Ninh Thuận:
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
VHO - UBND tỉnh Ninh Thuận và ngành Du lịch đang nỗ lực đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Giai đoạn 2022-2025, Ninh Thuận phát triển nhiều sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, khám phá cát - muối, du lịch chăm sóc sức khỏe... Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 6 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 5.900 tỉ đồng.
Du lịch tăng trưởng nhanh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận: Những năm trở lại đây, du lịch Ninh Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư dự án du lịch đẳng cấp tại địa phương. Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 56 dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 52.494 tỉ đồng. Trong đó, có 24 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.984,5 tỉ đồng, chiếm 43% số dự án; 32 dự án chưa hoàn thành, chiếm 57% số dự án, trong đó có 22 dự án du lịch trọng điểm của tỉnh.
Tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tư vấn các dự án đầu tư phát triển du lịch như: Thẩm định Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, giai đoạn 2021-2030; thực hiện các trình tự, thủ tục cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích 18,35 ha sang mục đích thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cà Ná; rà soát việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Ninh Thuận; họp tư vấn, thống nhất tham mưu đề xuất biện pháp xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch, chủ trương đầu tư đối với các dự án Khu đô thị mới ven Đầm Nại…
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được phát triển, đến nay toàn tỉnh có 212 cơ sở lưu trú du lịch với gần 4.700 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên chiếm trên 50%. Năm 2023, Ninh Thuận đón 2.900.000 lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch), trong đó khách quốc tế ước đạt 40.000 lượt (tăng 239% so cùng kỳ, đạt 200% so kế hoạch), khách nội địa ước đạt 2.860.00 lượt.
Tổng lượt khách tham quan, nghỉdưỡng trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.510.000 lượt khách (tăng 9,3% so cùng kỳ, đạt 47,2% so với kế hoạch), trong đó khách quốc tế ước đạt 41.000 lượt khách (tăng 134,2% so cùng kỳ, đạt 41% so với kế hoạch), khách nội địa ước đạt 1.469.000 lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.602 tỉ đồng. Mục tiêu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đón trên 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 100.000 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch 2.500 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Thời gian qua, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy phát triển du lịch như: Kế hoạch phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phương án triển khai thực hiện các giải pháp xúc tiến, đón khách du lịch trong thời gian tới; Kế hoạch tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận trong nước và nước ngoài; Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025…”.
Hiện nay, ngành Du lịch tỉnh đang triển khai kế hoạch liên kết các điểm đến du lịch tiêu biểu để tạo ra những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch biển, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề... việc phát triển các sản phẩm du lịch mới luôn được các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch chú trọng đầu tư.
Tạo động lực để du lịch cất cánh
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm, thời gian qua Sở tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả như: Tổ chức thành công đón Đoàn Famtrip doanh nghiệp du lịch Ấn Độ khảo sát điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; Hội nghị tập huấn sử dụng Thẻ du lịch thông minh (Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Hội nghị gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2023.
Đồng thời, tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên; Lễ hội Du lịch Hà Nội; Hội chợ du lịch Quốc tế tại Việt Nam - VITM Hanoi; Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 19; Hội chợ Du lịch - Ẩm thực và Đặc sản vùng miền Phú Yên 2023; Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ tại TP Nha Trang (Khánh Hòa); Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL tích cực hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng (hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn của đồng bào Raglai, nhà cổ của đồng bào Chăm để kinh doanh du lịch homestay, có quy mô phục vụ từ 10 khách trở lên)…
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Để thu hút du khách với các sản phẩm du lịch mang tính chủ đạo và mới lạ, giai đoạn 2022-2025, Ninh Thuận sẽ phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính: Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù, đó là Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; Du lịch văn hóa di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao và Du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ là du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát - muối (hai sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận); du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch”.
Mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỉ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh. Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỉ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy định hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có đăng ký hoạt động kinh doanh và kinh doanh du lịch với kinh phí thực hiện trên 21 tỉ đồng.