Mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình trong tương lai
VHO- Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.
“Dư thừa” từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050
Đây là vấn đề đặt ra tại toạ đàm Mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý nhà nước diễn ra ngày 20.6 tại Hà Nội. Tại toạ đàm, các chuyên gia chỉ ra rằng, sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Phạm Vũ Hoàng phát biểu tại Toạ đàm
Thông tin về tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam so với thế giới, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam xuất hiện chậm hơn 2 đến 3 thập kỷ so với một số nước trong khu vực nhưng tốc độ gia tăng hàng năm lại nhanh và phạm vi ngày càng rộng. Cho đến nay, tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Tình trạng này diễn ra tại toàn bộ 6 vùng kinh tế-xã hội trong cả nước. Các nhà khoa học đã dự báo, nếu tình trạng này không được giải quyết thì nước ta sẽ “dư thừa” từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050. Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta và dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi, quốc gia dân tộc.
“Trong những năm qua, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cũng như ngành dân số trong cả nước đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, thực hiện nhiều chương trình, đề án can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta vẫn cao. Việc làm thế nào để khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng và đưa về mức tự nhiên vẫn là câu hỏi lớn và thường trực của ngành dân số nước ta. Đòi hỏi những chương trình can thiệp và chính sách, quản lý nhà nước mạnh mẽ hơn nữa”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh.
Chuyển biến nhận thức nhưng chưa thay đổi hành vi
Việc lựa chọn giới tính trước sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay. Rõ ràng là tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Quang cảnh buổi Toạ đàm
Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình. Thực trạng đáng quan ngại trên đòi hỏi cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Mặc dù Việt Nam đã sớm nhận thấy vấn đề và đã có những chính sách, chương trình cảnh báo, can thiệp, điển hình là Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 đã nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và đã cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó đã lồng ghép giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh vào các lĩnh vực khác như bình đẳng giới, pháp luật dân sự (các quy định về thừa kế - con gái cũng có quyền thừa kế cùng hàng con trai), luật đất đai (vợ - chồng cùng đứng tên nhà, đất), quy định cấm thông báo giới tính thai nhi khi khám thai; cũng như tuyên truyền về bình đẳng giới…
Điều đó đã giúp nâng cao nhận thức của xã hội, nhưng chưa thực sự thay đổi hành vi. Những quy định của pháp luật đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh và thực tế rất ít trường hợp được phát hiện và bị xử lý. Trong khi những hệ lụy ngày càng sâu sắc và tác động lâu dài đến cơ cấu, chất lượng dân số, đến xã hội, đến quốc gia, giống nòi. Vì vậy, các cơ quan liên quan bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ngành dân số, còn có những chính sách mạnh mẽ để sớm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để từng bước đưa về mức cân bằng tự nhiên, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
QUỲNH HOA; ảnh: NGỌC MAI