Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em (Bài 1): Áp lực đến từ đâu?
VHO- Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, một nửa số trẻ em gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần bắt đầu từ tuổi 14, nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng là trẻ có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi dẫn đến tự hủy hoại bản thân, thậm chí vi phạm pháp luật… Từ số báo này, Văn Hóa bắt đầu loạt bài đề cập thực trạng cũng như nguyên nhân, khoảng trống trách nhiệm của các bên liên quan và giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em ở nước ta hiện nay.
Nhiều trẻ em phải nhập viện điều trị rối loạn lo âu tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai)
Tất cả các mối quan hệ xung quanh cuộc sống của trẻ như gia đình, bạn bè, thầy cô, mạng xã hội… đều có thể khiến trẻ hoang mang, sợ hãi và tạo nên áp lực cho chúng. Trong đó, khá nhiều trẻ phải tự mình đối phó với điều đó thay vì chia sẻ để tìm sự giúp đỡ.
Cứ năm trẻ thì một em có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Mới đây, các bác sĩ Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận, điều trị cho một nữ sinh 12 tuổi bị trầm cảm vì áp lực học hành, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ. Theo người nhà, bệnh nhân có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, học lực giỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào Đội tuyển học sinh giỏi của trường, nữ sinh lo âu quá mức dẫn đến mất ngủ, không tập trung học tập được nên học lực giảm sút. Điều này càng khiến em lo lắng vì bị bạn bè chê cười, xem thường và bị thầy cô giáo khiển trách. Kéo dài thêm một thời gian thì em bắt đầu sợ đi học và không dám đến trường. Em rơi vào trạng thái chán nản, không còn thiết tha bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Thấy biểu hiện bất thường của con, gia đình vội đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám.
Trên thực tế, tình trạng như nữ sinh trên không phải hiếm gặp, nhiều trẻ bị áp lực học hành cũng như các áp lực khác đã rơi vào trạng thái rối loạn lo âu phải vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Mới đây, kết quả Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố đã nêu bật một thực tế đáng lo ngại: Rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần; ngoài ra, các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, sự hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình. Nghiên cứu còn cho thấy, 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Theo Ths Ngô Thị Thanh Hoa, Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương), các dấu hiệu của rối loạn lo âu của trẻ bao gồm: Tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ; ít tham gia hoạt động chung với mọi người; không vui, dễ cáu hay ẩu đả với các thành viên trong gia đình và bạn bè; hay phàn nàn về bản thân (nói những điều tự ti như “Con không thể làm đúng bất cứ điều gì”, “Con không có bất cứ người bạn nào”, “Việc này quá khó với con”…). Trẻ có cảm giác mình vô dụng, vô vọng hoặc tội lỗi; thiếu năng lượng và nỗ lực; không cố gắng, khó tập trung trong học tập; mất hứng thú, không còn nhiều niềm vui hay thích chơi đùa với bạn bè, không muốn làm những việc mà mình từng yêu thích... Hậu quả là trẻ có thể rối loạn tâm trí hoặc rối loạn hành vi như lạm dụng rượu, bia, thuốc lá và ma túy để quên đi, hoặc thậm chí có thể tự làm đau bản thân và có ý định tự tử.
Những con số báo động
Áp lực đồng trang lứa ở trẻ em và cha mẹ
Các chuyên gia UNICEF cũng chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (tự tử), bệnh tật và tàn tật. Vì vậy, cần nhận biết những áp lực, dần dần dẫn đến căng thẳng, stress của trẻ…
Theo TS tâm lý Lê Thị Thanh Thủy, áp lực đồng trang lứa là khái niệm mới xuất hiện ở Việt Nam, và bất cứ lứa tuổi nào, thành phần nào cũng đều bị áp lực này, gây ra stress, vấn đề là chúng ta nhận diện, đối mặt và vượt qua nó như thế nào?
Áp lực đồng trang lứa là tổng hợp của nhiều nguyên nhân: Từ định kiến xã hội (học sinh học giỏi, chăm chỉ mới là học sinh ngoan); mong chờ của thầy cô, gia đình, bạn bè; từ mạng xã hội; từ cách giáo dục gia đình… Ngay từ nhỏ, trẻ có thể đặt câu hỏi “tại sao bạn có mà mình không có?”, “tại sao bố mẹ bạn ấy đi cùng lớp học mà bố mẹ mình lại bận không đến?”. Khi trẻ lớn hơn, nếu không đạt kế hoạch đề ra, trẻ tự áp lực với chính mình, áp lực với sự trông đợi của bạn bè, áp lực với sự quan tâm của giáo viên, áp lực với kỳ vọng của cha mẹ. Ở góc độ vật chất, trẻ áp lực khi thấy bạn bè có điện thoại đời mới, được bố mẹ đưa đón bằng ô tô… Trong khi đó, cả trẻ và bố mẹ đều bị áp lực bởi trào lưu flex (khoe) trên mạng xã hội. Bố mẹ bị áp lực khi bạn bè khoe bằng khen, bảng điểm của con họ, trong khi con mình không đạt được và về nhà đổ lên con mình: “Tại sao bạn bè làm được mà con không làm được”; “đáp ứng đủ mọi điều kiện, mỗi việc học cũng không làm nổi”…
Kết quả Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24”. Một học sinh kể: “Cha mẹ không ép buộc em, nhưng họ đặt kỳ vọng cao vào em, vì vậy, khi bị điểm thấp em cảm thấy buồn vì mình đã làm họ thất vọng. Những điều đó khiến em luôn căng thẳng”. Một em khác nói: “Em cũng thường bị căng thẳng vì điểm số do bố mẹ muốn em được điểm cao và đạt được danh hiệu Học sinh xuất sắc”. Có em cho biết: “Em không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, vì hiện tại em yếu môn Toán nên sau khi học ở trường xong bố em luôn bắt em luyện Toán”. Một nhóm học sinh ở Điện Biên chia sẻ, các em luôn cảm thấy áp lực từ phía gia đình về kế hoạch tương lai của mình: “Em mơ ước làm được một điều gì đó và rồi cố gắng, nhưng em nhận thấy cha mẹ không quan tâm đến ước mơ của mình. Cha mẹ dẫn dắt bọn em làm những gì họ muốn để sau này được nhận vào làm việc ở những nơi mà họ quen biết, nhưng chúng em lại không thích điều này”...
Một số giáo viên, cán bộ các Sở GD&ĐT cũng bày tỏ lo lắng rằng các bậc cha mẹ thường ưu tiên công việc hoặc kinh doanh hơn là dành thời gian cho con: “Cha mẹ không có thời gian nên sẽ đưa cho chúng điện thoại, đó là nguyên nhân sâu xa khiến sức khỏe tâm thần của các cháu bị ảnh hưởng. Cần có sự đào tạo cho phụ huynh về nhu cầu sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của con cái”.
Thực tế cho thấy, trong xã hội phát triển, nhu cầu vật chất, ăn ngon mặc đẹp, hoặc chăm sóc thể chất của trẻ nhỏ trở nên dễ dàng hơn và được đáp ứng ngay. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe tinh thần lại chưa được nhìn nhận đúng mức. Theo quan điểm của UNICEF, mọi trẻ em đều có quyền được lớn lên trong môi trường yêu thương, an toàn, với các mối quan hệ hỗ trợ và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội chất lượng. Có quá nhiều trẻ phải tự mình đối phó với những thách thức về sức khỏe tâm thần. Do vậy, cần đầu tư nhiều hơn và tốt hơn vào các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho tất cả trẻ em, thanh thiếu niên. Cần hành động quyết liệt để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên; chấm dứt tình trạng bỏ bê, lạm dụng và tổn thương tâm lý thời thơ ấu, hướng đến sức khỏe tinh thần tích cực để trẻ em có một tương lai tốt đẹp hơn.
HOÀNG HƯƠNG - QUỲNH HOA
(Còn nữa)