Việt Nam - Malaysia:

Mở rộng cánh cửa trao đổi khách, kiến tạo chuỗi giá trị mới trong du lịch

CẨM TÚ; ảnh: HỒNG HẠNH

VHO - Trong bối cảnh ngành Du lịch toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối điểm đến, trao đổi khách giữa các quốc gia trở thành chiến lược sống còn để tái thiết chuỗi giá trị du lịch.

Mở rộng cánh cửa trao đổi khách, kiến tạo chuỗi giá trị mới trong du lịch - ảnh 1
Cuộc gặp gỡ cởi mở giữa Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC) tại Hà Nội

Cuộc gặp gỡ cởi mở giữa Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC) vừa qua nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Sri Tiong King Sing tới Hà Nội là một bước đi thực chất, mở ra chuỗi hoạt động hợp tác đa chiều, thiết thực giữa hai nền du lịch đang giàu tiềm năng bổ trợ lẫn nhau.

Cơ hội lớn từ hai thị trường có tính kết nối cao

Malaysia là điểm đến giàu bản sắc, đa văn hóa với hệ sinh thái du lịch Halal phát triển bậc nhất khu vực, cùng mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp và chính sách visa cởi mở.

Trong khi đó, Việt Nam với 2 thị trường du lịch chính là Hà Nội và TP.HCM đang chứng kiến làn sóng du lịch outbound bùng nổ, với nhu cầu ngày càng đa dạng về trải nghiệm, từ nghỉ dưỡng cao cấp, khám phá văn hóa đến du lịch thể thao, sức khỏe.

Đây chính là điểm chạm quan trọng khiến cho sự gặp gỡ giữa hai bên không đơn thuần là trao đổi thiện chí, mà là “đúng người, đúng thời điểm”.

Bộ trưởng Sri Tiong King Sing phát biểu: “Chúng tôi chào đón du khách Việt Nam đến với Malaysia trong năm 2026 - năm bản lề của du lịch Malaysia”.

Đó chính là lời mời mở ra hành trình dài hơi cho hai quốc gia tăng cường kết nối du lịch - một trong những cầu nối bền chặt nhất của văn hóa và kinh tế.

Mở rộng cánh cửa trao đổi khách, kiến tạo chuỗi giá trị mới trong du lịch - ảnh 2
Đoàn công tác của Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia do Bộ trưởng Sri Tiong King Sing (thứ 3 từ trái sang) dẫn đầu

Hợp tác thực chất, giải pháp cụ thể

Trong buổi làm việc, các đề xuất mà Chủ tịch HUTC Trương Quốc Hùng đưa ra không những mang tính định hướng mà đã đi thẳng vào những giải pháp rất cụ thể, có thể triển khai ngay.

“Malaysia hiện không thiếu điểm đến đẹp, nhưng điều du khách Việt mong muốn không chỉ là danh thắng, mà là những “trải nghiệm khác biệt”. Vì vậy, việc tổ chức đoàn khảo sát dành cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đến những điểm đến mới, sáng tạo và ít phổ biến hơn ở Malaysia sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng tour tuyến mới, tránh trùng lặp và gia tăng giá trị cho cả hai bên”, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.

Hơn thế, thay vì chỉ quảng bá đơn lẻ, việc khảo sát đi kèm các chương trình B2B trực tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp 2 bên xây dựng sản phẩm thực chiến, điều mà các chiến dịch quảng bá thông thường chưa thể đáp ứng đầy đủ.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng golfer Việt Nam trong những năm qua cũng mở ra cơ hội lớn để khai thác loại hình du lịch golf kết hợp nghỉ dưỡng.

Malaysia có hệ thống sân golf chuẩn quốc tế, khí hậu ôn hòa và vị trí địa lý gần Việt Nam, hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho phân khúc khách cao cấp này.

Việc tổ chức các giải đấu giao hữu quốc tế, tour golf ngắn ngày (3-5 ngày) hoặc tour kết hợp du lịch-thi đấu-nghỉ dưỡng có thể đưa Malaysia trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Thái Lan hay Trung Quốc.

Mở rộng cánh cửa trao đổi khách, kiến tạo chuỗi giá trị mới trong du lịch - ảnh 3
Chủ tịch HUTC Trương Quốc Hùng (thứ 4 thừ phải sang) và các lãnh đạo, Ban chuyên môn của HUTC

Biến “Đêm Malaysia” thành Lễ hội du lịch quy mô tại Việt Nam

Thay vì chỉ tổ chức một đêm giới thiệu du lịch như thông lệ, Câu lạc bộ HUTC đã gợi mở việc nâng tầm Đêm Malaysia (Malaysia Travel Fest) thành một lễ hội du lịch-văn hóa Malaysia tại Việt Nam.

Hoạt động này có thể kết hợp trình diễn ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống, hoạt động trải nghiệm và gặp gỡ doanh nghiệp du lịch.

Nếu tổ chức tốt, Malaysia Travel Fest hoàn toàn có thể trở thành sự kiện thường niên, thu hút sự chú ý không chỉ từ du khách, doanh nghiệp mà còn cả báo chí và các youtuber về du lịch.

Bộ trưởng Sri Tiong King Sing rất ủng hộ ý tưởng này và cho rằng đây là giải pháp thiết thực để du lịch Malaysia tới gần hơn với người dân Việt Nam và là cơ hội để 2 bên thúc đẩy lượng khách 2 chiều.

Mở rộng cánh cửa trao đổi khách, kiến tạo chuỗi giá trị mới trong du lịch - ảnh 4
2 bên đã thảo luận các nội dung hợp tác cụ thể thời gian tới để thúc đẩy trao đổi khách 2 chiều

Cần một chiến lược trao đổi khách bền vững

Bên cạnh các chương trình ngắn hạn, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Malaysia cần được nâng lên tầm chiến lược, thông qua các giải pháp trung, dài hạn.

Trong đó, có thể thiết lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch song phương (Vietnam - Malaysia Tourism Hub), nơi cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý, kết nối đối tác, đào tạo nhân lực Halal, outbound, golf… đặt tại Hà Nội, TP.HCM hoặc Kuala Lumpur.

Phối hợp triển khai chiến dịch xúc tiến chung trên nền tảng số. Thay vì quảng bá riêng lẻ, hai bên nên hợp tác tổ chức các chiến dịch quảng bá số hóa (digital marketing); tạo nội dung hấp dẫn trên nền tảng mạng xã hội, khai thác lực lượng KOLs, Travel Blogger của cả hai nước để lan tỏa hình ảnh du lịch một cách gần gũi, sinh động.

Tổ chức các Diễn đàn hợp tác du lịch Việt Nam - Malaysia định kỳ. Đây sẽ là nơi chia sẻ thông tin, chính sách mới, xu hướng thị trường, kết nối các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến, truyền thông, qua đó định hình các chiến lược hành động chung.

Hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Malaysia không chỉ là việc luân chuyển khách qua biên giới. Đó là câu chuyện về chia sẻ giá trị văn hóa, về phát triển bền vững, về kiến tạo sản phẩm mới và nâng cao năng lực doanh nghiệp hai bên. Và quan trọng hơn cả, đó là sự đồng hành.

Với vai trò “cầu nối chiến lược”, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tiếp tục khẳng định uy tín và năng lực kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với đối tác quốc tế, trong đó có Malaysia - một quốc gia có nền du lịch phát triển đa dạng và giàu tiềm năng liên kết.

Cuộc gặp gỡ này có thể xem là “điểm kích hoạt” cho chuỗi hành trình hợp tác sâu rộng, thiết thực và bền vững hơn nữa giữa hai quốc gia. Và nếu biết tận dụng tốt cơ hội này, cả Việt Nam và Malaysia sẽ cùng hưởng lợi từ một thị trường du lịch mở, thân thiện và giàu giá trị nhân văn trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc