Thắt chặt hợp tác du lịch biên giới Việt - Trung

MINH QUÂN; ảnh LINH TÂM

VHO - Ngày 20.4, tại thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) đã diễn ra Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề Hành trình biên cương tráng lệ - Du lịch Sùng Tả quyến rũ.

Thắt chặt hợp tác du lịch biên giới Việt - Trung - ảnh 1
Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề Hành trình biên cương tráng lệ - Du lịch Sùng Tả quyến rũ

Chương trình có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp lữ hành thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC), cùng các doanh nghiệp du lịch tại thành phố Sùng Tả.

Đây không chỉ là sự kiện xúc tiến du lịch thông thường mà còn mở ra một hướng đi mới cho du lịch biên giới - một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác xứng tầm giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Du lịch - cầu nối văn hóa, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia

Phát biểu tại sự kiện, ông Túc Gia Nghệ, Phó Chủ tịch thành phố Sùng Tả nhấn mạnh: “Năm 2025 là dấu mốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam (1950-2025), đồng thời là Năm Giao lưu Nhân văn Việt – Trung”.

“Đây là cơ hội quý báu để hai nước phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường giao lưu chính sách, phối hợp thúc đẩy du lịch biên giới và xây dựng vành đai du lịch Trung Quốc - Việt Nam”, ông Túc Gia Nghệ cho biết.

Theo ông Túc Gia Nghệ, Sùng Tả có hệ sinh thái du lịch đa dạng, từ di sản văn hóa thế giới như: Bích hoạ Hoa Sơn bên dòng Tả Giang và lễ hội Tết Sương giáng của người Choang; đến Điền Viên Minh Sĩ, Hữu Nghị Quan…

Bên cạnh đó là hệ thống giao thông thuận tiện đang được nâng cấp mạnh mẽ, nổi bật là tuyến đường sắt cao tốc Nam Ninh - Bằng Tường dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Sùng Tả sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, là thành phố có nhiều cửa khẩu nhất Trung Quốc với 4 cửa khẩu quốc tế và 1 cửa khẩu song phương.

Sùng Tả còn sở hữu hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng cao gồm 353 khách sạn và nhà nghỉ được áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại, ứng dụng du lịch thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá, trải nghiệm.

Chủ tịch HUTC Trương Quốc Hùng đánh giá: “Sùng Tả là cửa ngõ quan trọng, vừa là điểm đầu mối giao thương, vừa là hành lang văn hóa, du lịch giữa hai quốc gia. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đặc sắc và hạ tầng dịch vụ ngày càng hiện đại, Sùng Tả đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng cho du khách Việt Nam”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong khuôn khổ chương trình đã có chuyến khảo sát từ ngày 17 - 20.4, ghé thăm các điểm đến tiêu biểu như: Di tích cơ quan bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Long Châu - một chứng tích sống động của mối quan hệ kháng chiến gắn bó giữa hai Đảng, hai dân tộc; danh thắng bích hoạ Hoa Sơn; làng dân tộc Choang Thiên Cầm; khu cảnh quan Đức Thiên (Trung Quốc) - Thác Bản Giốc (Việt Nam) và Thái Bình cổ trấn mang dáng dấp cổ kính vùng biên ải.

Thắt chặt hợp tác du lịch biên giới Việt - Trung - ảnh 2
Đoàn khảo sát tại Hữu Nghị quan

Cơ hội phát triển du lịch biên mậu

Điểm nhấn của chương trình lần này là sự kết nối rõ ràng giữa du lịch và kinh tế biên mậu. Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) không chỉ là điểm trung chuyển hàng hóa lớn mà còn là “cánh cổng” để phát triển du lịch xuyên biên giới.

Với việc Trung Quốc đã áp dụng chính sách visa điện tử cho công dân Việt Nam và mở rộng các tuyến xe du lịch xuyên biên giới, du lịch qua cửa khẩu đang trở thành xu hướng mới.

Đặc biệt, khu danh thắng thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), từ lâu đã được nhìn nhận như biểu tượng hòa bình và hợp tác. Việc hai bên đồng thuận khai thác chung, mở cửa cho du khách tham quan tại khu vực này trong thời gian qua đã tạo tiền lệ tốt đẹp.

Sự phối hợp khai thác chung khu danh thắng có thể mở ra một mô hình hợp tác quản lý di sản xuyên quốc gia, không chỉ giúp thu hút du khách quốc tế mà còn lan tỏa thông điệp hòa bình, cùng phát triển giữa hai nước.

Không chỉ dừng lại ở trải nghiệm thiên nhiên, Bản Giốc - Đức Thiên và các khu vực biên giới còn gắn liền với những “di sản đỏ” có giá trị lịch sử to lớn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam từng hoạt động, như khu di tích Long Châu hay các địa danh trong Hành trình đỏ.

Việc hai nước tiếp tục phối hợp khôi phục, bảo tồn và kết nối các điểm “di sản đỏ” sẽ giúp nâng cao ý thức lịch sử trong giới trẻ và tạo ra dòng sản phẩm du lịch giáo dục, về nguồn có chiều sâu.

Thắt chặt hợp tác du lịch biên giới Việt - Trung - ảnh 3
Đoàn khảo sát thăm Di tích cơ quan bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Long Châu

Hướng tới vành đai du lịch biên giới Việt - Trung

Với tầm nhìn dài hạn, việc hình thành “vành đai du lịch biên giới Việt - Trung” đang dần đi vào hiện thực.

Điều này không chỉ cần sự hợp tác ở cấp địa phương mà còn đòi hỏi chính sách mở cửa linh hoạt từ hai Chính phủ, trong đó bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, phối hợp kiểm tra kiểm soát cửa khẩu; phát triển tuyến đường sắt, xe khách du lịch liên vận và đặc biệt là các chương trình du lịch song phương có sự tham gia của doanh nghiệp hai nước.

Chia sẻ với báo chí, nhiều doanh nghiệp HUTC đánh giá cao việc khảo sát thực địa, đồng thời đề xuất phát triển các sản phẩm liên tuyến như: Một ngày xuyên biên giới từ Lạng Sơn đến Sùng Tả; tour Hai nước - Một dòng thác kết nối Bản Giốc - Đức Thiên và các tuyến caravan văn hóa - ẩm thực từ Hà Nội đến Nam Ninh, Bằng Tường, Sùng Tả. Bên cạnh đó, khai thác sâu hơn các tuyến Hành trình tìm dấu chân Hồ Chí Minh - Hữu nghị Trung - ViệtHành trình di sản kép Việt - Trung.

Đại diện HUTC khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác Trung Quốc để quảng bá, xúc tiến, và phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo, góp phần gia tăng lượng khách qua cửa khẩu Hữu Nghị và thúc đẩy hợp tác biên mậu bền vững”.

Không dừng lại ở con số khách du lịch, những chương trình như Hành trình biên cương tráng lệ còn là dịp để làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác giữa hai dân tộc.

Khi du lịch được đặt trong mối quan hệ văn hóa, lịch sử, kinh tế và lòng tin chính trị, nó không chỉ là ngành dịch vụ mà còn là nhịp cầu nhân văn bền vững giữa hai quốc gia láng giềng.

Với nền tảng lịch sử gắn bó, hệ thống giao thông kết nối chặt chẽ, và tiềm năng du lịch biên giới phong phú, hành lang du lịch Việt - Trung đang từng bước được khơi thông.

Những cánh cửa mở ra từ cửa khẩu Hữu Nghị, từ dòng thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) không chỉ đón bước chân du khách, mà còn là biểu tượng của một tương lai cùng hợp tác, cùng phát triển.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc