Việt Nam - Trung Quốc:
Thúc đẩy trao đổi khách hai chiều
VHO - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc đã quay trở lại là thị trường gửi khách số một của du lịch Việt Nam với 575.000 lượt, chiếm 27,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 năm nay. Việt Nam và Trung Quốc cũng liên tục tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến nhằm đẩy mạnh trao đổi khách hai chiều.

Tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch hai nước
Ngày 11.3 tới đây, hãng hàng không Trung Quốc Colorful Guizhou Airlines sẽ kết nối lại đường bay thẳng Hà Nội (Việt Nam) - Quý Châu (Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh trao đổi khách hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Sau khi mở lại, đường bay từ thành phố Quý Dương (tỉnh Quý Châu) tới Hà Nội dự kiến từ ngày 11.3 - 31.5 và tháng 9-10 có tần suất 2 chuyến một tuần, khởi hành thứ 3 và 7 hằng tuần; tháng 6, 7, 8 có tần suất 3 chuyến, khởi hành thứ 3, 5, 7 hằng tuần.
Như vậy, thay vì phải mất 12 tiếng đi bằng đường bộ để có thể từ Hà Nội tới thành phố Quý Dương, với đường bay thẳng, khách du lịch chỉ mất 1 tiếng 20 phút từ sân bay Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) đến sân bay Quý Dương (Quý Châu, Trung Quốc).
Đường bay Hà Nội - Quý Dương được mở lần đầu vào tháng 8.2024 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ lượng khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc và có khả năng thu hút lượng khách khá lớn Trung Quốc trở lại Việt Nam sau dịch Covid-19.
“Chính vì thế, sau một thời gian tạm dừng để chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ, kết nối tuyến điểm, chúng tôi đã xúc tiến để mở lại đường bay Hà Nội - Quý Dương vào ngày 11.3”, ông Lưu Giang Lâm, Tổng giám đốc Công ty du lịch Á Thái (Quý Châu, Trung Quốc) cho biết.
Ông Lưu Giang Lâm cho rằng, đường bay này không những rất thuận lợi để du khách Việt Nam khám phá điểm đến Quý Châu - vùng đất của những di sản của Trung Quốc mà còn tạo điều kiện cho du khách từ tỉnh Quý Châu và khu vực lân cận tham quan thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
“Chính quyền nhà nước Trung Quốc và các địa phương rất coi trọng thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Trung ương Trung Quốc và các địa phương có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đón khách nước ngoài như nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá vé tham quan danh thắng, hỗ trợ giá trực tiếp cho khách”, ông Lưu Giang Lâm nói.
Thời gian gần đây Trung Quốc liên tục tăng cường mở cửa thể chế trong quản lý nhập cư để thu hút nhiều người nước ngoài đến du lịch và kinh doanh, thường xuyên truyền sức sống mới vào thị trường du lịch nội địa và góp phần vào sự mở cửa cấp cao và phát triển du lịch chất lượng cao của Trung Quốc.
Riêng với Quý Châu, đây là điểm đến có rất nhiều Khu du lịch cấp 5A. Tỉnh này có tới 92,5% diện tích là đồi núi nên du lịch được xác định là ngành kinh tế số một với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Ông Lưu Giang Lâm cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng thị trường Việt Nam vì đây là thị trường tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng”.
Theo ông Đỗ Xuân Ngoạn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ Hòn Gai, một trong những công ty phát triển tour đến Quý Châu sớm nhất và dành nhiều tâm huyết để trao đổi khách hai chiều Việt Nam - Trung Quốc: “Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đang không ngừng nỗ lực triển khai tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước, trong đó nhấn mạnh việc ủng hộ các tổ chức văn hóa, đoàn nghệ thuật của hai nước triển khai giao lưu, hợp tác; tăng cường phối hợp, trao đổi, xây dựng các sản phẩm du lịch; ủng hộ các địa phương hai nước triển khai giao lưu, hợp tác về văn hóa, du lịch; tổ chức tốt các hoạt động như gặp gỡ hữu nghị, diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc khi khởi động lại đường bay Hà Nội - Quý Dương, vừa qua chúng tôi đã cùng các đối tác Trung Quốc tổ chức các chuyến famtrip dành cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và Trung Quốc để khảo sát lại các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến ở cả hai nước”.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến
Mới đây tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã gặp gỡ, làm việc với ông Lam Hiểu, Bí thư Thành ủy Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) và tham dự Chương trình giao lưu, giới thiệu văn hóa và du lịch thành phố Sùng Tả năm 2025.
Chương trình giao lưu, giới thiệu văn hóa và du lịch thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc năm 2025 được tổ chức nhằm giới thiệu tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng của thành phố Sùng Tả, khám phá những nét đặc sắc văn hóa, du lịch của khu vực biên giới Việt - Trung; đồng thời quy hoạch ba tuyến du lịch xuyên biên giới: “Toàn cảnh Sùng Tả - Bắc Việt”, “Hành trình tìm dấu chân Hồ Chí Minh - Hữu nghị Trung - Việt” và “Hành trình di sản kép Việt - Trung”.
Những tuyến du lịch này nhằm hỗ trợ mở rộng thị trường khách du lịch, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, văn hóa hai nước, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giúp người dân hai bên ngày càng gần gũi và thân thiết hơn, cùng nhau thúc đẩy chặng đường hợp tác du lịch, văn hóa.
Lượng trao đổi khách du lịch giữa hai bên thời gian qua đã có sự phục hồi đáng kể, song tiềm năng phát triển du lịch của hai nước còn rất lớn và cần được đẩy mạnh khai thác.
Để phát huy tối đa tiềm năng này, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, hai bên cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kết nối doanh nghiệp, cũng như cải thiện dịch vụ và chính sách hỗ trợ du lịch giữa hai nước.
Bên cạnh đó, việc tăng cường kết nối, cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu vực cửa khẩu sẽ giúp thúc đẩy phát triển du lịch biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để du khách hai nước đi lại dễ dàng hơn.
“Tôi mong rằng từ đây, nhiều chương trình du lịch mới, hấp dẫn sẽ được hình thành, giúp du khách hai nước có thêm nhiều lựa chọn và trải nghiệm phong phú hơn. Việc kết nối doanh nghiệp hai bên không chỉ mở ra những cơ hội hợp tác mới mà còn tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển du lịch theo hướng bền vững”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Ông Khánh đề nghị chính quyền thành phố Sùng Tả cũng như chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hai nước khảo sát, triển khai xây dựng tour du lịch “Theo dấu chân Bác Hồ” tại huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả cũng như các địa danh khác tại Quảng Tây.
Đây không chỉ là một sản phẩm du lịch có ý nghĩa đặc biệt mà còn góp phần nâng cao lượng trao đổi khách giữa hai nước, qua đó thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt - Trung.