"Thắp sáng" kinh tế ban đêm (Bài 2):

Vẫn còn lúng túng

KHÁNH CHI

VHO - Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch đêm và quyết tâm thúc đẩy kinh tế ban đêm nhưng nhiều địa phương hiện nay vẫn đang lúng túng, chưa triển khai hiệu quả mô hình sản phẩm du lịch đêm. Quảng Nam là một ví dụ.

Vẫn còn lúng túng - ảnh 1
Trình diễn ánh sáng ở Đảo ký ức Hội An

Thiếu vắng khung pháp lý

Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam thừa nhận: “Phát triển kinh tế ban đêm là sự cần thiết để phát triển kinh tế - du lịch cho địa phương. Thế nhưng, tại Quảng Nam, hầu như không có hoạt động nào sôi nổi, thậm chí, trong các khu vực được quy hoạch lại thiếu vắng những chợ đêm với quy mô vài chục gian hàng, hoặc những con phố ẩm thực bài bản”.

Trong vùng lõi của phố cổ Hội An có một số điểm biểu diễn nghệ thuật, hoạt động du lịch, ẩm thực đêm nhưng đa số các hoạt động ở nơi đây được tổ chức dưới các hình thức như ăn uống, dạo đêm, tụ điểm ca nhạc quy mô nhỏ, chưa trở thành một sản phẩm du lịch đêm độc đáo. Sản phẩm và các dịch vụ về đêm không đa dạng, phong phú, các hoạt động vui chơi giải trí và các hoạt động mang tính “hội” còn quá khiêm tốn. Các hoạt động này cũng không thường xuyên để tạo nên một thương hiệu đủ mạnh, có khả năng thu hút sự quan tâm, tạo ra ấn tượng cho du khách, chưa hình thành được các khu phố đêm rực rỡ để níu chân du khách.

Theo ông Sơn, nguyên nhân gây nên thực trạng này có rất nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý, từ chính quyền địa phương. Nhất là thiếu cơ chế và chính sách hỗ trợ, quy hoạch những phân khu để phát triển kinh tế ban đêm, hình thành các sản phẩm du lịch đêm.

Có thể lấy ví dụ tại Hội An, các cơ chế hiện tại chỉ phản ánh phần nào sự áp đặt để phát triển kinh tế cho địa phương thông qua một số hoạt động dịch vụ bổ sung tại một số điểm du lịch chủ yếu ở khu vực bên trong phố cổ Hội An như thả đèn hoa đăng, hát bài chòi hoặc du thuyền kiểu tự phát và thiếu an toàn dọc sông Hoài. Hiện nay, vẫn thiếu vắng khung pháp lý và các giải pháp quản lý hiệu quả các hoạt động kinh tế ban đêm, từ dịch vụ, thời gian hoạt động, khu vực được phép tổ chức các hoạt động, đến các chủ thể tham gia vào phát triển hoạt động kinh tế ban đêm. Cũng chưa có các tiêu chí cụ thể về tiếng ồn, ánh sáng, khoảng cách các khu vui chơi giải trí đối với các khu đông dân cư, hoặc biện pháp kiểm soát và chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng, chuẩn mực xã hội… dẫn đến sự mất an ninh, an toàn và dễ gây ra các tệ nạn xã hội.

Chính vì thế, khi chưa có cơ chế và công cụ quản lý hiệu quả, chính quyền địa phương thường áp dụng hình thức cấm hoặc không cho phép tổ chức hoạt động. Và từ đó, bài toán về vừa phát triển kinh tế - du lịch, vừa đảm bảo an toàn - trật tự xã hội vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng, khoa học, bắt kịp với xu thế của thời đại.

Vẫn còn lúng túng - ảnh 2
Hò Bài chòi tại khu vực phố cổ Hội An

Còn thiếu đánh giá nhu cầu và mong muốn từ du khách

 Khi xây dựng phát triển kinh tế ban đêm, sản phẩm du lịch đêm Hội An cần vượt qua cách suy nghĩ làm dịch vụ thông thường như ăn, uống, vui chơi ồn ào mà cần thúc đẩy các sản phẩm có tính nghệ thuật cao như dùng ánh sáng và âm nhạc nhẹ nhàng kể câu chuyện lịch sử phố cổ với những không gian phù hợp... Không gian phát triển sản phẩm du lịch đêm cần mở rộng, chọn những khu vực biển xa dân cư sinh sống như biển Cửa Đại, An Bàng.

(Ông PHAN XUÂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam)

Theo “Đề án Phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm” được Bộ VHTTDL ban hành, TP Hội An là một trong 12 trung tâm du lịch được quy hoạch để thúc đẩy loại hình này từ nay đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 Hội An phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Việc Hội An được Bộ VHTTDL quy hoạch phát triển du lịch đêm là một thông tin tích cực và là cơ hội, tạo đòn bẩy cho du lịch Hội An phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Một số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hội An nhận xét, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Hội An hiện nay đang tổ chức nhưng thiếu đánh giá nhu cầu và mong muốn từ du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng chưa có những đánh giá mang tính khoa học, bài bản với các số liệu thống kê hoặc báo cáo cụ thể về đóng góp của hoạt động kinh tế ban đêm đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó đưa ra những cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch đêm; quy hoạch, xây dựng những khu vực riêng biệt, quy mô; có những hoạt động phong phú hơn, an toàn hơn, có kiểm soát để bổ trợ cho các hoạt động tham quan, du lịch của du khách tại Hội An.

Ông Steven Garison (du khách quốc tịch Thụy Sĩ) chia sẻ: “Tôi có thời gian lưu trú dài hơn 2 tháng tại Hội An. Ban ngày, tôi dành thời gian khám phá phố cổ, tham quan các làng nghề, tắm biển… Nhưng thú thật ban đêm muốn tìm chỗ để giải trí vui chơi rất khó. Sản phẩm du lịch đêm của Hội An còn đơn điệu, trầm lắng, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Nói đúng ra mới chỉ là sản phẩm du lịch “nửa đêm” vì đến tầm 11-12 giờ đêm là các cơ sở dịch vụ ở khu phố cổ đã đóng cửa không phục vụ theo quy định”.

Các nhóm khách châu Âu, cộng đồng người nước ngoài làm việc tại Hội An thường cũng chỉ hẹn nhau đến một quầy bar nào đó ở biển, hoặc trong phố cổ uống với nhau vài chai bia, còn hầu như không có hoạt động vui chơi, giải trí gì hấp dẫn hơn. Một số chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Công viên Đồng Hiệp, Đảo Ký ức Hội An… khá hoành tráng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách nhưng cũng chỉ xem một lần là đủ. Sự đơn điệu các hoạt động về đêm khó lưu giữ khách ở lại lâu hơn. Nhất là khách đến từ châu Âu, Bắc Mỹ - những nơi trái múi giờ với Việt Nam, hầu như bỏ ngỏ tiềm năng khai thác khả năng chi tiêu, mua sắm của khách cho hoạt động về đêm.

“Nếu có những khu sản phẩm du lịch đêm hoạt động đúng nghĩa từ 6 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau. Có những hoạt động, dịch vụ bổ trợ như ngân hàng, y tế, lực lượng an ninh, các quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho du khách, an ninh địa phương thì tôi nghĩ Hội An là điểm đến với các sản phẩm tiềm năng rất lớn, khai thác được chi tiêu của du khách vào ban đêm, giữ chân du khách lâu hơn nữa”, ông Steven Garison nói.

Theo ông Văn Bá Sơn, Quảng Nam rất có dư địa để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đêm, tạo ra một thương hiệu du lịch riêng, độc đáo của Quảng Nam. Tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết phát triển kinh tế ban đêm, du lịch đêm của tỉnh. Trong giai đoạn trước mắt, hoạt động kinh tế ban đêm có thể khởi nguồn, bắt đầu từ việc xây dựng các khu phố kết nối phố cổ Hội An đến thị xã Điện Bàn và Đà Nẵng theo trục ven biển. Trong đó, lấy khu du lịch An Bàng (Hội An) làm trung tâm với các hoạt động văn hóa, ẩm thực có biểu diễn tạp kỹ. Cần thiết phải sớm quy hoạch hoặc xây dựng những khu phố mới chạy dọc ven biển, phát triển thành khu phố đi bộ với các trung tâm mua sắm, cửa hàng bán các đặc sản địa phương xen kẽ với các khu vui chơi giải trí, những con phố đi bộ. Xa hơn, có thể phát triển khu vực từ phía Nam cầu Cửa Đại. Lấy khu Nam Hội An, mà trung tâm là Khu nghỉ dưỡng Hoiana làm điểm nhấn và phát triển lan tỏa dọc theo trục đường về Hội An và về phía Khu du lịch Vinpear Land Nam Hội An.

(Còn tiếp)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc