Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình

S.THÙY

VHO - Chiều ngày 9.9, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo về “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình - ảnh 1
Hội thảo về "Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại Thừa Thiên Huế"

Theo thống kê được của các đơn vị chức năng, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có thay đổi và giảm qua các năm, từ 76 vụ năm 2021, giảm còn 49 vụ năm 2022 và năm 2023 vừa qua là 34 vụ.

Hình thức bạo lực gia đình tập trung chủ yếu là bạo lực tinh thần và thân thể. Người gây bạo lực gia đình phần lớn là nam giới, năm 2021 là 87%, năm 2022 là 97% và đến năm 2023 là 76%.

Nạn nhân bạo lực gia định được hỗ trợ chủ yếu là nữ giới, với các biện pháp hỗ trợ như: tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật; được chăm sóc hỗ trợ sau khi bạo lực gia đình...

Các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các mô hình, câu lạc bộ, như: mô hình phòng chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ VHTTDL; mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; đường dây nóng...

Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn có các trung tâm hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình tương đối hiệu quả, như: Trung tâm công tác xã hội và quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh; Ngôi nhà Bình Minh; các cơ sở y tế...

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình - ảnh 2
Đại diện các Sở, ngành, địa phương chia sẻ về thực trạng và khó khăn trong phòng chống bạo lực gia đình, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân

Bà Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng chống phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền Bộ luật dân sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật,... với các hình thức tuyền truyền đa dạng.

Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể; các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi bạo lực gia đình đã và đang triển khai ở cộng đồng ngày càng hiệu quả. Số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm, nhận thức của người dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực...

Tuy nhiên, theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được báo cáo hoặc nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Khi đó vụ việc đã nghiêm trọng, hành vi bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.

Điều này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu chính xác, đồng thời ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó kịp thời. Số nạn nhân và vụ việc bạo lực gia đình trên thực tế còn nhiều hơn số liệu được thống kê.

Hội thảo đã lắng nghe những trao đổi, chia sẻ của các ngành, địa phương, về thực trạng và những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng chống bạo lực giao đình, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân cũng như những giải pháp trong thời gian tới.