Nên có sự thay đổi trong quy trình hòa giải

VHO- Cuối cùng sau 1 năm đi về bởi các thủ tục trong quy trình ly hôn đơn phương, chị Hoa (tên nhân vật đã thay đổi) cũng đã tới toà án để được xét xử ly hôn. Con đường giải phóng cho mình khỏi một cuộc hôn nhân bất hạnh đối với chị quả là gian nan.

Nên có sự thay đổi trong quy trình hòa giải - Anh 1
 

 Cần có giải pháp cho từng vụ việc cụ thể

Không muốn nhưng vẫn phải hoà giải

Chị Hoa kể lại cuộc hôn nhân của mình trong nước mắt. 20 năm kết hôn, vợ chồng chị có với nhau 1 con gái 15 tuổi. Khi kết hôn hai vợ chồng chị không có nhà nên phải sống nhờ gia đình vợ nhiều năm. Hiện đang là công nhân của một công ty nhà nước, công việc vất vả, đồng lương thấp, tuy nhiên với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của nhà ngoại, chị Hoa đã nuôi con gái ăn học nên người mà không có sự trợ giúp từ chồng. Có những thời gian dài anh ta bỏ nhà đi và không hề nghĩ tới trách nhiệm đối với vợ con. Chỉ đến khi vợ chồng chị Hoa được người anh trai cho mượn căn hộ tập thể thì họ mới có cuộc sống chung riêng tư thật sự. Thế nhưng chồng chị ngày càng bộc lộ một lối sống ích kỉ và vô trách nhiệm, ra ngoài thì cặp bồ, về nhà anh lại “đá thúng đụng nia” đánh đập, chửi mắng vợ con. Không còn tình cảm vợ chồng, hơn nữa sợ những hành vi xấu của chồng sẽ tác động tiêu cực tới con gái đang ở tuổi mới lớn, chị Hoa đã quyết định làm thủ tục ly hôn đơn phương. Thế nhưng chỉ để xin xác nhận vào đơn ly hôn mà chị Hoa đã phải gặp từ tổ trưởng dân phố cho tới công an phường tới 4 lần. “Tôi biết làm sao khi vẫn sống chung trong một nhà, chồng tôi lại là người khá thủ đoạn, cứ rình lúc mẹ con tôi ngủ, lấy chìa khoá rồi mở tủ lấy toàn bộ hồ sơ. Ra toà, tôi lại khổ sở với việc không có giấy tờ xác minh nhân thân của chồng vì anh ta không cung cấp…”, chị Hoa cho biết. Điều mà chị Hoa bức xúc là khi nộp đơn, toà án lại nói về dự các cuộc hoà giải ở tổ dân phố mới được tiếp nhận đơn. 3 lần hoà giải ở tổ dân phố đã kéo dài thêm thời gian ly hôn của chị khi chồng chị cố tình lần lữa, chây ì. Lại thêm thời điểm dịch bệnh nên thời gian kéo dài thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng chị đến tận 1 năm.

Chị Thanh, một nạn nhân khác cũng bị bạo lực gia đình chia sẻ: “Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ở điều 207 có quy định không tiến hành hoà giải nếu một trong các đương sự đề nghị không hoà giải, ấy vậy mà khi nộp hồ sơ ly hôn, cán bộ tiếp nhận hồ sơ không nói rõ cứ bảo tôi phải về địa phương để dự các cuộc hoà giải. Chồng tôi là một kẻ vũ phu và rất ghê gớm, anh ta cứ thơn thớt nói yêu tôi và không muốn ly dị vợ. Khi tôi đã quyết làm đơn đề nghị đơn phương tôi đã phải ôm con trốn khỏi nhà. Nghĩ tới những năm tháng bị chồng đánh đập, bị chửi bới thoá mạ… tôi đã không đủ can đảm để gặp anh ta, nói gì tới hoà giải. Tôi mong rằng các cơ quan pháp luật cũng như thực thi pháp luật ngay từ ở phường xã cho tới toà án cũng không nên khuyến khích những người phụ nữ như tôi cứ phải qua công tác hoà giải. Để đi tới quyết định ra toà ly hôn đơn phương, những người như tôi đã phải cố gắng vượt qua mọi nỗi sợ rồi. Xin hãy giải quyết nhanh gọn, dứt điểm để chúng tôi không còn khổ nữa”.

Làm tăng thêm bức xúc?

Với một người công nhân, trình độ hiểu biết có hạn, nên khi đến toà án chị Hoa không khỏi thiếu tự tin. Trước ngày xét xử chính thức, chị Hoa vẫn tiếp tục nhận được điện thoại của thư kí tòa án với mục đích hoà giải, nào là nghe tổ dân phố nói vợ chồng chị vẫn chung sống hạnh phúc, rồi đề nghị chị Hoa suy nghĩ lại xem có cho anh ấy cơ hội không… Những ai có mặt ở phòng xét xử cuộc ly hôn của chị Hoa cũng cảm thấy thương cho chị. Trước mỗi câu hỏi đóng mang tính kết luận khiến chị Hoa như co rúm lại và chỉ có thể trả lời có và không. Người anh trai tới dự xét xử chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng với những vụ việc xét xử ly hôn cụ thể thì toà án cần có sự thay đổi, chứ không nhất thiết phải rập khuôn. Với những người lao động và thiếu kiến thức như em gái tôi rất cần sự trợ giúp pháp lý như hướng dẫn cách kê khai tài sản theo hướng nào, xử lý tài sản thừa kế ra sao… Việc kéo dài quy trình hoà giải cũng khiến sự việc vừa kéo dài mà càng làm tăng thêm sự bức xúc, căng thẳng”.

Tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Bộ VHTTDL vừa tổ chức, đại diện của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ,TB&XH, Tòa án nhân dân tối cao, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), một số chuyên gia về lĩnh vực gia đình… đã cho rằng cần phải có sự sửa đổi trong quy trình hoà giải. Khẳng định rõ hòa giải không phải là biện pháp xử lý và không thể giải quyết được bản chất cốt lõi vấn đề nhất là khi vợ chồng hoặc một trong hai người đã nhất quyết ly hôn. Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA, bà Hà Quỳnh Anh đề nghị không nên sử dụng biện pháp hoà giải để giải quyết BLGĐ. Bà cho biết, hiện nay đa phần với các vụ việc BLGĐ các cơ quan có trách nhiệm đều thiên về xử lý mang tính hoà giải. Nhưng thực tế có những trường hợp đã tiến hành hoà giải 20 năm nhưng người phụ nữ vẫn cứ chịu BLGĐ từ năm này sang năm khác.

Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thủ tục ly hôn ngay từ tổ dân phố, đoàn thể địa phương hay toà án cần phải nghiên cứu kĩ từng hồ sơ, từng trường hợp cụ thể. Với những cuộc hôn nhân bất hạnh thì việc giải phóng cho người phụ nữ lại là lối thoát thay vì cứ ép họ hoà giải, tiếp tục chung sống. 

 NGUYỄN SƠN

Ý kiến bạn đọc