Tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ ở Quảng Ninh
VHO-Hơn 68.000 cán bộ, công chức được tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); biên soạn, in ấn và cấp phát 16.500 cuốn sách bỏ túi về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền cho các cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới tại các địa phương, trong đó có 20 mô hình được triển khai tại 14 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, thu hút 1.600 thành viên tham gia với 68 Câu lạc bộ hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, 76 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, 28 số điện thoại đường dây nóng…
Những kết quả đã đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030” của UBND tỉnh Quảng Ninh cho thấy việc tuyên truyền về bình đẳng giới và PCBLGĐ đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới ở địa phương.
Tại Quảng Ninh, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và từng bước giảm thiểu được tình trạng bạo lực giới, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ. Để triển khai đề án, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trong toàn tỉnh. Cụ thể, cơ quan này đã ban hành 13 văn bản cụ thể để hướng dẫn triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ban hành 13 kế hoạch, 3 công văn triển khai công tác bình đẳng giới, trong đó có thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Cần phát triển bình đẳng giới và ngăn chặn bạo lực gia đình (ảnh minh hoạ)
Về công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, các sở, ban ngành địa phương đã chủ động tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho nhân dân bằng cách trực tiếp tuyên truyền thông qua các hội thảo và phát hành sách. Cụ thể, trong suốt 3 năm thực hiện đề án, Sở đã tiến hành biên soạn, in ấn và cấp phát 16.500 cuốn sách bỏ túi về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền cho các cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp về bình đẳng giới và chống bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 68.012 người là cán bộ, công chức thuộc khối Công đoàn viên chức tỉnh, công chức trong xã, nam nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người uy tín trong cộng đồng, cán bộ chủ chốt, cán bộ công đoàn và người lao động trong các doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nam giới là hơn 18.250 lượt người.
Để hướng tới Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, từ 2016-2018, chính quyền tỉnh và các địa phương đã tổ chức 36 buổi lễ phát động thu hút sự tham gia của 810 lượt người; 33 buổi nói chuyện chuyên đề cho 3.670 lượt người, 2 Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới thu hút sự tham gia và quan khán của 902 lượt người; tổ chức 108 cuộc hội thảo, tập huấn và truyền thông trực tiếp cho 6.991 lượt người; phát sóng 180 buổi trên Đài PTTH tỉnh và 11.160 lượt trên địa bàn các xã các phóng sự truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực.
Trao giải cho các đội thi xuất sắc tại Hội thi kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” do Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ninh tổ chức
Bộ LĐ,TB&XH tỉnh cũng đã phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số (CCIHP), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Trẻ vị thành niên (CSAGA) tổ chức 1 buổi hộp thảo, 6 buổi tuyên truyền về phòng chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cho 1.156 lượt người là lãnh đạo, cán bộ làm công tác trong bình đẳng giới tại các cấp cơ sở, ban ngành, địa phương, cán bộ chủ chốt, người lao động tại các công ty lớn, người dân và học sinh tại Cẩm Phả, Hải Hà và tổ chức hội thi về kiến thức bình đẳng giới với sự tham gia của 100 người đến từ 10 đội thi thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Bằng nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh và nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 do Trung ương hỗ trợ, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới tại các địa phương, trong đó có 20 mô hình được triển khai tại 14 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, thu hút 1.600 thành viên tham gia với 68 Câu lạc bộ Hôn nhân gia đình và Bình đẳng giới, 76 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, 28 số điện thoại đường dây nóng…
Trong 3 năm, mô hình Cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở giới đã tư vấn trực tiếp qua tổng đài cho 183 trường hợp, tư vấn, can thiệp và hỗ trợ cho 43 đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất và tinh thần tại các gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động và tài trợ cho 2 nạn nhân bạo lực gia đình đi học nghề miễn phí tại Hà Nội và Quảng Nam. Cũng trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã xử lý 100% vụ việc bạo lực giới được phát hiện, tư vấn, can thiệp và trợ giúp 727 nạn nhân bị bạo lực giới, trong đó có 517 nạn nhân bạo lực gia đình, 112 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới (trong đó có 5 nạn nhân người Quảng Ninh), 58 trẻ em bị xâm phạm tình dục, 30 trẻ em bị bạo lực.
Hằng năm, tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra công tác bình đẳng giới và Tháng hành động bình đẳng giới tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, giám sát hoạt động của mô hình Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 14 huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt những khó khăn, hạn chế trong công tác bình đẳng giới và có những biện pháp khắc phục.
Hướng tới mục tiêu từ 2010-2030, tuy còn nhiều khó khăn nhưng Chính quyền tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, ban ngành liên quan vẫn cố gắng thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề về bình đẳng giới và bạo lực gia đình, đẩy mạnh thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh” cho phù hợp với thực tế và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, xây dựng tư tưởng vững mạnh về Giới và bình đẳng giới cho nhân dân.
Đề án “Phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra, từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án “Phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án được ban hành với mục đích nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới. Theo đó, hướng tới năm 2030 sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm tăng cường thực thi pháp luật và đảm bảo hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực. |
GIA BẢO
Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện