Kiên Giang đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới
VHO- Tỉnh Kiên Giang đã và đang xác định hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21.2.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng lên nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tỉnh
Tỉnh đã thực hiện các cơ chế, chính sách, dự án và chương trình, tạo động lực thúc đẩy tinh thần phấn đấu vươn lên trong nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, từ 14,02% năm 2005 xuống còn 8,84% năm 2010, đến năm 2020 chỉ còn 2,69%. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được chú trọng. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ít con, no ấm, tiến bộ và hạnh phúc được đẩy mạnh; ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng hàng năm cả về số lượng và chất lượng; năm 2005 toàn tỉnh có 82,98% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, năm 2019 tăng lên 90,73%.
Ban chỉ đạo công tác gia đình được thành lập, kiện toàn từ cấp tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 1.297 câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 182 câu lạc bộ phát triển gia đình bền vững; 235 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 457 đường dây nóng... Thông qua hoạt động của các mô hình này đã tích cực góp phần làm hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác gia đình, truyền thống giáo dục đời sống gia đình từng lúc chưa đi vào chiều sâu. Các mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm lĩnh vực gia đình tại cộng đồng tuy có phát triển về số lượng, nhưng chất lượng còn hạn chế…
Để thực hiện các mục tiêu, Kiên Giang đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình; chỉ đạo rà soát, tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình và các lĩnh vực có liên quan đến gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; xây dựng chương trình, kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế của từng địa phương, đơn vị; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.
THẾ HẠNH