Đội phản ứng nhanh ngăn chặn bạo lực gia đình

TRANG THÙY

VHO - Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được các Đội phản ứng nhanh của Hội Liên hiệp Phụ nữ kịp thời tiếp nhận, giải cứu. Các cấp cơ sở cũng tư vấn, triển khai những giải pháp phòng, chống bạo lực và hỗ trợ nạn nhân tìm việc, phát triển kinh tế gia đình...

 Đội phản ứng nhanh ngăn chặn bạo lực gia đình - ảnh 1
Hội Phụ nữ huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) thăm hỏi một phụ nữ bị chồng bạo hành

 Xót xa khi phụ nữ bị bạo lực gia đình

Theo thống kê của các đơn vị chức năng tại Thừa Thiên Huế, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh có thay đổi và giảm qua các năm (từ 76 vụ năm 2021, giảm còn 49 vụ năm 2022 và 34 vụ năm 2023); hình thức tập trung chủ yếu là bạo lực tinh thần và thân thể; người gây bạo lực phần lớn là nam giới (năm 2021 là 87%, năm 2022 là 97% và đến năm 2023 là 76%).

Các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các mô hình, CLB như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ VHTTDL; mô hình CLB gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; đường dây nóng... Trong đó, mô hình Đội phản ứng nhanh được triển khai hiệu quả, nhanh chóng tiếp nhận và giải cứu các nạn nhân bị bạo lực.

Tháng 7.2024 vừa qua, nhiều người dân khi lưu thông qua đường Thạch Hãn (phường Thuận Hòa, TP Huế) không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh chị H.T.C chạy “bán sống bán chết” để trốn hành vi đuổi đánh của chồng. Thấy nạn nhân hoảng sợ, chủ của một cửa hàng xe máy đã cho chị C trốn vào trong nhà mình. Nhận được thông tin, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã nhanh chóng có mặt và kết nối với Công an phường để giải cứu chị H.T.C. Ngay sau đó, nạn nhân đã được đưa đến tạm lánh tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Công an phường cũng đã làm việc và lập biên bản đối với người chồng.

Theo chia sẻ của chị H.T.C, gia đình chị ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, nhưng chị lên thành phố để làm thuê. Khi chị đang làm việc thì người chồng tìm đến rồi có hành vi bạo lực, đuổi đánh nên chị phải bỏ chạy. Đây không phải là lần đầu chị C bị bạo hành, trên cơ thể chị vẫn còn nhiều vết bầm tím do chồng đánh đập.

Bà Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài bảo vệ an toàn cho chị H.T.C, Hội cũng có phương án can thiệp, hỗ trợ và các đơn vị ở địa phương nơi chị C sinh sống cùng chung tay ngăn chặn để nạn nhân không còn bị bạo hành.

Bà Phương Hiền thông tin thêm, từ năm 2023 đến nay, Hội Phụ nữ của các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Công an cơ sở tham gia giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em, bố mẹ già...

 Đội phản ứng nhanh ngăn chặn bạo lực gia đình - ảnh 2
Hội thi về phòng, chống bạo lực gia đình tại TP Huế

Góp phần hàn gắn nhiều mái ấm trước nguy cơ đổ vỡ

Chị N.T.N (trú xã Quảng An, huyện Quảng Điền) bị chồng bạo hành, đánh đập phải nhập viện điều trị dài ngày. Sau khi nhận được tin báo, Đội phản ứng nhanh CLB tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của Hội phụ nữ xã Quảng An đã tiếp cận, thăm hỏi, động viên, trấn an tinh thần chị N. Đồng thời phối hợp với công an xã làm việc, răn đe người chồng. Sau khi chị N xuất viện, Đội phối hợp với các Ban, ngành liên quan tiến hành hòa giải thành công. Đến nay, Hội Phụ nữ xã Quảng An đã kết nối và giới thiệu việc làm cho chị N tại TP.HCM với thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Hay trường hợp chị N.T.H cũng ở xã Quảng An thường xuyên bị chồng bạo hành, được con trai làm đơn tố cáo gửi đến Công an xã. Sau khi nắm tình hình, Hội Phụ nữ xã và CLB tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em xã đã đến thăm hỏi, động viên chị H; sau đó gặp riêng chồng để phân tích và khuyến khích anh này tham gia vào một số hoạt động của thôn xóm. Sau nhiều lần động viên, chia sẻ, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chị H đã được hòa giải.

Lâu nay, ở các vùng nông thôn, nhiều phụ nữ vẫn xem chuyện gia đình là chuyện riêng, ngay cả khi bị bạo lực cũng không dám lên tiếng. Họ sống trong bóng tối triền miên của cãi vã, đánh đập, cách “đối phó” của họ là im lặng và lao vào công việc để quên đi tất cả, quên cả chính mình. Trước đây, khi có người bị bạo lực gia đình trực tiếp đến cầu cứu, Hội Phụ nữ mới tìm đến để giải quyết, nhưng cũng chỉ trên tinh thần hòa giải, khuyên nhủ là chính. Từ khi Đội phản ứng nhanh, CLB tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em ra đời, Hội Phụ nữ các địa phương đã can thiệp ngay khi phát hiện sự việc, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực xảy ra trên địa bàn; chủ động tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ… nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ và trẻ em.

Mới đây, tại thị xã Hương Thủy có vụ chồng bạo hành vợ xảy ra ở phường Thủy Châu. Nhận được thông tin, Đội phản ứng nhanh đã can thiệp kịp thời; khuyên giải hợp tình hợp lý, hạn chế tối đa việc tái diễn. Đội cũng đưa nạn nhân vào danh sách cần giúp đỡ để các đơn vị, đoàn thể cơ sở cùng chia sẻ, hỗ trợ. Bà Hoàng Thị Phương Hiền nhấn mạnh: Các Đội phản ứng nhanh đã và đang trở thành chiếc “phao” cứu nguy đáng tin cậy cho nhiều phụ nữ và trẻ em, góp phần hàn gắn nhiều mái ấm trước nguy cơ đổ vỡ...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 21 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 179 CLB gia đình phát triển bền vững; 287 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 680 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 267 đường dây nóng... với sự tham gia tích cực của cộng đồng nhân dân, cán bộ cơ sở cấp phường/xã để kịp thời bảo vệ nạn nhân cũng như hòa giải đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn, nhằm hạn chế những xung đột có thể dẫn đến bạo lực gia đình.