Để trẻ sơ sinh được bú mẹ một cách tối đa

C.PHƯƠNG

VHO - Sữa mẹ là nguồn dinh duỡng quý giá với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú trong hai năm đầu đời là rất quan trọng, giúp trẻ mau lớn, khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn… Vì vậy các bà mẹ cần cho trẻ bú mẹ một cách tối đa.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ có đủ lượng chất béo, đường, nước, protein và khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Trong sữa mẹ cũng chứa kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi một số căn bệnh thường gặp như nhiễm trùng tai, tiêu chảy, bệnh đường hô hấp và dị ứng. Trẻ bú mẹ càng lâu thì  lợi ích sức khỏe nhận được càng lớn.

Để trẻ sơ sinh được bú mẹ một cách tối đa - ảnh 1
Trẻ cần được bú sữa mẹ ngay trong những giờ đầu tiên chào đời

Khi trẻ lớn lên, sữa mẹ thay đổi theo để thích ứng với nhu cầu dinh dưỡng thay đổi của trẻ. Nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ cung cấp tất cả nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng mà trẻ cần trong những tháng đầu đời, tiếp tục cung cấp đến 1/2 hoặc nhiều hơn nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong nửa sau của năm đầu tiên, và lên đến 1/3 trong năm thứ hai.

Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có điều kiện ở nhà để cho con bú. Nhiều bà mẹ băn khoăn khi phải đi làm, có nên tiếp tục cho trẻ bú, hay làm thế nào để thực hiện được việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ.

Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, để thực hiện điều đó, người mẹ cần cố gắng chủ động hơn và cần được sự động viên, khích lệ và giúp đỡ của gia đình.

Buổi sáng trước khi đi làm, mẹ nên vắt sữa càng nhiều càng tốt, khi mẹ vắt sữa xong thì nên cho bé bú tiếp để trẻ nhận được sữa cuối. Khi đến nơi làm việc, mỗi khi ngực căng sữa, bà mẹ có thể vắt sữa rồi bảo quản để mang về cho con bú. Nếu mẹ vắt sữa thường xuyên, đều đặn, nguồn sữa sẽ được duy trì.

Để vắt được nhiều sữa, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo, người mẹ nên vắt sữa theo từng cữ bú trong ngày của bé, lý tưởng nhất là 3 tiếng vắt một lần. Mẹ  không nên “để dành” không vắt sữa vì làm như vậy có thể người mẹ khó chịu và vô tình làm cho sữa của mình ít dần đi. Hãy cố gắng thư giãn trước những áp lực từ công việc để có nguồn sữa tốt nhất cho bé. Ngoài ra, nên duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng và uống 2,0-2,5 lít nước mỗi ngày bởi nước cũng là một trong những thành phần chủ yếu của sữa mẹ.

Sau mỗi lần vắt sữa, người mẹ nên cho sữa vào một túi hoặc bình riêng và đánh số để chú ý không cho bé bú sữa đã để quá lâu. Bạn cũng không nên đổ sữa cũ và sữa mới vào cùng một bình. Sữa để dành trong ngăn mát tủ lạnh. Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa bảo quản được khoảng 24h, và nếu để trong ngăn đá thì có thể giữ được vài tuần, thậm chí vài tháng nếu điều kiện vô trùng tốt. Sữa mẹ có thể bảo quản lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Tiến  cũng lưu ý khi trước khi vắt sữa, người mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Các mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa. Nếu sử dụng máy hút sữa, hãy kiểm tra các bộ phận máy hút và đường ống đảm bảo sạch sẽ. Thay thế các ống dây hút đã bị bẩn, mốc.

Để trẻ sơ sinh được bú mẹ một cách tối đa - ảnh 2
Bác sĩ hướng dẫn mẹ cho con bú đúng cách

Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sữa bằng cách sử dụng túi trữ sữa mẹ hoặc hộp đựng thực phẩm sạch để đựng sữa mẹ đã vắt ra. Nên dùng hộp đựng được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa và có nắp đậy kín. Tránh các loại chai/ túi có ký hiệu tái chế số 7 (Bisphenol-A), biểu tượng này cho thấy rằng vật chứa có thể được làm bằng nhựa có chứa BPA. Không bảo quản sữa mẹ trong túi nhựa không dùng để đựng sữa mẹ.

Trong quá trình cho con bú, một số mẹ thường mắc phải những sai lầm như chỉ cho con bú khi căng sữa. Như vậy là không đúng, vì không cho con bú thì càng làm sữa xuống chậm và càng dễ bị mất sữa. Ngoài ra, tư thế cho con bú hoặc cho con bú theo số cữ định sẵn… cũng là những điều mà các mẹ thường mắc.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, một số mẹ cho trẻ bú theo giờ, với số lần bú cố định trong ngày một cách cứng nhắc, máy móc mà không biết cách theo dõi đánh giá xem trẻ bú đủ hay chưa. Các bà mẹ có thể đánh giá gián tiếp thông qua số lần đi tiểu của trẻ trong ngày, nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ. Đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ, nếu trẻ đi tiểu dưới 6 lần trong ngày thì cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc người mẹ cần xem lại kỹ thuật cho con bú có đúng hay không vì đó là dấu hiệu trẻ chưa được bú đủ lượng sữa cần thiết trong ngày.

Bên cạnh đó, nhiều mẹ băn khoăn không biết con bú đã đủ chưa. Về điều này thì dấu hiệu nhận biết là khi trẻ bú xong vẫn quấy khóc, đi tiểu ít (dưới 6 lần/ngày). Muốn tạo được nhiều sữa bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ Prolactin và Oxytoxin.

Nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm để tăng cường sự tạo sữa. Cùng với đó là các bà mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ, lựa chọn các thực phẩm lợi sữa (như quả đu đủ, móng giò hầm, các loại hạt…), có tinh thần thoải mái và đừng quá lo lắng căng thẳng vì luôn nghĩ đến chuyện mình bị thiếu sữa. Bà mẹ cần ăn đủ, ngủ tốt và uống đủ nhu cầu nước.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc