Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Trách nhiệm ngay từ trong nhận thức

VHO- Kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (1990) và ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (1991) tới nay, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc cũng chính là tạo môi trường tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ này, gắn liền với chức năng và giá trị của từng “tế bào xã hội”.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Trách nhiệm ngay từ trong nhận thức - Anh 1

Bộ VHTTDL tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện thu hút các cháu thiếu nhi tham gia

 Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn về nguồn lực triển khai, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em các cấp còn chưa thường xuyên, hiệu quả; điều đáng nói hơn là bản thân một số gia đình còn chưa ý thức rõ được nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con em mình…

Hiểu biết về Quyền trẻ em còn mờ nhạt

Cả từ góc độ pháp lý lẫn khía cạnh đạo đức, truyền thống thì trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước hết là thuộc về gia đình. Trong nhiều năm qua, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và của từng gia đình nói riêng ngày càng được cải thiện. Những yếu tố cơ bản này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Dù điều kiện, mức độ đầu tư, chăm sóc con cái của các gia đình còn chênh lệch nhau, song hầu hết đều ưu tiên đến mức cao nhất cho việc chăm lo cho trẻ được ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh…

Nhận thức của cha mẹ về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên. Tuy vậy, qua sự phản ánh của báo chí và các kết quả khảo sát, điều tra thì hiện tình trạng trẻ em thiếu sự quan tâm, bị xúc phạm, xâm hại, trừng phạt, bạo lực, bóc lột… vẫn đang ở mức cao và ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điều đáng lo lắng là những hiện tượng này diễn ra không chỉ ở ngoài xã hội mà còn ngay trong chính gia đình của các em. Nói cách khác, trẻ em chưa được bảo vệ an toàn dưới mái ấm của mình; quyền của trẻ em chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Tất nhiên, khi trẻ bị mất an toàn (cả về thể xác và tinh thần) thì lỗi trước tiên phải thuộc về cha mẹ và các thành viên khác.

Trao đổi với Văn Hóa, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hạn chế này, như quan niệm mang nặng tư tưởng phong kiến còn khá phổ biến: Thứ nhất, coi con cái là “sở hữu” riêng, cha mẹ yêu cầu gì, ép buộc gì con cái cũng phải răm rắp theo, không được bày tỏ ý kiến. Thứ hai, do trình độ học vấn của nhiều bậc phụ huynh còn thấp nên chưa có hiểu biết đầy đủ trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái. Trong nhiều gia đình, trẻ không bị thiếu ăn nhưng vẫn suy dinh dưỡng; khi đau ốm vẫn được cha mẹ đưa đi chữa trị nhưng lại không phải tại các cơ sở y tế; nhà cửa tương đối khang trang nhưng lại có rất nhiều nguy cơ gây tai nạn cho trẻ; kinh tế không quá thiếu thốn nhưng lại rất nghèo về thông tin, văn hóa… Thứ ba là hiểu biết của không ít gia đình về Quyền trẻ em còn quá mờ nhạt. Rất nhiều gia đình chăm lo cho con em một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần, tuy nhiên, chuyện con cái bị cha mẹ xúc phạm, trừng phạt (bằng cách này hay cách khác) lại xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là khi trẻ em mắc lỗi, do chưa hiểu biết về Quyền trẻ em hoặc có biết nhưng không tôn trọng, không thực hiện, nên đã có cách xử lý thô bạo, thiếu thân thiện với trẻ em, khiến các em tự tìm đến những cách giải quyết hết sức đau lòng.

Giáo dục là chức năng cơ bản, đầu tiên của gia đình

Chúng ta sinh ra và bắt đầu cuộc sống từ cái nôi gia đình. Nền tảng giáo dục gia đình giúp con người có thể hòa nhập vào cuộc sống chung của nhân loại. Gia đình có vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách đối với thế hệ tiếp nối; đây cũng là nơi trang bị những kiến thức, kỹ năng sống đầu đời cho trẻ em. Ở Việt Nam, giáo dục đời sống gia đình luôn được các bậc cha mẹ chú ý quan tâm ngay từ khi trẻ cất tiếng khóc chào đời và theo suốt cả cuộc đời mỗi con người.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, để thực hiện tốt chức năng giáo dục, mỗi thành viên trong gia đình, tùy thuộc vị trí của mình, phải trở thành những tấm gương sáng cho con trẻ học tập, làm theo. Thông qua thái độ, tình cảm, tâm lý, mối liên hệ thường xuyên bền vững với trẻ, truyền thụ cho trẻ những hành vi ứng xử đúng đắn trong nhà và ngoài xã hội. Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách đầy đủ và hoàn thiện nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi.

Gia đình còn là nơi cung cấp các nhu cầu cơ bản của sự sống còn cho trẻ như nơi ăn chốn ở, dinh dưỡng, quần áo, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế về thể chất và tinh thần…; bảo vệ trẻ khỏi các tác động xấu từ môi trường bên ngoài thông qua việc giám sát các hành vi, nhằm tránh cho trẻ khỏi các hành vi rủi ro cao như sử dụng thuốc lá, bia rượu, quan hệ tình dục không an toàn... đồng thời cung cấp, trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại. Để thực hiện chức năng này, cha mẹ và những người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc luôn từng bước truyền đạt kiến thức, sự hiểu biết về những nguy cơ, hướng dẫn trẻ hiểu biết về cơ thể, về các rủi ro liên quan và các kỹ năng tự bảo vệ mình.

Tuy vẫn còn những hạn chế và thiếu hụt nhất định trong vấn đề cung cấp kiến thức về xâm hại trẻ em cũng như trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình, bởi chính các bậc cha mẹ cũng còn thiếu kiến thức và kỹ năng về vấn đề này, song đây vẫn là chủ thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm thực hiện Quyền trẻ em khỏi mọi hình thức bị lạm dụng, xâm hại, cũng như cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho trẻ để phòng ngừa những rủi ro trong môi trường sống và tự bảo vệ bản thân trước các hành vi nguy cơ.

Từ những đặc điểm, lý giải trên, có thể khẳng định: Gia đình có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chú trọng đến xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Dù tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng giá trị quan trọng nhất vẫn là giá trị về con cái, nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi người ngay từ những năm đầu đời. 

 

 Gương mẫu, yêu thương là trách nhiệm của cha mẹ, ông bà

- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.

- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.

- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nề nếp, gia phong.

(Trích “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ VHTTDL)

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc