Tiên phong “mở khóa” đất công, Hà Tĩnh kích hoạt làn sóng du lịch xanh
VHO - Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay gỡ "nút thắt" về đất đai, Hà Tĩnh đã tiên phong ban hành cơ chế cho thuê đất ngắn hạn không qua đấu giá – bước đi mang tính “cởi trói” đột phá, phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững mà Trung ương đặt ra.
Từ chính sách “cởi trói” đến hành trình đánh thức
Với đường bờ biển dài hơn 137 km cùng hệ sinh thái ven biển đa dạng, Hà Tĩnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch biển hiếm có ở Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, du lịch biển Hà Tĩnh vẫn "ngủ yên" bởi những rào cản về quy hoạch, cơ chế tiếp cận đất đai và thiếu vốn đầu tư quy mô vừa và nhỏ.

Việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Chính phủ xác định rõ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, về thúc đẩy tăng trưởng du lịch hiệu quả, bền vững. Tại Hà Tĩnh, tinh thần này đang được cụ thể hóa bằng những chính sách đột phá, linh hoạt, trong đó nổi bật là cơ chế cho phép thuê đất ngắn hạn không qua đấu giá tại các vùng có tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện hình thành dự án lớn.
Thay vì chờ đợi “đại bàng”, tỉnh đã chủ động trao cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ tiếp cận đất công để triển khai mô hình du lịch cộng đồng, homestay, tổ chức sự kiện, trải nghiệm sinh thái, văn hóa biển...., không chỉ giúp tiết giảm chi phí đầu tư mà còn rút ngắn thời gian triển khai, tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời bảo vệ cảnh quan – di sản tại chỗ.

Chính sách này được đánh giá là bước “cởi trói đúng lúc”, nhất là trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, quy hoạch ở nhiều nơi chưa hoàn chỉnh. Quan trọng hơn, nó thể hiện rõ thông điệp của Hà Tĩnh: không vì mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn mà bỏ lỡ cơ hội dài hạn của ngành du lịch.
Lan tỏa đến các vùng biển tiềm năng
Khởi đầu cho chính sách “cho thuê đất không đấu giá”, theo ghi nhận của Báo Văn Hoá, vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với các địa phương, xin khảo sát và tìm hiểu thủ tục thuê đất ngắn hạn để đầu tư làm du lịch.

“Khi tỉnh Hà Tĩnh có chính sách thuê đất không qua đấu giá, doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi. Tôi đang khảo sát vùng biển Kỳ Ninh để làm thủ tục thuê đất, xây nhà nghỉ; dịch vụ giải trí, thể thao, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn và công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp Vũng Áng”, ông Nguyễn Anh Tuấn, một chủ doanh nghiệp trên địa bàn cho biết.
UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, cơ chế này sẽ được áp dụng có chọn lọc, phù hợp với từng vùng, từng giai đoạn, ưu tiên các mô hình phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường, tôn trọng di sản và có khả năng sinh kế thực chất cho người dân.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, thì chính sách này của Hà Tĩnh chính là chìa khóa “kích hoạt” tài nguyên bản địa, tạo động lực nội sinh cho phát triển du lịch, đúng như tinh thần mà Trung ương yêu cầu: “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy người dân làm chủ thể, lấy tài nguyên làm nền tảng”.