Cha mẹ cần trang bị gì để tạo “lá chắn” cho con trẻ trước nạn bắt cóc và xâm hại?
VHO - Theo các chuyên gia tâm lý, sự việc hai bé gái bị bắt cóc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) sau khi được giải cứu, trở về với gia đình sẽ gặp không ít những tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất và cuộc sống sau này của trẻ. Vậy cha mẹ cần trang bị cho con trẻ những kỹ năng gì để giúp con trẻ biết tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy luôn rình rập xung quanh. Nhất là trước tình trạng hành vi bắt cóc, xâm hại trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Trao đổi với Văn Hóa xoay quanh nội dung trên, huyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quế Chi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục và Đào tạo (TP.HCM), Nhà sáng lập Trung tâm Đào tạo và Phát triển hành vi kỷ nguyên số chia sẻ, chúng ta cần trang bị cho trẻ những kỹ năng phù hợp với từng lứa tuổi. Cụ thể:
Đối với trẻ 3-5 tuổi:
Cha mẹ cần dạy cho con trẻ hiểu trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được phép nhận quà, bánh kẹo, thức ăn, đồ uống của người lạ, kể cả người thân. Chỉ khi có sự đồng ý của cha mẹ mới được nhận quà.
Dạy cho trẻ không được đi theo bất kỳ người lạ nào, phân tích cho trẻ thấy được những mối nguy để không lên xe máy hoặc ôtô của những người không quen biết. Gia đình cần cung cấp thông tin liên lạc cho nhà trường và giáo viên, đồng thời xác minh thông tin khi nhờ người thân đón trẻ.
Đối với trẻ 6-11 tuổi
Cần dạy trẻ nhận diện các đối tượng có khả năng nghi ngờ bắt cóc, từ trang phục cho đến thái độ, cử chỉ, điệu bộ... Hướng dẫn cho trẻ luôn đi theo và bám sát người lớn khi ra ngoài cộng đồng, đến siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Đồng thời cha mẹ cũng luôn để ý và theo dõi trẻ.
Dạy trẻ cách gọi cứu thương hoặc liên lạc với những người xung quanh để nhận sự giúp đỡ khi gặp hành vi tấn công hoặc bắt cóc. Giáo dục trẻ về cách ứng phó khi ở nhà một mình và không nên mở cửa cho người lạ vào nhà, cũng như không nhận đồ hoặc hàng hóa từ những người không quen biết.
Tập cho trẻ nhớ số điện thoại của cha mẹ và các thành viên trong gia đình, cũng như cách sử dụng điện thoại để liên lạc với cha mẹ trong trường hợp khẩn cấp. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể trang bị đồng hồ định vị có khả năng gọi điện thoại để giữ liên lạc dễ dàng hơn.
Đối với trẻ 12 tuổi trở lên
Cha mẹ cần giáo dục trẻ cách sử dụng phương tiện công nghệ và mạng xã hội một cách an toàn và thích hợp. Trẻ cần được nhắc nhở không nên nhắn tin, trò chuyện, hoặc hẹn gặp mặt với người lạ trên mạng xã hội. Đồng thời, cha mẹ cần có trách nhiệm quản lý việc sử dụng thiết bị số và mạng xã hội của trẻ một cách tích cực, hướng con trẻ tiếp cận những nội dung đảm bảo an toàn và phát triển tích cực cho trẻ.
Cùng con trẻ xem các video về các tình huống bắt cóc hoặc những tình huống đặc biệt khác, sau đó phân tích các tình tiết quan trọng trong video và hướng dẫn trẻ cách phòng vệ trong khả năng của mình. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về nguy cơ và biện pháp phòng vệ, đồng thời tạo ra một cơ hội để trao đổi và thảo luận với trẻ về cách đối phó với các tình huống nguy hiểm.
Theo Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quế Chi, việc hình thành và rèn luyện các kỹ năng ứng phó với những nguy cơ dụ dỗ, bắt cóc là cả một quá trình lâu dài để khi gặp các tình huống thực tế trẻ biết áp dụng. Cha mẹ cũng thường xuyên tâm sự, chia sẻ với trẻ để biết tâm tư, những suy nghĩ của trẻ để định hướng và giáo dục con một cách tích cực.
Hãy vỗ về, để trẻ chủ động chia sẻ
Trao đổi thêm với Văn Hóa về kinh nghiệm để hỗ trợ cho hai bé gái bị bắt cóc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ quên đi những ám ảnh sau khi trở về với gia đình, phục hồi tâm lý, hòa nhập dần với cuộc sống gia đình, phát triển bình thường cả về thể thể chất lẫn tinh thần cho đến tuổi trường thành. Bà Chi nhấn mạnh, trong trường hợp này cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó chú trọng đến việc hỗ trở tâm lý cho trẻ.
Khi trẻ về nhà thì cha mẹ, người lớn trong gia đình tuyệt đối không được trách móc, la mắng con; không đổ lỗi lẫn nhau và đổ lỗi cho người khác, ít nhất trước mặt con. Hãy vỗ về, nhẫn nại và chờ đợi con chủ động chia sẻ, sự chia sẻ tự nhiên là một cách giải tỏa ức chế.
Trong trường hợp trẻ bị khủng hoảng tâm lý, thu mình, không muốn giao tiếp, trò chuyện và phản ứng dữ dội như đập phá, đánh, cắn… ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ, cha mẹ nên nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trẻ em để hiểu được diễn trình tâm lý và trang bị kỹ năng làm bạn với con trong hoàn cảnh này.
Trong quá trình phục hồi tâm lý cho trẻ, cha mẹ cũng không cần phải tỏ ra quá quan tâm chăm sóc hỏi han, hãy cư xử một cách bình thường và tuyệt nhiên không nên nhắc lại những tình huống đã xảy ra.
Cố gắng gần gũi, khích lệ và động viên trẻ có thể tự làm một số các hoạt động trong gia đình, vừa xây dựng sự tự tin cho trẻ, vừa giúp trẻ quên dần những hình ảnh đáng sợ đã xảy ra với mình.