Quảng Ngãi:

Phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn

NHƯ ĐỒNG

VHO – Phát triển du lịch ở rừng ngập mặn bàu Cá Cái góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh.

Phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn - ảnh 1

Hồi sinh rừng ngập mặn bàu Cá Cái 

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vốn là một đầm nước ngập mặn tự nhiên với diện tích khoảng 110ha. Đây là đầu nguồn của con sông Suốt với chiều dài gần 5km, uốn quanh theo các động cát, núi đồi giáp biển đổ ra cửa biển Sông Đầm.

Tuy nhiên, qua thời gian cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu, loài cây bản địa ở đây là cây cóc trắng - bị suy giảm nghiêm trọng, khiến tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày một nghiêm trọng, các loại thủy sản ven bờ cạn kiệt do không có nơi trú ngụ.

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn nhằm giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2021, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận nguồn kinh phí để thực hiện 3 dự án với tổng kinh phí đầu tư khoảng 33 tỷ đồng được thực hiện tại địa bàn các xã: Bình Thuận, Bình Trị, Bình Đông, Bình Phước (huyện Bình Sơn).

Phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn - ảnh 2

Người dân chèo ghe đưa du khách tham quan

Ông Nguyễn Khương, người dân xã Bình Thuận cho hay, khi dự án phục hồi rừng ngập mặn bàu Cá Cái do Quỹ khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ngãi được triển khai, nhiều người dân địa phương chúng tôi được thuê đi trồng rừng. Vì bàu Cá Cái vốn là một đầm nước nên để trồng cây thì phải tạo luống, dùng tre nứa đóng cọc giữ bùn, mùa mưa người ta phải ngâm mình trong nước bùn để trồng cây.

“Lúc đó có nhiều loài cây được trồng như đước, dừa nước, cóc trắng....nhưng chỉ có cây cóc trắng bản địa là phù hợp với môi trường nơi đây. Dự án đã hồi sinh trở lại và phát huy tác dụng cả về sinh thái -  môi trường và sinh kế cho bà con ở xung quanh”, ông Khương nói.

Từ khi được “hồi sinh”, rừng ngập mặn bàu Cá Cái không chỉ có tác dụng to lớn trong phòng hộ chắn sóng, hạn chế tác hại của thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Bùi Minh Của, Bình Thuận là địa phương nằm trong Khu kinh tế Dung Quất với nhiều công ty, xí nghiệp. Bàu Cá Cái có diện tích cây cóc trắng lớn như “lá phổi xanh”, không những sẽ hạn chế được gió đông từ biển vào, hạn chế cát bay vào nhà dân mà còn đảm bảo môi trường trong lành quanh năm.

“Nhờ có những hàng cây cóc trắng từ rừng gập mặn bàu Cá Cái nên khi có gió bão lượng gió đã giảm đi rất nhiều, nhà cửa của nhân dân được che chắn”, ông Của nói.

Phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn - ảnh 3
Rừng cóc trắng

Để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, nhất là việc khai thác du lịch sinh thái, thời gian gần đây, xã Bình Thuận đã thành lập Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái với sự tham gia của các hộ dân trong khu vực. Tổ này chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế bảo vệ và quản lý, hạn mức khai thác, đồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành thiết kế các tour du lịch, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện. Đồng thời, tổ chức lực lượng bảo vệ không để hành vi khai thác tận diệt, hủy hoại môi trường, hủy hoại rừng.

Nhờ được phục hồi và gìn giữ, Bàu Cá Cái đang là điểm đến thú vị của nhiều du khách gần xa. Du lịch phát triển đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây khởi sắc và cải thiện kinh tế của cộng đồng dân cư.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, để phát triển du lịch tại rừng ngập mặn, cơ quan chức năng các cấp tỉnh Quảng Ngãi cần triển khai một loạt giải pháp tổng hợp nhằm bảo tồn môi trường tự nhiên, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn và bền vững.

Phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng ngập mặn - ảnh 4

Bàu Cá Cái đang là điểm đến thú vị của nhiều du khách gần xa

Thạc sỹ Tô Văn Hạnh, giảng viên khoa Lịch Sử trường Đại học Đà Nẵng, cũng là thành viên Dự án Quỹ môi trường toàn cầu đã có thời gian nghiên cứu cũng như gắn bó với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái cho rằng, trong khu kinh tế, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, xí nghiệp rất cao, nên việc có rừng ngập mặn sẽ giúp môi trường sống của con người cũng như các loài sinh vật, động vật được trong lành hơn. “Rừng ngập mặn khi được phục hồi sẽ có vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển”, ông Hạnh bày tỏ. 

Để rừng ngập mặn phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, Thạc sỹ Tô Văn Hạnh cho rằng, chính quyền các cấp phải tiếp tục mở các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ làm du lịch cho người dân địa phương.

“Ngoài sản phẩm du lịch vốn có, cần tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ du lịch từ thế mạnh vốn có của địa phương như cho du khách trải nghiệm chèo thuyền, đưa câu lạc bộ bài chòi đến phục vụ. Đồng thời, cũng cần để doanh nghiệp vào cuộc để hỗ trợ người dân phát triển du lịch vì chỉ có doanh nghiệp mới có đủ khả năng kết nối các tour du lịch liên vùng, liên tỉnh…”, Thạc sĩ Hạnh nêu quan điểm.