Quảng Nam:
Dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch nông thôn bền vững
VHO - Hiện nay, du lịch nông thôn tại Quảng Nam được đánh giá là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng để kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương, đóng góp vào sự tăng trưởng của GDP, tạo việc làm cũng như giảm tính thời vụ của du lịch, thúc đẩy du khách đến các điểm đến mới.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để các mô hình du lịch (DL) nông thôn được định vị và phát triển theo hướng bền vững, cần đi kèm sản phẩm đậm chất văn hóa bản địa. Trong đó, bảo vệ môi trường gắn với duy trì bản sắc văn hóa địa phương là yếu tố quan trọng trong phát triển DL nông thôn tại Quảng Nam.
Cộng đồng cùng bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa
Những mô hình đã thành công vẫn bảo tồn cảnh quan, không gian của làng quê điển hình xứ Quảng; giữ gìn và phát triển sản phẩm truyền thống chủ đạo của làng nghề, nghệ nhân gắn bó với làng để thực hành, trao truyền, giới thiệu về văn hóa của làng cho du khách và thế hệ trẻ của làng.
Quan trọng hơn nữa là sự chung tay của cộng đồng, sự hỗ trợ của chính quyền cùng với cộng đồng định hình sản phẩm du lịch, do chính người dân làm chủ, cùng khai thác, cùng hưởng lợi,…
Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), du lịch nông thôn là một loại hình hoạt động du lịch trong đó trải nghiệm của du khách liên quan đến nhiều sản phẩm liên kết với hoạt động tự nhiên, nông nghiệp, lối sống và văn hóa nông thôn.
Có thể nhắc đến những mô hình làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì sản xuất, kết hợp khai thác đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp làm du lịch đã định vị được thương hiệu ở Quảng Nam như: Làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu- Cẩm Thanh (Hội An), làng cổ Lộc Yên ( Tiên Phước), đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), chiếu Bàn Thạch, lụa Mã Châu (Duy Xuyên), những làng DLCĐ ở khu vực các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My,…
Điểm thu hút của các điểm đến du lịch nông thôn nói trên chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.
Những mô hình tiêu biểu nói trên được hình thành, phát triển dựa vào khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên, gắn với các giá trị văn hóa sinh thái nông nghiệp, nông thôn khác biệt của từng địa phương. Cùng với đó là những đặc trưng văn hóa của từng vùng đất để tạo ra điểm đến, sản phẩm tour tuyến mới lạ, hấp dẫn, làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch địa phương.
Ông Mai Văn Tuấn, một nông dân ở làng rau Trà Quế cho rằng xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn không chỉ đem lại lợi ích cho địa phương mà bản thân mỗi người dân cũng có thu nhập tăng thêm nhờ làm dịch vụ, sản xuất nông nghiệp cũng có lợi nhuận hơn.
Từ đó người dân gắn bó hơn với mảnh vườn, giữ gìn nghề trồng rau Trà Quế đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo vệ cảnh quan, môi trường để làm mô hình du lịch nông nghiệp xanh- sạch. Du khách, doanh nghiệp tham gia cũng có trách nhiệm cùng người dân gìn giữ môi trường, bảo tồn tài nguyên, di sản nghề, các di tích lịch sử văn hóa.
Phát triển nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Quảng Nam đến năm 2030 tập trung theo 3 nhóm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính, sản phẩm du lịch bổ trợ.
Trong nhóm sản phẩm du lịch chính sẽ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch biển,
Cụ thể, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp tham quan, trải nghiệm bản sắc văn hóa cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với di sản, di tích, lễ hội, làng nghề: Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, theo đó sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn đã hình thành.
Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực có tiềm năng.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: Lễ rước cộ Bà Chợ Được, Lễ hội cầu ngư ở các địa phương ven biển, lễ hội Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu (Hội An), Liên hoan âm vang cồng chiêng (Nam Giang), Lễ hội Văn hoá Bhoong (Phước Sơn)…;
Các làng nghề như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, đèn lồng Hội An, làng yến Thanh Châu (Hội An), làng chiếu chẻ Triêm Tây, làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), làng nghề dệt vải, tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên), làng dệt thổ cẩm Zơra (Nam Giang)…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia du lịch, để đảm bảo khai thác, phát triển hoạt động nông nghiệp thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn cần đến những yếu tố như: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến) phải chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo các yếu tố môi trường, hệ sinh thái, kết nối với các điểm du lịch khác.
Phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch; Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn,…