Không gian phát triển mới, tiềm năng lợi thế để Du lịch Ninh Bình “cất cánh”
VHO - Tỉnh Ninh Bình mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định đã mở một không gian phát triển mới, một cơ hội rất lớn để Ninh Bình khai phá những tiềm năng, thế mạnh sẵn có từ đó tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho ngành du lịch.

Tiềm năng lớn, lợi thế nhiều
Tỉnh Ninh Bình mới có diện tích gần 4.000 km2, dân số trên gần 4 triệu người và có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ. Nằm trong hành lang phát triển kinh tế, du lịch Bắc Bộ và là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh được đầu tư tương đối hiện đại, đồng bộ.
Ninh Bình sở hữu riêng cho mình hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và độc đáo bậc nhất miền Bắc như: Các khu du lịch tâm linh nổi tiếng chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính, Phủ Giầy, đền Trần.... Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An, di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, Ninh Bình có hệ sinh thái đa dạng từ rừng nguyên sinh, sông hồ, đồng bằng đến biển. Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Vườn quốc gia Xuân Thủy đều là những vùng sinh thái tiêu biểu mang tầm vóc khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, không gian du lịch của tỉnh Ninh Bình hiện trải dài từ miền núi, trung du, đến đồng bằng, sinh thái ngập nước và tới khu vực ven biển giàu tiềm năng nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá và trải nghiệm. Hiện toàn tỉnh có gần 5.000 di tích đã kiểm kê, trong đó có 8 Di tích quốc gia đặc biệt, cùng 33 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nổi bật là “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” được UNESCO công nhận.
Vùng đất này cũng là trung tâm kết tinh văn hóa vùng châu thổ, ven biển Bắc Bộ với mạng lưới lễ hội truyền thống, làng nghề đặc sắc như dệt Nam Định, đá mỹ nghệ Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên… Ẩm thực phong phú như phở bò Nam Định, dê núi Ninh Bình, cá kho Vũ Đại... và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hát chèo, chầu văn, ca trù được bảo tồn, phát triển tốt.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh khẳng định: Tỉnh Ninh Bình hội tụ đầy đủ điều kiện “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành trung tâm du lịch văn hóa, sinh thái, tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu xuyên suốt
Ông Quách Thế Hải, Trưởng phòng Quản lý lưu trú Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình với vai trò “Điểm đến du lịch Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới” gắn với hình ảnh, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư, đền Trần, phủ Giầy, chùa Tam Chúc, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Đặc biệt phát huy danh hiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và Di sản Tràng An và các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Điều quan trọng nữa tổ chức lại lãnh thổ du lịch với việc xác định lại các vùng chức năng, chú trọng phát triển gắn với đô thị trung tâm du lịch và hướng ra biển, tạo ra bốn trục giá trị “cốt lõi”.
Trục thứ nhất, trục di sản văn hóa, tôn giáo, lịch sử, phát triển thành trục Bắc – Nam xuyên tỉnh, kết nối đền Trần, chùa Keo, Phủ Giầy, nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ đá Phát Diệm, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, Sở Kiện, Đền Dâu. Trục này đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch tâm linh, văn hóa và lễ hội quy mô lớn.
Trục thứ hai, trục di sản thiên nhiên, sinh thái, bảo tồn, ngoài việc kết nối Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Cồn Nổi, Vườn quốc gia Xuân Thủy, mở rộng sang Thung Nham, kênh Gà và các vùng đệm sinh thái. Trục này phát triển theo hướng du lịch sinh thái, trải nghiệm, giáo dục môi trường, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu.
Trục thứ ba, trục du lịch nông thôn, cộng đồng, ven biển, trải dài từ vùng cói – muối Kim Sơn, Giao Thủy đến các làng nghề truyền thống Nam Trực, Ý Yên, Yên Mô, Thanh Liêm… Trục này có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, tạo sinh kế tại chỗ cho người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng ven biển.
Trục thứ tư, trục du lịch sáng tạo, văn hóa đương đại, công nghệ cao, kết nối các không gian di sản với không gian sáng tạo mới tại trung tâm Ninh Bình, Tràng An, Tam Chúc, Phủ Lý và Nam Định. Đây là cơ hội để xây dựng các lễ hội âm nhạc, nghệ thuật đa ngành, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế đêm, du lịch số và các mô hình kinh tế trải nghiệm.
Nhiệm vụ và giải pháp
Theo PGS.TS Trần Đức Thanh, Chuyên gia Du lịch, trong thời gian tới Ninh Bình cần quan tâm, chú trọng hơn nữa yếu tố con người trong phát triển du lịch. Bởi vì, chính người dân bản địa mới là người trực tiếp gìn giữ văn hoá, truyền thống, nét đẹp của các sản phẩm văn hoá, loại hình du lịch và cũng chính họ là người giới thiệu, chia sẻ, lan toả những nét đẹp đó đến với du khách.

TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững, Ninh Bình cần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh như: sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với di sản, di tích, lễ hội, làng nghề, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống và phong tục tập quán địa phương.
Tập trung, phát triển các sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên, khám phá các hang động, đa dạng sinh học, phong cảnh làng quê, du lịch biển, núi… Đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, kết hợp chữa bệnh, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, có quy mô, tầm cỡ, chất lượng cao.
Phát triển các tổ hợp vui chơi giải trí, đặc biệt các sản phẩm giải trí ban đêm (night tour, phố đi bộ, phố ẩm thực đêm) tại phường Hoa Lư, Nam Định, Phủ Lý. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh du lịch sự kiện, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp công đồng, xanh và bền vững.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế đó, trước mắt cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch một cách hiện đại hơn, đồng bộ hơn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển du lịch cùng với công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Không ngừng, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng và quốc tế.