Hướng nghiệp cho con thế nào mới đúng?
VHO - Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại phát biểu của một ông bố trong cuộc họp giữa phụ huynh và nhà trường. Người này bày tỏ bức xúc vì cho rằng nhà trường cố tình “ép” con ông học nghề, phân luồng không thi vào lớp 10 vì “bệnh thành tích”…
Theo vị phụ huynh, việc tư vấn cho học sinh vào trường nghề khiến các em chán nản, không muốn ôn thi vào lớp 10. “Chúng tôi động viên con mỗi ngày với mong muốn con thi được vào trường cấp III theo đúng nguyện vọng. Thế nhưng nhà trường cứ “nhồi nhét” tư tưởng đi học nghề không phải thi khiến các cháu nản chí”, ông bố gay gắt.
Vui buồn câu chuyện “phân luồng”…
Vị phụ huynh cho biết, con của anh rất cố gắng học nhưng mỗi hôm lại có một cô giáo mời lên nói chuyện. “Có thể lúc này cháu học chưa giỏi, nhưng quá trình ôn thi, cháu nỗ lực làm bài tốt và trúng tuyển là chuyện bình thường. Tôi luôn phải trấn an con cố lên, bố sẽ cố gắng kiếm tiền cho con ăn học. Tôi biết nhà trường cũng bị áp lực, nhưng tôi mong con mình cũng được thi như các bạn, nên nhà trường hãy để cho các cháu thi đã. Nếu trượt thì vào học nghề chứ sao phải vội vã không cho các cháu thi ngay từ đầu…?”, vị phụ huynh nói.
Không chỉ ông bố này mà thực tế nhiều bậc cha mẹ khác cũng chia sẻ câu chuyện phân luồng học sinh thi vào lớp 10. Một bà mẹ kể, lớp con chị có hơn 40 học sinh thì có đến 3/4 được thầy cô khuyên không nên dự thi vào trường công lập.
Cô giáo còn cho mời lần lượt từng phụ huynh có con trong danh sách “không nên thi” lên gặp cô, rồi cô chìa học bạ ra khuyên rằng “học kém, có thi cũng không đỗ, mà không đỗ thì ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường! Nếu gia đình đồng ý không cho con thi chuyển cấp vào trường công lập, trường sẽ làm cho bộ “hồ sơ đẹp” để các em thi/xét vào trường tư thục hoặc trường nghề. Như thế chắc chắn con sẽ đỗ vào một trường nào đó mà không bị mang tiếng là thi trượt...”. Sau đó, cô đưa ra một đơn mẫu soạn sẵn, các phụ huynh chỉ việc điền thông tin và ký với nội dung: Đồng ý không cho con dự thi vào trường THPT công lập.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh lại lựa chọn cho con mình con đường khác. Chị H.T.K (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ ngày quyết định cho con học cao đẳng, không khí cả nhà trở nên vui vẻ, thoải mái, khác hẳn thời gian trước.
Con trai chị K là cháu N.V.Đ, năm nay học lớp 9, ngay từ đầu học kỳ I cháu đã có tình trạng uể oải, chán học. Mỗi buổi sáng là một “trận chiến” của gia đình, mẹ gọi, bố quát… nhưng cậu bé nằm ì ra đó, nhất định không chịu dậy. Cả nhà lúc nào cũng căng thẳng, bất hòa; ngày nào Đ cũng đến trường muộn, học hành theo kiểu đối phó.
Tháng ngày qua đi, tình trạng của cậu không hề khá hơn, mỗi lần buồn bực, giận bố mẹ, cậu lại ngồi vẽ. Thấy sở thích của con như vậy, vợ chồng chị K đã tìm hiểu các trường, lớp liên quan.
Cuối cùng, sau cuộc họp gia đình, Đ không cần quá cố gắng để thi vào lớp 10, nhưng phải chấp hành đúng kỷ luật để sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ vào Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội học chuyên ngành Hội họa.
Từ đấy, Đ vui vẻ trở lại, đi học đúng giờ. “Cách đây mấy hôm, con tôi nhận kết quả trúng tuyển nên cả nhà đều vui. Con hạnh phúc là trên hết, mình không thể ép con theo mong muốn của mình được”, chị K chia sẻ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và học sinh
Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2018, nhưng đến nay việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nguyện vọng của cha mẹ, học sinh và nhà trường không “khớp” nhau, không có sự phối hợp, tuyên truyền, định hướng giữa các bên.
Một số chuyên gia cho rằng, mong muốn chung của hầu hết phụ huynh là con sẽ học tiếp lên cấp THPT chứ không phải theo học trường nghề. Trong khi đó, nhà trường lại bị áp lực về chỉ tiêu, thành tích. “Vài năm gần đây, sợ học sinh trượt THPT công lập nhiều, một số giáo viên đã ra sức vận động phụ huynh và học sinh không thi chuyển cấp mà chọn hệ đào tạo khác như dân lập, học nghề; nếu thi THPT thì chọn vào trường lấy điểm thấp để tăng tỷ lệ đỗ. Chính sự ép buộc này gây bức xúc cho phụ huynh và thêm áp lực cho học sinh. Thi là quyền lợi chính đáng của các em, nếu nhà trường vì sợ mất thành tích dẫn đến tư vấn kiểu ép buộc, vô hình trung đã tước đi quyền học và thi của học sinh”, một giáo viên chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Ngọc Cường, Giám đốc Học viện Hướng nghiệp Wake power, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp thanh thiếu niên cho biết, năm nay là năm thứ hai môn Hoạt động hướng nghiệp trải nghiệm được đưa vào giảng dạy ở các trường THCS. Nhưng khó khăn là hầu hết giáo viên dạy môn này chưa được đào tạo, chỉ là biết gì dạy nấy.
“Hiện nhiều trường chủ yếu tập trung vào tuyển sinh nhiều hơn là hướng nghiệp. Bên cạnh đó, thông thường bố mẹ hay quyết định các vấn đề của con, nhưng không phải ai cũng có kiến thức và kỹ năng để tư vấn. Trong khi đó, tại các buổi tư vấn nghề nghiệp, đa phần chỉ có học sinh được nghe còn phụ huynh thì không. Sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh không tốt dẫn đến việc hướng nghiệp chưa đảm bảo chất lượng”, ông Đào Ngọc Cường nhận định.
Thực tế cho thấy, rất nhiều sinh viên thừa nhận mình chọn sai ngành nghề, thậm chí có những em dù đã trúng tuyển vào đại học, nhưng cuối cùng lại chọn con đường khác. Theo Giám đốc Học viện Hướng nghiệp Wake power, việc lựa chọn sai ngành nghề có ba nhóm nguyên nhân: Thứ nhất là phụ huynh chưa quan tâm thực sự đến việc hướng nghiệp cho con, luôn luôn nghĩ cứ học hết lớp 12 chuẩn bị thi đại học thì mới cần đăng ký và chọn nghề.
Nguyên nhân thứ hai là phụ huynh không biết chính xác con mình phù hợp với ngành nghề nào, mà chọn theo số đông, theo trào lưu và nghĩ rằng nghề đó ra trường dễ xin làm, lương cao mà không quan tâm con có thích hay không.
Nguyên nhân thứ ba là xu hướng xã hội. Tại sao có những nhóm ngành nghề mà số người làm trái lên tới 67,3%? Vậy bố mẹ cũng như học sinh dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp với khả năng của bản thân cũng như là thị trường lao động?
“Nguyên nhân đầu tiên là dựa vào sở trường của học sinh. Học sinh giỏi gì thì làm nghề đó sẽ tốt hơn, giỏi là so với mình chứ không so với xã hội. Nguyên nhân thứ hai là đam mê, tức là niềm vui, hạnh phúc khi công việc đó sẽ mang hiệu quả cao hơn; kèm với tiêu chí này là phù hợp với hoàn cảnh gia đình và sức khỏe, học lực của các em. Nguyên nhân thứ ba là nhu cầu xã hội, xu thế phát triển của địa phương có cần không? Ví dụ ngành logistic chẳng hạn, hiện nay nhu cầu đang rất cao ở khu vực thành thị nhưng nếu mà các bạn về miền núi thì lại không thành công”, ông Cường phân tích.
Có một thực tế là nhiều người đang tập trung vào tiêu chí điểm số và ngành đó có kiếm được nhiều tiền hay không, mà quên đặt câu hỏi “liệu nó có phù hợp với con mình?”. Do vậy, để việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đạt được hiệu quả thì gia đình và nhà trường, học sinh cần phải có sự phối hợp, tư vấn chặt chẽ.