Sa Thầy (Kon Tum): Tiềm năng du lịch vùng biên chờ khai phá
VHO - Nằm ở phía Tây của tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy sở hữu tiềm năng du lịch đáng kể với diện tích tự nhiên trên 143.000 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm tới 70%. Đặc biệt, địa phương này có Vườn quốc gia Chư Mom Ray được công nhận là Di sản ASEAN với hệ sinh thái phong phú, đa dạng cùng nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, và Di chỉ khảo cổ học Lung Leng (được phát hiện năm 1999 và 2001), khẳng định đây là một trong những cái nôi văn minh của người tiền sử.
Tiềm năng phát triển các loại hình du lịch…
Sa Thầy có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển các loại hình du lịch. Thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng Sa Thầy dãy Chư Mom Ray điệp trùng rất đa dạng về hệ sinh thái động thực vật.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, cùng với tài nguyên về động vật, thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rất phù hợp cho việc khai thác loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Rừng Lồ Ô trải rộng bạt ngàn; Thác 7 Tầng tung bọt trắng xóa; Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển Sinh vật xem khỉ, chim trĩ, gà rừng, trăn, rắn… và ngắm nhìn các loài lan rừng tuyệt đẹp đang được bảo tồn; ghé Hang Dơi kỳ bí với quần thể dơi đông đúc; hay dừng châm ở Bãi Thú, Suối Ngang, Thác Nàng Tiên thơ mộng…
Ngoài cảnh quan thiên nhiên được ban tặng, Sa Thầy là vùng căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn liền nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra (điểm cao 995), di tích chiến thắng Kleng…
Mặc dù chưa thành lập điểm du lịch, nhưng hằng năm các địa danh lịch sử này thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm lại chiến trường xưa, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, thắp hương tưởng nhớ đồng đội, người thân. Ngoài ra, chùa Khánh Sơn mới được khánh thành, tọa lạc uy nghi ngay tại địa bàn thị trấn huyện cũng là một điểm đến hấp dẫn.
Du lịch cộng đồng tại các làng đồng bào DTTS là một thế mạnh khác của Sa Thầy. Làng Đăk Đê (xã Rờ Kơi) nổi tiếng với câu lạc bộ văn hóa dân gian gồm 34 nghệ nhân người Xơ Đăng (Ha Lăng), thường xuyên biểu diễn cồng chiêng, xoang và đặc biệt là điệu múa Chiêu truyền thống. Du khách đến đây còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng như cơm lam, thịt nướng với muối lá é và rượu cần.
Làng Chốt của đồng bào Gia Rai tại thị trấn Sa Thầy vẫn bảo tồn được nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ Mừng nhà rông mới, Lễ mừng lúa mới và Lễ Pơ - Thi (bỏ mả). Đặc biệt, làng còn lưu giữ 32 bộ cồng chiêng quý được trao truyền qua nhiều đời, trong đó có nghệ nhân ưu tú A Huynh - người được công nhận trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Làng Bargốc (xã Sa Sơn) thu hút du khách bởi những sản phẩm thủ công tinh xảo như: thổ cẩm, đan lát, nhạc cụ truyền thống như đàn Tơ Rưng, Krông Pút, Ting Ning và các món ăn đặc sắc như cá suối nấu măng chua, gỏi cá kiến vàng, mây đắng - được mệnh danh là "siêu đặc sản" của vùng.
Làng Lung Leng (xã Sa Bình) của người Gia Rai không chỉ nổi tiếng với các lễ hội truyền thống, sản phẩm thổ cẩm và ẩm thực đặc sắc mà còn có những nghệ nhân làm và sử dụng thuyền độc mộc điêu luyện. Đặc biệt, làng gắn liền với di chỉ khảo cổ học Lung Leng - di tích mang dấu ấn hàng nghìn năm của người Việt cổ.
Để phát triển du lịch nông thôn, Sa Thầy đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hệ thống giao thông tại các xã ven hồ. Các hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ thương mại được thành lập để giới thiệu, cung cấp sản phẩm nông nghiệp. Các bến thuyền tại làng Chờ (xã Ya Ly) và làng Lung Leng (xã Sa Bình) đang được nâng cấp để phục vụ du lịch đường thủy.
… đang chờ được đánh thức
Ông Trịnh Đình Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, việc đánh thức tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện được Đảng bộ, chính quyền huyện Sa Thầy xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới.
Trong đó, huyện sẽ tập trung khai thác hiệu quả các hoạt động về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình đánh bắt cá tự nhiên, nuôi cá lồng, sản xuất con giống nhằm đưa huyện Sa Thầy trở thành vùng cung cấp thủy sản uy tín cho khu vực Bắc Tây Nguyên và phục vụ phát triển du lịch.
Theo ông Lâm, trước hết, huyện sẽ tập trung rà soát, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030; đầu tư các tuyến đường vào các điểm du lịch, các điểm dừng chân, điểm đến, bến đỗ; trùng tu, sửa chữa các nhà bia tưởng niệm.
Địa phương cũng hỗ trợ và vận động đồng bào các DTTS duy trì, phục hồi các lễ hội truyền thống, hình thành và từng bước mở rộng các tour du lịch, các tuyến tham quan tại các làng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, làng đồng bào DTTS kiểu mẫu; vận động, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình du lịch tại cộng đồng, homestay.
“Một trong những hướng đi được huyện Sa Thầy chú trọng, đó là phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray gắn với du lịch nông nghiệp xã Mô Rai (trong đó, điểm nhấn là trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của tập đoàn TH True milk). Xây dựng “thủ phủ” cây ăn quả và dược liệu tại xã Hơ Moong, làng chài Đăk Wơk Yốp thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu để kết nối các điểm du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Plei Krông kết hợp tham quan vườn cây ăn trái, vườn dược liệu và điểm du lịch tâm linh Charlie, Delta. Xây dựng được vùng nuôi cá lồng tập trung, vùng sản xuất con giống quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy thông tin.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã và đang tạo dựng những nền tảng ban đầu; một số sản phẩm đặc trưng của huyện được quan tâm xây dựng; các điểm, tuyến có khả năng khai thác du lịch được chú trọng quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian tới, huyện Sa Thầy tiếp tục tăng cường quảng bá, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ phát triển du lịch; kết nối liên thông với các tour du lịch của tỉnh và khu vực;
Hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn huyện. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh của huyện; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, xã hội nói chung và du lịch nói riêng;
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành du lịch cho đội ngũ cán bộ phụ trách và người dân; gắn với thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách, ấn tượng để thu hút các đơn vị lữ hành và du khách đến trải nghiệm du lịch địa bàn huyện.