Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng cao A Lưới

VHO - Huyện A Lưới là một trong những “điểm nóng” về bạo lực gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, các chương trình phối kết hợp để lan tỏa sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các đơn vị, gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng đời sống no ấm, gia đình hạnh phúc, văn minh.

Tuyên truyền từ những “người trong cuộc”

Mới đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe tiếng cười nói, trò chuyện vui vẻ của vợ chồng ông Hồ Xuân Liên, 54 tuổi, trú tại thôn Diên Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới. Mâm cơm được ông Liên dọn lên tươm tất để… phục vụ vợ và con cái. Thấy chồng loay hoay việc nhà, bà Ploong Thị Hóa cũng tủm tỉm cười hạnh phúc.

Hơn 8 năm trước, ông Hồ Xuân Liên “nổi tiếng” ở địa phương vì chuyện đánh vợ như cơm bữa. Nhẹ thì bà Hóa bầm tím chân tay, nặng thì gãy xương, phải nhập viện điều trị. Ngày nào người dân cũng nghe tiếng ồn ào, đập phá, đánh chửi vợ từ nhà ông Liên. Thời gian dài, bà Hóa đã phải sống trong nước mắt, đau đớn, tủi cực nhưng cứ nghĩ vì con cái mà gắng gượng. Sự hi sinh và chịu khó của bà cũng đã được đền đáp, khi chồng nhận ra rõ vấn đề rồi dần thay đổi cách đây hơn 2 năm. Cuộc sống gia đình trở nên êm ấm, vợ chồng hạnh phúc, con cái học hành tiến bộ hơn… Ông Hồ Xuân Liên cũng trở thành người đi tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình  hạnh phúc trong cộng động thôn, xã.

Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng cao A Lưới - Anh 1

Vợ chồng ông Hồ Xuân Liên và bà Ploong Thị Hóa chia sẻ về cuộc sống sau khi không còn bạo lực gia đình

Ông Hồ Xuân Liên kể rằng: Một thời gian dài tôi đã có những hiểu lầm rồi mâu thuẫn với vợ, từng có những hành động tàn nhẫn với vợ. Sau thời gian được các chị em trong Hội Phụ nữ huyện A Lưới, Hội Phụ nữ xã A Ngo tìm hiểu nắm bắt tâm tư, rồi dần tháo gỡ được những khúc mắc trong lòng. Các chị em đã tuyên truyền, phổ biến nhiều thông tin về phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng mái ấm hạnh phúc cũng như giúp vợ chồng xóa bỏ những hiểu lầm, xích mích, hàn gắn lại tình cảm. Tôi đã hiểu ra được, bước chân ra khỏi “bóng tối” ấy, nên tranh thủ những thời gian rảnh rỗi, tôi cũng muốn mình đi tuyên truyền lại những điều tốt đẹp đó đến các gia đình, đặc biệt những trường hợp bạo lực và nguy cơ bạo lực gia đình.

“Những người từng trải qua, tôi không muốn người khác cũng theo bước chân mình, khổ cho vợ, cho con. Tôi tuyên truyền nhiều gia đình, trong các thôn, xã rồi ra thị trấn A Lưới. Mong muốn các ông chồng sẽ hiểu vấn đề và phòng tránh, cùng nhau vun vén để vợ chồng hạnh phúc, cùng giáo dục tốt con cái”- ông Hồ Xuân Liên nói.

Bà Ploong Thị Hóa kể rằng, những năm trước, cứ mỗi lần đi làm về mệt mỏi rồi còn phải “ăn đánh”, nước mắt chan cơm, con cái thì lo sợ, xa lánh bố. Từ ngày chồng thay đổi, cảm giác như được trở lại thời mới lấy nhau. Cả hai vợ chồng quan điểm là phải nuôi cả 4 người con học hành đàng hoàng, đứa con đầu đã học Đại học thì những đứa sau phải gắng học hết.

Chị Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Ngo, cho biết: trước đây  trên địa bàn xã có nhiều hoàn cảnh bị bạo lực gia đình. Sau khi có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác tuyên truyền của tỉnh, huyện được tăng cường về địa phương qua những hình thức khác nhau. Hội Phụ nữ xã A Ngo cũng phối kết hợp với các đơn vị đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về cơ sở, về các gia đình trong thôn bản. Đến nay, tình trạng bạo lực gia đình tuy chưa chấm dứt nhưng đã giảm hẳn so với trước đó.

“Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, tiếp cận, chia sẻ và kịp thời nắm bắt tâm tư của các trường hợp như anh Hồ Xuân Liên để có định hướng tuyên truyền phù hợp. Những “người trong cuộc” như anh Liên đổi thay, cũng góp phần tuyên truyền đến các hoàn cảnh, trường hợp bạo lực gia đình khác trên địa bàn”- chị Sương thông tin.

Nhiều giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới cho biết: bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa như ở các xã Đông Sơn, Trung Sơn, Hồng Vân…; thậm chí có cán bộ Hội Phụ nữ xã cũng bị bạo lực. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên tình hình đã giảm hơn nhiều. Những người từng gây ra bạo lực đã thay đổi và trở thành các tuyên truyền viên, đóng góp cho phong trào xây dựng đời sống văn minh, văn hóa ở địa phương.

Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng cao A Lưới - Anh 2

Tổ cộng đồng thôn A Đên, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới trong một cuộc thi tìm hiểu về Luật phòng, chống bạo lực gia đình

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới, qua khảo sát tại địa phương, bạo lực gia đình xảy ra chủ yếu ở các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chính vì thế ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì giải quyết được nguồn gốc sâu xa về kinh tế là rất quan trọng. Triển khai dự án 8 Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Phụ nữ huyện cũng phối hợp với ngành Nông nghiệp hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn, như chuyển giao công nghệ về cây trồng, vật nuôi…

“Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực cho cán bộ tổ cộng động. Huyện A Lưới hiện có 13 tổ cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 thì 57 thôn, bản của tất cả các xã, thị trấn đền có tổ truyền thông cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình, về bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em…”- bà Lê Thị Quỳnh Tường thông tin.

Huyện A Lưới là địa phương vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Một bộ phận dân cư còn chưa tiếp cận và nắm rõ thông tin về các chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực gia đình và các vấn đề liên quan, chính vì thế bạo lực vẫn đang còn diễn ra “âm ĩ” ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa. Hiện nay UBND huyện A Lưới đang đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn huyện đến năm 2025. Qua đó, nhằm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Mục tiêu, đến năm 2025, có 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND xã tổ chức; trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình. Những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe phấn đấu đạt 95%; những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực phấn đấu đạt trên 80%. Và có 90% người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện A Lưới đề nghị chính quyền các cấp, các ngành triển khai và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên về phòng, chống bạo lực gia đình. Đa dạng hóa phương thức, các loại hình thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, như: tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Theo thống kê, trong 10 năm qua (2012- 2022), số vụ bạo lực gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm rõ rệt. Năm 2012, toàn tỉnh phát hiện có 406 vụ; năm 2017 xảy ra 276 vụ; và đến năm 2022 còn 49 vụ. Đa số các nạn nhân đều được tư vấn về tinh thần, tâm lý và chăm sóc y tế (đạt hơn 80%).

 

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc