Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Phải phù hợp với thực tế
VHO- Sáng 26.10, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và 2 Chương trình quốc gia thực hiện Chiến lược. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp
Quan điểm xây dựng Dự thảo Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ xây dựng Chiến lược phải bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình; kế thừa các kết quả, thành tựu đã đạt được từ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 được xây dựng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước liên quan đến gia đình, thông qua các giải pháp, chương trình, dự án để góp phần hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng việc xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 phải chi tiết, sát với tình hình thực tế để việc triển khai phải thực sự có hiệu quả. Trong đó cần chú ý tới nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình cũng như sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp, các ngành đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược. Chính vì vậy, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đặc biệt là đại diện cho các Bộ, Ban, ngành cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng các nội dung trong dự thảo Chiến lược để có những đóng góp cụ thể, làm sao cho để các nội dung của Chiến lược khi ban hành sẽ phù hợp với thực tế tình hình phát triển của xã hội.
Nhiều đại biểu đưa ra góp ý tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Ban Gia đình – Xã hội (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện các cơ quan liên quan thuộc Bộ VHTTDL như Cục Văn hóa Cơ sở, Vụ Pháp chế, Vụ Đào tạo... đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi góp ý cho ba văn bản dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 20230, Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Ý kiến đóng góp của các đại biểu và các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã gợi mở rất nhiều vấn đề để hoàn thiện xây dựng dự thảo Chiến lược như chỉnh sửa các chỉ tiêu, giải pháp phù hợp với thực tế và đạt hiệu quả khi thực thi. Có những đóng góp rất cụ thể như cần xây dựng một mô hình gia đình chung phù hợp với các ngành nghề, đối tượng và cả ở trung ương, địa phương. Việc thống nhất quản lý nhà nước với từng đối tượng trong gia đình giữa các bộ, ban ngành cũng cần có quy định cụ thể để tạo nên sự thống nhất cho việc thực hiện. Điều mà các đại biểu quan tâm đó là làm sao quy định cụ thể để việc bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc thực hiện triển khai Chiến lược và các chương trình phải thật sự hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh phát biểu tại cuộc họp
Bà Nguyễn Thị Việt Hoa - Chánh văn phòng Ủy ban Dân số, Gia đình, trẻ em Bộ Quốc phòng
Bà Đỗ Hồng Vân, Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số
Ông Phạm Gia Cường, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo ông Phạm Gia Cường, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cần xác định gia đình là chủ thể chính của Chiến lược, mọi giá trị gia đình đều được bắt nguồn từ chính mỗi gia đình Việt Nam, vì vậy gia đình là đối tác thực hiện chính trong Chiến lược, các bộ, ban ngành từ giáo dục, y tế, dân số... cũng đều xác định gia đình là đối tác chính và cần phải có những giải pháp để phát huy được vai trò của từng gia đình.
Kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh cho biết Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để điều chỉnh các nội dung của dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình thực hiện. Bộ VHTTDL sẽ vẫn tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ, ban ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo để Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 phải chi tiết, sát với tình hình thực tế để việc triển khai phải thực sự có hiệu quả.
Bài &ảnh: THUÝ HIỀN