Hợp tác với Australia trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình

Q.HOA

VHO - Ngày 21.5, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có buổi làm việc với Đại sứ về Bình đẳng giới của Australia Stephanie Corpus Campbell nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam đến năm 2025 và 2026-2030 định hướng đến năm 2045.

Hợp tác với Australia trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình - ảnh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Đại sứ về Bình đẳng giới của Australia Stephanie Corpus Campbell  tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, nhiều thể chế chính sách pháp luật về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và phòng chống BLGĐ được ban hành.

Đồng thời Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cũng thông tin về công tác phòng chống BLGĐ, thúc đẩy bình đẳng giới và những thuận lợi, thách thức tại Việt Nam. Bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam trong hành trình tham vấn và xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến Luật Phòng, chống BLGĐ, lãnh đạo Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục được hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ Australia  - nơi có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Stephanie Corpus Campbell cho rằng, thúc đẩy bình đẳng giới là hành trình dài hơi và Australia rất vui được đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong nhiều năm qua, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này.

Theo Đại sứ, để công tác bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ đạt hiệu quả thì rất cần sự hỗ trợ của tất cả các bên để có những giải pháp linh hoạt. Tất cả những hệ thống tiếp nhận, lắng nghe, thấu hiểu nạn nhân bị bạo lực, chuyển tuyến, dịch vụ hỗ trợ cần phải được phối hợp chặt chẽ để ứng phó và triển khai kịp thời.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Đại sứ về Bình đẳng giới của Australia Stephanie Corpus Campbell đã thảo luận và gợi mở một số hoạt động thiết thực trong thời gian tới như làm sao để phụ nữ tiếp cận với kinh tế, tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng.

Làm sao nam giới tham gia phòng chống bạo lực gia đình, đặc biệt là ở vùng kinh tế khó khăn; truyền thông cho nam giới hiểu biết pháp luật, phải là người đầu tiên bảo vệ vợ và con mình trong gia đình; trẻ em nam được tiếp cận với các kiến thức bình đẳng giới từ sớm. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương  trong việc xử lý nghiêm các vụ việc, đối tượng gây ra bạo lực và thông tin tới các ban, ngành của địa phương...

Hợp tác với Australia trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình - ảnh 2
Quang cảnh buổi làm việc

Thông tin từ Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, hiện nay, Bộ VHTTDL đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức triển khai thi hành luật phòng, chống BLGĐ. Cụ thể, xây dựng Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định này hiện đang được chúng tôi xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10.2024.

Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống BLGĐ về nội dung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Bộ VHTTDL phối hợp).

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống BLGĐ; triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Cụ thể xây dựng sản phẩm truyền thông; tư vấn, giáo dục chuyển đổi hành vi, kỹ năng ứng phó với BLGĐ.

Xây dựng, thí điểm và nhân rộng mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần, mô hình giáo dục người có hành vi BLGĐ; mô hình trợ giúp người bị BLGĐ.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ, thiết lập mạng lưới phòng, phòng chống BLGĐ; thúc đẩy xã hội hóa, đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống BLGĐ như hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình, trong phát hiện và báo tin về BLGĐ.

 Đẩy mạnh cải cách hành chính về công tác gia đình mà trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số trong công tác gia đình; xây dựng phần mêm cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ; đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực chuyên môn thực hiện công tác tham mưu, quản lý nhà nước về gia đìnah;

 Tiếp nhận Tổng đài từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do UNFPA hỗ trợ để nâng cấp, vận hành trong đó thiết lập số điện thoại có 3 chữ số để bảo đảm việc thuận tiện cho người dân khi cần sự trợ giúp khẩn cấp…