Mối liên kết nhà trường - cộng đồng trong phát triển du lịch học tập cộng đồng
VHO - Vai trò, vị trí của nhà trường, cộng đồng và các bên liên quan trong xây dựng và phát triển chương trình du lịch học tập cộng đồng - du lịch giáo dục là chủ đề được đề cập tại hội thảo “Xây dựng và phát triển chương trình du lịch học tập cộng đồng, du lịch giáo dục với các trường đại học” đã diễn ra tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Hội thảo do Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm Hội An, Chương trình tài trợ dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Lan tỏa mô hình du lịch học tập cộng đồng
Nhiều góc nhìn về giải pháp phát triển mô hình du lịch học tập cộng đồng trên địa bàn khu sinh quyển và mạng lưới du lịch cộng đồng vùng Trung Bộ; Sự gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng trong phát triển mô hình du lịch học tập cộng đồng được chia sẻ tại hội thảo đã làm rõ hơn câu chuyện về giáo dục và phát triển cộng đồng.
Du lịch học tập cộng đồng được khởi đầu từ những lớp học thực địa về sinh thái biển và cộng đồng ở Cù Lao Chàm-Hội An, bằng những nỗ lực gắn kết cộng đồng với công tác bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động hướng đến canh tác nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh, mô hình này đã bắt đầu lan rộng dần vào Cẩm Thanh, Cẩm Kim (Hội An), lên Hòa Bắc (thành phố Đà Nẵng) và rồi ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Sa Huỳnh, Bình Sơn, không chỉ là phạm vi địa lý mà còn con số du khách là sinh viên, học sinh, người tìm hiểu văn hóa, thiên nhiên với tỷ trong từ 10-15% trong tổng số khách du lịch đến các địa phương trên,…
Nhiều ý kiến nhận định du lịch học tập cộng đồng hỗ trợ sự bền vững của phát triển du lịch, là công cụ cho sự phát triển chung của cộng đồng, không chỉ có nhà quản lý, doanh nghiệp, bảo tồn, khoa học mà còn người dân. Công cụ này với chức năng là tập hợp lực lượng, xây dựng, phát triển sự đồng thuận và thúc đẩy sáng tạo trên cơ sở hợp tác, nhằm phát huy tổng hợp giá trị tài sản cộng đồng. Vì nó là công cụ của sự phát triển mà chính yếu là con người, nên yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy du lịch học tập cộng đồng, đầu tiên là phải nói đến sự liên kết giữa cộng đồng và nhà trường.
Sự gắn kết giữa cộng đồng- nhà trường trong du lịch học tập cộng đồng
Du lịch cộng đồng thực sự đã và đang trở thành công cụ để phát triển cộng đồng, thông qua sự tham gia của người dân, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác sử dụng hợp lý nguồn lợi, chia sẻ lợi ích, công bằng. Giá trị truyền thống văn hóa được gìn giữ và phát huy một cách sáng tạo.
Theo đại diện Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, vai trò của nhà trường trong phát triển các mô hình du lịch học tập cộng đồng như: Đào tạo nguồn nhân lực; Kết nối nguồn lực như nhà quản lý-nhà khoa học-cộng đồng; Hỗ trợ phát triển,…
Cộng đồng và trường học được gắn kết để xây dựng và phát triển, bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ tương lai. Du lịch học tập cộng đồng là cầu nối giữa nhà trường và cộng đồng. Ở đó, cộng đồng là chủ, khách là trường học và trường học gửi học trò về. Học trò cũng là du khách đối với cộng đồng thông qua du lịch học tập cộng đồng. Và cộng đồng bây giờ đã là trường học. Người thầy của du lịch học tập cộng đồng tại địa phương chính bà con tại một số các Tổ cộng đồng, Hợp tác xã Nông nghiệp Sinh thái và Du lịch Cộng đồng,…
Khu sinh quyển Cù Lao Chàm dần trở thành trung tâm du lịch học tập cộng đồng
Như một hạt nhân, du lịch học tập cộng đồng được khởi nguồn từ Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (CBR) bắt đầu bằng các nhóm sinh viên, tình nguyện viên nghiên cứu, trong và ngoài nước, dần đến các lớp học tập được tổ chức rộng rãi trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Trưởng ban Quản lý CBR, mối liên kết đa ngành và sự hợp tác giữa các cộng đồng đã thúc đẩy nhiều dự án phát triển cộng đồng trên địa bàn Hội An, trong đó du lịch học tập và cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Với thế mạnh này, CBR đã hỗ trợ, phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương, kết nối giữa cộng đồng và các bên liên quan để đáp ứng được nhu cầu học tập và phát triển bền vững. Phát huy được thế mạnh của một trung tâm du lịch cộng đồng trên địa bàn khu sinh quyển.
Một sứ mệnh quan trọng của CBR là giáo dục cho thế hệ trẻ, những người chủ thực sự của Khu sinh quyển trong tương lai có một hiểu biết chính xác về những giá trị của Khu sinh quyển, đây là tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu. Thành phố Hội An đã đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác giáo dục và đạt được những thành tựu quan trọng.
Đại diện HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Kim Bồng, Cẩm Kim (Hội An) cho biết, trong các sản phẩm dịch vụ ở cộng đồng Cẩm Kim còn có cả yếu tố giáo dục, đào tạo, đây là một sứ mệnh quan trọng của cộng đồng để lan tỏa tình yêu, tinh thần và câu chuyện cộng đồng đã đoàn kết, xây dựng nên.
Trong đó nhấn mạnh, sự tham gia của cộng đồng sẽ làm nên một ngôi trường cộng đồng thực sự. Các giá trị tri thức, văn hóa truyền thống, giá trị của làng nghề và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, công tác bảo tồn và nội lực cộng đồng được phát huy thông qua chương trình du lịch học tập cộng đồng.
Trong 2 năm, cộng đồng đã đón với hơn 4.000 khách, các các đoàn sinh viên, học sinh, gia đình, các đoàn nghiên cứu, học tập; Đặc biệt, có các đoàn khách đến từ các trường Đại học ở Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapo, Thái Lan … đến tham quan, học tập.