Kỳ vọng bước tiến mới trong hợp tác văn hóa, du lịch Việt - Trung
VHO - Ngày 26.11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã tiếp bà Trần Dịch Quân, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).
Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL Việt Nam và đoàn công tác của Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).
Chào mừng đoàn lãnh đạo Ban Tuyên truyền khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây sang làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, đường liền đường, biển liền biển; lịch sử lâu đời; văn hóa tương đồng”.
Mới đây, Bộ VHTTDL Việt Nam vừa tổ chức Lễ hội Văn hoá và giới thiệu du lịch Việt Nam tại Vân Nam (Trung Quốc) và Chương trình giới thiệu văn hóa và du lịch Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Đây là những sự kiện hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc và "Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung" vào năm 2025. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tham dự 2 sự kiện nói trên.
Tới Quảng Tây, chúng tôi rất xúc động khi thăm di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu quãng thời gian hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại đây và hiểu thêm về nền móng quan hệ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công xây dựng.
Những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gần gũi hơn, có rất nhiều chuyến thăm giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước 2 nước. Kể từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022, chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào tháng 11.2023, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 8 năm 2024, các chuyến thăm cấp nhà nước diễn ra liên tục.
Trong thời gian 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã 2 lần gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Cường với mục tiêu tăng cường hợp tác toàn diện giữa 2 nước, cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt- Trung ngày càng tốt đẹp. Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc nhờ đó không ngừng tăng lên, diễn ra mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
Bộ VHTTDL Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ sang Trung Quốc học tập, giao lưu về thể thao, nghệ thuật, đạt hiệu quả cao. Về du lịch, 2 bên đều là thị trường quan trọng của nhau. Nhiều năm liền, trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch số 1 của Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 5 thị trường gửi khách tới Trung Quốc đông nhất.
“Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch nhưng dư địa phát triển, hợp tác ở các lĩnh vực nói trên của 2 nước là rất lớn. Tôi tin rằng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới để tương xứng với tiềm năng dồi dào và truyền thống tốt đẹp, lâu đời giữa 2 nước Việt - Trung”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Trung Quốc là cường quốc hàng đầu thế giới, Việt Nam là cửa ngõ của ASEAN với thị trường hàng trăm triệu dân. Năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam, đến nay, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Hợp tác đường sắt cũng đang gián đoạn, chưa thực hiện lại được.
Năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kết Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023- 2027. Thực hiện kế hoạch này, 2 nước sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ thường niên cấp Bộ; tạo điều kiện để người dân và du khách đi lại thuận lợi lẫn nhau; phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của 2 nước.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết: “Thời gian tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc khai thác chung thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc); khai thác các sản phẩm du lịch dọc biên giới 2 nước; quan tâm hơn tới chương trình du lịch theo dấu chân Bác Hồ tại Trung Quốc dành cho thế hệ trẻ…”.
Hai bên cũng cần tăng cường đi lại, học tập lẫn nhau trong quản lý văn hóa, du lịch, thể thao; đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch. Với sự hợp tác mạnh mẽ thời gian tới, Thứ trưởng Hồ An Phong mong muốn có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới điểm đến đầu tư hấp dẫn của Việt Nam; từ đó tăng cường hợp tác về kinh tế, du lịch giữa 2 nước.
Cảm ơn sự đón tiếp nồng ấm của lãnh đạo Bộ VHTTDL Việt Nam, bà Trần Dịch Quân, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây cho biết: “Việt Nam - Trung Quốc núi sông liền một dải, gắn bó như răng với môi. Thời gian gần đây, những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo 2 nước đã minh chứng sự mối quan hệ lâu đời, bền chặt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước 2 nước, các cuộc gặp gỡ như hôm nay tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ thân thiết ấy ở cấp địa phương”.
Tỉnh Quảng Tây có 8 huyện, 3 thành phố và tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam, thường xuyên có các cuộc giao lưu, hợp tác thiết thực. Ngày 15.10 vừa qua, sau 1 năm thí điểm, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)- khu hợp tác xuyên biên giới hai nước trên cơ sở Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên đã chính thức đi vào vận hành.
Ngày 15.11 vừa qua, tại TP Bắc Hải cũng đã diễn ra lễ khai thông tuyến du lịch đường biển Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) - Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam).
Hằng năm, nhiều chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và trao đổi khách du lịch diễn ra hiệu quả.
“Trong thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn và các di sản quý giá cho thế hệ sau. Qua đó, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như câu nói “Việt Nam- Trung Quốc là 2 nước láng giềng gần gũi, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, bà Trần Dịch Quân nói.
Ở cấp địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể về văn hóa, thể thao và du lịch; khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và sự đa dạng của văn hóa vùng biên giới 2 nước. Trong đó, đưa mô hình khai thác chung thác Đức Thiên (Trung Quốc) và thác Bản Giốc (Việt Nam) thành mô hình kiểu mẫu giữa 2 nước.
Nhắc lại kỷ niệm 20 năm trước khi lần đầu tiên đến Trung Quốc tham gia lớp học ngắn hạn và được đến thăm trụ sở tỉnh Quảng Tây, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết khi đó đã nghĩ tới việc khai thác chung thác Bản Giốc (Việt Nam) và thác Đức Thiên (Trung Quốc). Đến giờ thì điều đó đã thành sự thực. Ông cũng nhớ lại cảm xúc tự hào khi tới thăm các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây và mong muốn sẽ bảo tồn, khai thác tốt hơn các di tích này.
Bày tỏ niềm yêu thích nền văn học Trung Quốc, đặc biệt là tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng đời Đường: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và Vương Bột cùng những tác phẩm văn học kinh điển: Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng…, hay Ngục trung nhật ký do Hồ Chủ tịch sáng tác trong thời gian bị giam cầm ở Quảng Tây (Trung Quốc), Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng: Văn hóa của 2 nước là những tiềm năng vô tận để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa. Thứ trưởng tin rằng, với sự nỗ lực của 2 bên, hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch giữa 2 nước sẽ đạt hiệu quả và bước tiến mới trong thời gian tới.