"Thắp sáng" kinh tế ban đêm (Bài 1):
Cần chiến lược, kế hoạch cụ thể
VHO - Phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là du lịch đêm là xu thế tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để “thắp sáng” kinh tế ban đêm cần vượt qua nhiều thách thức với những chính sách, giải pháp đồng bộ.
Trên thế giới, nhiều thành phố lớn đã xác định văn hóa và nền kinh tế ban đêm là huyết mạch của họ. Người dân và du khách thường bị thu hút, “giữ chân” ở các thành phố nổi tiếng vì nền văn hóa sôi động ở điểm đến và những hoạt động, sự kiện sôi động ban đêm và đó là lúc họ có thể trải nghiệm.
Nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, năm 2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Hình thành thương hiệu sản phẩm
Đề án cũng nhằm khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu là đến năm 2025, mỗi địa phương nói trên có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm.
Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông. Hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Để các mô hình du lịch đêm hình thành, hoạt động hiệu quả, Bộ VHTTDL cũng đã đề ra các mô hình phát triển, giải pháp, tổ chức thực hiện. Trong đó, Bộ VHTTDL đã định hướng 5 mô hình phát triển du lịch đêm gồm: Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Một số địa phương cũng đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Các sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào phục vụ, tạo ấn tượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”; “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”; tour tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”; chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; “Phố đêm du thuyền Hạ Long” (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), “Quận 1 - Sắc màu đêm” (TP.HCM)...
Thế nhưng, thực tế ở các địa phương cho thấy, trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Sản phẩm du lịch đêm vẫn còn đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệthuật, giải trí trong và ngoài đường phố vào ban đêm. Việc quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế. Các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào ban đêm.
Vấn đề không mới
Nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới như Nam Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải (Trung Quốc), Montréal (Canada), Las Vegas, New York (Mỹ), London (Anh), Cairo (Ai Cập), Mumbai (Ấn Độ), Buenos Aires (Argentina), ERICesh (Morocco), Paris (Pháp) đã phát triển mạnh nền kinh tế ban đêm đều chọn du lịch, văn hóa là trụ cột.
Trong đó, New York, nổi tiếng với biệt danh “Thành phố không bao giờ ngủ”, là nơi tập trung nền kinh tế, văn hóa lớn và thú vị nhất nước Mỹ. Du khách có thể thỏa thích chọn các câu lạc bộ đêm, quán bar dưới lòng đất, thậm chí cưỡi ngựa nửa đêm yên tĩnh ở công viên Trung tâm. Hệ thống tàu điện ngầm hoạt động 24/24 giờ dễ dàng đưa khách tới cửa hàng tạp hóa, thẩm mỹ viện ngay nửa đêm.
Báo cáo BOP (Cân bằng thanh toán) bao gồm tất cả các giao dịch kinh tế, tài chính, tài sản quốc gia với tất cả các nước trên thế giới trong một giai đoạn, đã phân tích các xu hướng chính định hình nền kinh tế ban đêm ở một số thành phố trên thế giới. Báo cáo xác định 5 lĩnh vực chính có tiềm năng tăng cường sức mạnh nền kinh tế ban đêm của thành phố. Những yếu tố này tạo thành nền tảng, được phát triển và thử nghiệm ở 11 thành phố trên thế giới nhằm hiểu rõ hơn về cách các thành phố đó hoạt động, học hỏi và lấy cảm hứng từ nhau. Đồng thời, đưa ra 9 nghiên cứu điển hình, nêu bật các chính sách và dự án đổi mới về kinh tế ban đêm đang được triển khai ở các thành phố trên thế giới.
Ở đó, văn hóa bản địa, du lịch đêm và nền kinh tế ban đêm là huyết mạch của thành phố. Khi nói đến việc điều tiết và hoạch định chính sách cho nền kinh tế ban đêm, vấn đề không chỉ đơn giản là cuộc sống về đêm nhiều hay ít mà còn là vấn đề văn hóa ít hay nhiều. Các chính sách kinh tế ban đêm, du lịch đêm của các thành phố cần phải được lồng ghép một cách chiến lược trong tầm nhìn kinh tế xã hội rộng hơn của điểm đến và nhu cầu cung cấp trải nghiệm văn hóa phong phú, đa dạng.
Trong quá trình hồi phục và phát triển sau dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo thành phố hàng đầu thế giới đã tìm cách biến nền kinh tế ban đêm trở thành một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tạo ra những thành phố bền vững. Đó là những nơi có chính sách ưu đãi để phát triển văn hóa, khuyến khích sự phát triển và hạnh phúc của con người.
(DAVID ADAM, chuyên gia về phát triển kinh tế, quyền lực mềm và quan hệ quốc tế)
Vai trò của nền kinh tế ban đêm, du lịch đêm là đặc điểm không thể thiếu trong việc phát triển thương hiệu của một thành phố trên thế giới vì nó thể hiện tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế và nhịp độ nhanh của thành phố đó. Khi thành phố chuyển hướng đầu tư vào việc nâng cao cuộc sống về đêm thông qua việc quảng bá các sự kiện, lễ hội, chương trình ánh sáng, công nghiệp sáng tạo và các hoạt động mang lại cảm giác ngạc nhiên cho du khách và người dân.
David Adam, chuyên gia về phát triển kinh tế, quyền lực mềm và quan hệ quốc tế, người có kinh nghiệm phát triển và tư vấn chiến lược cho các thành phố toàn cầu nhận định: “Có thể thấy, cái nhìn sâu sắc về giá trị kinh tế, văn hóa và cộng đồng của nền kinh tế ban đêm và sự đóng góp của nền văn hóa ban đêm ở Vương quốc Anh cũng như ở một số thành phố khác trên thế giới. Trong quá trình hồi phục và phát triển sau dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo thành phố hàng đầu thế giới đã tìm cách biến nền kinh tế ban đêm trở thành một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tạo ra những thành phố bền vững. Đó là những nơi có chính sách ưu đãi để phát triển văn hóa, khuyến khích sự phát triển và hạnh phúc của con người. Công nghiệp giải trí, trải nghiệm cuộc sống và thụ hưởng văn hóa là những yếu tố xếp hạng thành phố cạnh tranh và đưa đến thành công của thành phố đó trong tương lai”.
(Còn tiếp)