Trái ngọt từ du lịch canh nông
VHO- Sau gần 10 năm triển khai hoạt động thí điểm, hoạt động Du lịch canh nông (DLCN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu mang lại những trái ngọt.
Nhiều khu, điểm DLCN hoạt động khá hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Là địa phương có điều kiện khí hậu đa số mát mẻ quanh năm, chính vì thế Đà Lạt nói riêng cũng như Lâm Đồng nói chung vốn từ lâu đã là thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu ôn hòa cũng thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng ôn đới và rau, hoa cao cấp. Ngành trồng rau, hoa tại Đà Lạt có từ những năm 40 của thế kỷ trước và ngày càng phát triển. Rau, hoa Đà Lạt từ lâu đã được cả nước biết đến như là những sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay, Đà Lạt cung cấp một lượng lớn rau, hoa đến các tỉnh thành trong cả nước, ngoài ra còn xuất đi các nước phát triển đem về một nguồn thu lớn.
Chính từ đó, đã xuất hiện loại hình du lịch gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp (hay còn được gọi ngắn gọn là DLCN). DLCN được hiểu là loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại (giá trị cốt lõi) với mục tiêu giải trí, giáo dục và nâng cao tri thức. Khách tham gia sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi và thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình phải đảm bảo tối thiểu 4 yếu tố: Sự kết hợp giữa ngành du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp; mua bán sản phẩm nông nghiệp để gia tăng sản phẩm du lịch và tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; mang đến tính giải trí, giáo dục và các hoạt động nâng cao tri thức cho du khách...
Đến nay, hoạt động DLCN tại Lâm Đồng đã đem lại nhiều kết quả khá ấn tượng. Theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, các mô hình DLCN trên địa bàn đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm cũng như nhân rộng về quy mô. Đến nay, tổng vốn đầu tư cho các mô hình DLCN đạt khoảng 377 tỉ đồng; diện tích triển khai hơn 302 ha. Một số mô hình trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khả quan trong thời gian qua, đó là việc đã có 3 điểm DLCN đạt được các tiêu chí đặt ra như thu hút trên 500.000 khách tới tham quan và doanh thu đạt 500.000 USD trong một năm.
Hiện nay, các hoạt động DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Tham quan, lưu trú du lịch, tìm hiểu quy trình và tham gia trải nghiệm cùng người nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nông lâm kết hợp và thu hoạch, chế biến nông sản tại địa phương.
Qua tìm hiểu có thể thấy, chỉ tính riêng tại Đà Lạt số cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực DLCN có thể lên đến cả trăm, tuy nhiên trên thực tế, chỉ rất ít trong số đó đã được thẩm định và cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn là khu, điểm du lịch canh nông. Bên cạnh đó, các khu điểm DLCN đã được công nhận trước đó chỉ có thời hạn 3 năm, đến nay đã hết hạn nhưng lại không được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận mới với lý do là ngưng cấp mới để nghiên cứu, ban hành quy chế mới. Chính điều này đã gây hoang mang cho những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực.
Về vấn đề này, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, do hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào từ trung ương nên tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Năm 2021, tỉnh đã ra quyết định 933 về việc ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên đến nay, sau một thời gian đưa vào vận hành, quyết định này đã bộc lộ những hạn chế. Chính vì thế, hiện nay tỉnh đang gấp rút điều chỉnh, lấy ý kiến từ các sở, ngành có liên quan để xây dựng và ban hành Bộ Quy chế chinh thức thay thế cho Bộ Quy chế tạm thời trước đó. “Về các khu, điểm đã được công nhận trước đó đã hết hạn cấp phép, tỉnh đã chỉ đạo sở VHTTDL tiến hành khảo sát, kiểm tra nếu cảm thấy doanh nghiệp vẫn đủ tiêu chuẩn thì tham mưu tỉnh đồng ý để các đơn vị kinh doanh có thể đón khách bình thường”, ông S cho biết thêm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo sở VHTTDL xem xét tính liên kết vùng, từ đó giới thiệu sản phẩm mới, kết nối tour, tuyến với các công ty lữ hành thu hút khách du lịch canh nông; chủ động đề xuất xây dựng mô hình du lịch canh nông kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển DLCN bền vững.
THÀNH KHIÊM