạn nhân bị bạo lực tình dục hay bị bạo lực cần tìm người tin tưởng để nói ra câu chuyện của mình. Bây giờ có rất nhiều nơi hỗ trợ, ngôi nhà bình yên, hội nông dân, công an… để bảo vệ các nạn nhân. Đồng thời cố gắng thu thập bằng chứng về các hành vi bạo lực để chứng minh”, ThS Lê Thị Phương Thúy nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bị đối xử tệ bạc, đe dọa như vậy nhưng nạn nhân vẫn không dám vạch mặt, không dám lên tiếng? “Bởi vì định kiến về phụ nữ Việt Nam phải “công, dung, ngôn, hạnh”, phải biết tự bảo vệ bản thân, nói ra lại sợ mang tiếng lả lơi… Và tất cả những nỗi sợ ấy khiến người phụ nữ phải im lặng, chịu nhẫn nhục vì nói ra sợ xấu hổ, sợ ảnh hưởng tới gia đình, sợ điều tiếng, áp lực của xã hội. Những định kiến này đã vô tình đổ lỗi cho nạn nhân mà không được xem xét ở góc độ vi phạm quyền con người và nạn nhân cần được bảo vệ. Khi được ủng hộ, tiếp sức thì chắc chắn sẽ có nhiều đối tượng, thủ phạm bị vạch mặt. Một số ý kiến lo ngại rằng, có nhiều thủ phạm là người có quyền lực, địa vị xã hội thì đôi khi khó khăn cho nạn nhân trong việc đi tìm công lý. Tuy nhiên, chúng ta nên tin tưởng vào pháp luật, tin tưởng vào những người có lương tri sẽ không bao giờ bảo vệ những đối tượng như thế. Và những ai có ý định bao che cái xấu cũng sẽ tự xem xét lại”, nguyên Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và phát triển chia sẻ.
Trong vấn đề phòng chống xâm hại, bạo lực tình dục, các chuyên gia cho rằng cần phải cảnh giác với tất cả các nhóm người, không phụ thuộc vào địa vị, tri thức, trình độ, kinh tế của họ vì bên ngoài chúng ta không thể biết được nhân cách, xu hướng tính dục của con người đó. Chúng ta cần tập trung vào mối quan hệ giữa hai đối tượng, trong đó 1 người bị áp đặt quyền lực và 1 người có quyền hành để thao túng; những người chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ nạn nhân, khi phát sinh mối quan hệ quyền lực thì càng có cơ hội, có nguy cơ dễ xâm hại vì họ gần gũi, dễ dàng tiếp cận nạn nhân hơn.
QUỲNH HOA