"Thắp sáng" kinh tế ban đêm (Bài cuối):

Phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá

NGUYỄN ANH - NGỌC HÀ

VHO - Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp cho rằng cần những cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp chứ không phải chỉ là những quy định, luật lệ có sẵn liên quan đến vấn đề đất đai, nhân lực, công nghệ như đối với các ngành kinh tế thông thường.

 Cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả

Sau khi lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch đêm, đến nay việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới và khó vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Để có giải pháp căn cơ phát triển du lịch đêm, Bộ VHTTDL đã đề xuất cần giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…

Về sản phẩm du lịch đêm, hiện tại các quy hoạch đã được phê duyệt, nhiều địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Các mô hình sản phẩm về du lịch đêm mà Bộ VHTTDL phê duyệt trong Đề án chỉ mang tính chất hướng dẫn, thí điểm. Chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường là “bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mình có”. Thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thí điểm, từ đó đưa ra giải pháp và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm.

(Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG)

Thời điểm thuận lợi để kinh tế ban đêm Đà Nẵng phát triển

Phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá - ảnh 1
Show trình diễn nghệ thuật kết hợp Jetski & Flyboard tại tổ hợp vui chơi giải trí Da Nang Downtown, Đà Nẵng

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu về phát triển hệ sinh thái đêm. Trên cơ sở đó thành phố đang có những bước đi mạnh mẽ để khơi thông cho kinh tế ban đêm phát triển bền vững. Một trong những trụ cột của kinh tế ban đêm là vấn đề vui chơi giải trí, du lịch đêm cho du khách. Vấn đề này đang được sự quan tâm rất lớn từ Bộ VHTTDL, Chính phủ. UBND TP Đà Nẵng cũng đã có Đề án phát triển kinh tế ban đêm, trong đó nêu rõ định hướng phát triển, các hoạt động vui chơi giải trí gắn với các dịch vụ ban đêm.

Sau thời gian kêu gọi đầu tư, hệ sinh thái đêm của Đà Nẵng thời điểm này có thể được coi là đủ đáp ứng được nhu cầu du khách. Cụ thể như có tuyến du lịch trên sông về đêm, có sản phẩm giải trí đêm, các show diễn nghệ thuật đêm như: Đêm Bà Nà, Hồn Việt, chợ đêm Sơn Trà, phố đi bộ đêm An Thượng, mới đây là phố đi bộ đêm Bạch Đằng các spa, vũ trường, cơ sở mua sắm... Sắp tới, Đà Nẵng sẽ có “Dòng sông ánh sáng” là sản phẩm du lịch mới.

Tuy nhiên để kinh tế ban đêm phát triển mạnh, phong phú và có sức hấp dẫn thì phải đầu tư thêm. Theo tôi, nên tập trung vào các giải pháp như: Đầu tư thêm các show diễn phố đi bộ, các chương trình nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, trung tâm mua sắm lớn, chợ đêm, hoạt động đường phố, điểm tham quan, vui chơi giải trí mới về đêm. Với những điều kiện sẵn có, khó khăn vướng mắc không nhiều, đây là lúc Đà Nẵng cần mạnh mẽ kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lớn bên cạnh các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã sẵn sàng. Cần sớm có quy hoạch riêng cho các dịch vụ đêm từ quy hoạch thành phố đã thông qua. Bổ sung thêm trên cơ sở sẵn có, nhu cầu của du khách và năng lực địa phương, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ đề án kinh tế ban đêm, đề án phát triển du lịch đã ban hành. Rà soát tiến độ triển khai thực hiện, trách nhiệm các sở ngành địa phương... quyết liệt cho các dự án đêm. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành phải phát huy vai trò trong việc tạo chuỗi combo sản phẩm cho du khách trải nghiệm.

(Ông CAO TRÍ DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng)

Đừng làm theo phong trào

Từ thực tế phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm mô hình du lịch đêm ở các địa phương, tôi cho rằng cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá lại quá trình thí điểm với những con số cụ thể xem đã thực sự hiệu quả chưa và đưa ra các giải pháp phù hợp, trước khi thực hiện đại trà. Ví dụ, nên có các tính toán xem khách chi tiêu bao nhiêu cho các dịch vụ đêm, bao nhiêu cho các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm, các chương trình nghệ thuật, các dịch vụ ẩm thực đêm, mua sắm đêm...?

Phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá - ảnh 2
Phố đi bộ Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Không phải chỉ ở 12 địa phương thí điểm, nhiều nơi trên cả nước hiện nay mở chợ đêm, phố đi bộ đêm, phố ẩm thực đêm… nhưng chủ yếu là theo phong trào chứ chưa thực sự hiệu quả. Có những nơi “năm thì mười họa” mới tổ chức sự kiện gì đó, rồi gần như đóng cửa, không hoạt động. Hiệu quả nhất ở Hà Nội là phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng chỉ diễn ra vào dịp cuối tuần. Khách quốc tế hoặc khách nội địa từ nơi xa đến, nếu vào ngày thường thì không biết nó thế nào. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)… cũng không có các hoạt động thường xuyên, đặc sắc ngoài việc thi thoảng tổ chức một sự kiện ẩm thực, lễ hội gì đó. Thế thì không thể gọi là “kinh tế ban đêm” hay “du lịch đêm” được.

Ở Quảng Ninh, phố đi bộ Bài Thơ (phường Bạch Đằng, Hạ Long) ban đầu cũng đông khách. Tuy nhiên, người dân chỉ đến một lần cho biết. Dịch vụ ở phố đi bộ này không phong phú, đa dạng, thiếu tính đặc trưng. Hàng hóa được bày bán chủ yếu kém chất lượng. Khách thưa vắng dần.

(Ông NGUYỄN HÀ HẢI, Giám đốc Hongai Tours Quảng Ninh)

“Cú hích” cho nền kinh tế

Lợi thế của kinh tế ban đêm với trụ cột du lịch đêm là thu hút thêm nhiều du khách và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Nếu biết khai thác, kinh tế đêm mang lại cơ hội phát triển, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải. Tuy nhiên, phát triển kinh tế ban đêm cũng đang phải đối diện với những hạn chế, rủi ro tiềm ẩn như chi phí chăm sóc sức khoẻ, chi phí bảo vệ môi trường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống giám sát an ninh, an toàn. Đầu tư một phố đi bộ đêm, chợ đêm hay một chương trình nghệ thuật đêm không hề rẻ. Bên cạnh đó, một số dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm có âm thanh hoạt động công suất cao, ảnh hưởng tới du khách và sinh hoạt của người dân.

Tôi cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, đột phá mới có thể phát triển hiệu quả kinh tế ban đêm, du lịch đêm. Trong đó, Nhà nước cần chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm. Tập trung các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp; hộ cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, du lịch đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm.

Nghiên cứu, đánh giá tương tác giữa chính sách phát triển kinh tế ban đêm, du lịch đêm và các mô hình, hoạt động kinh tế mới để có những giải pháp toàn diện, đồng bộ. Nghiên cứu các giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm như: Chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho du khách; tận dung các phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội và công nghệ thông tin để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch đêm; tăng cường nhận thức của cộng đồng về lợi ích của phát triển kinh tế ban đêm…

(Ông PHẠM HẢI QUỲNH, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á)