Lâm Đồng: Rà soát, đánh giá hoạt động du lịch canh nông

THÀNH KHIÊM

VHO - Chiều 17.10, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá việc phát triển hoạt động du lịch canh nông (DLCN) trên địa bàn tỉnh.

Lâm Đồng: Rà soát, đánh giá hoạt động du lịch canh nông - ảnh 1
Hội nghị rà soát, đánh giá việc phát triển hoạt động DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả rà soát, đánh giá việc phát triển DLCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng thời, tập trung  thảo luận, trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển sản phẩm DLCN, cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong đầu tư, hoạt động.

Theo đó, kể từ năm 2015 khi UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình DLCN trên địa bàn, đã có 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông”.

Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh DLCN vào thàng 12.2023, việc công nhận điểm du lịch (có sản phẩm du lịch canh nông) trên địa bàn tỉnh vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Lâm Đồng: Rà soát, đánh giá hoạt động du lịch canh nông - ảnh 2
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, các mô hình DLCN đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách đến với tỉnh ngày càng nhiều, đồng thời kích thích chi tiêu của khách du lịch ở mức cao hơn và tăng thời gian lưu trú của du khách.

Tại hội nghị, các tổ chức, cá nhân có hoạt động DLCN trong tỉnh cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, mô hình; trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề hoàn thiện các thủ tục xin phép hoạt động, đặc biệt là vấn đề về Luật Đất đai và Xây dựng.

Nhiều ý kiến cho rằng có quá nhiều sự chồng chéo bởi các Luật Du lịch, Đất đai, Xây dựng…Trong khi đó, chính quyền lại không có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình xin cấp phép dẫn đến thủ tục chậm chạp, rườm rà, xin mãi mà không được cấp phép.

Chính vì thế, các tổ chức, cá nhân bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần sớm có hướng dẫn cụ thể để gỡ rối cho vấn đề.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh DLCN trên địa bàn gặp phải trong quá trình hoạt động.

Lâm Đồng: Rà soát, đánh giá hoạt động du lịch canh nông - ảnh 3
Đại diện các tổ chức, cá nhân hoạt động DLCN trên địa bàn nêu ý kiến tại hội nghị

Đồng thời, ông Phạm S cũng chỉ ra một số nhiệm vụ cần làm để phát triển DLCN thành công, đột phá trong thời gian tới gồm: Thứ nhất, hệ thống các tổ chức chính quyền các cấp cần khuyền khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình DLCN. Thứ 2, các cơ quan chức năng cần hiểu và bám vào các quy định hiện hành của luật quy định để hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân. Thứ 3, trên cơ sở quy định của Luật, các chủ thể làm DLCN phải làm đúng theo Luật định để được thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch tỉnh cũng lưu ý Sở TNMT căn cứ vào quy định hiện hành để tham mưu cho UBND tỉnh về quy định về phương án sử dụng đất đai, mục đích trên tinh thần dễ làm, dễ hiểu và có tính khả thi cao.

Đối với Sở VHTTDL cần rút kinh nghiệm để xây dựng bộ tiêu chí công nhận điểm DLCN. Trong đó, các tiêu chí phải phù hợp trong điều kiện thực tế, không quá thách thức, viễn vông nhưng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về phòng cháy chữa cháy và an toàn tính mạng cho du khách.

Ngoài ra, UBND các địa phương cần căn cứ vào các quy định hiện hành, các chương trình hỗ trợ của tỉnh tiếp tục thông tin để mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ biết để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển các mô hình DLCN.