Khát vọng nâng tầm từ hành động xanh

NGUYỄN ANH

VHO - Trong bối cảnh ngành Du lịch toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, khái niệm “du lịch xanh”, “du lịch bền vững” không còn là một lựa chọn mang tính thời thượng, mà đã và đang trở thành hướng đi tất yếu, thậm chí là một tiêu chí bắt buộc trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

 Khát vọng nâng tầm từ hành động xanh - ảnh 1
Điểm đến du lịch tâm linh - sinh thái Tùng Lâm, Yên Tử (Quảng Ninh). Ảnh: HÀ YÊN

 Từ xu thế đến yêu cầu bắt buộc

Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, du lịch là một động lực quan trọng để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Tuy nhiên, để du lịch thực sự đóng vai trò dẫn dắt, tăng trưởng của ngành phải dựa trên nền tảng xanh, thân thiện với môi trường, công bằng với cộng đồng và có trách nhiệm với di sản thiên nhiên, văn hóa.

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt với ngành du lịch Việt Nam khi đạt gần 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 110 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, theo đại diện UNDP, những con số đó chỉ là nền móng.

“Nâng tầm du lịch Việt Nam đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản hướng tới các hoạt động xanh”, ông Haverman nhấn mạnh.

Thực tế đã cho thấy, chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm và trải nghiệm cho du khách, mà còn là một “lá chắn” hiệu quả để bảo vệ môi trường sống, ứng phó biến đổi khí hậu và giữ gìn hệ sinh thái cho thế hệ mai sau.

Tại Khánh Hòa, mô hình Khu du lịch dã ngoại Làng Nhỏ đã trở thành ví dụ sống động cho sự chuyển đổi xanh hiệu quả, 80% điện năng sử dụng từ năng lượng mặt trời, các vật dụng đều tái chế hoặc thân thiện với môi trường, toàn bộ chuỗi dịch vụ được kiểm soát để giảm thiểu phát thải.

“Tăng giá dịch vụ vì phải đầu tư cho chuyển đổi xanh không làm giảm sức hút, bởi du khách, đặc biệt là khách quốc tế ngày càng sẵn sàng chi trả cao hơn để đồng hành với các giá trị môi trường”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia UNDP Việt Nam cho biết.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup chia sẻ: “Chuyển đổi xanh có thể làm giá thành dịch vụ cao hơn, nhưng lại mở cánh cửa đến với những phân khúc khách hàng cao cấp từ châu Âu, Mỹ, những người sẵn sàng trả tiền cho các trải nghiệm thân thiện và có trách nhiệm với thiên nhiên”.

Tuy nhiên, phát triển du lịch xanh, bền vững, nhất là hướng đến Net Zero hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường... đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài.

Nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng và thị trường nên việc thuyết phục các đối tác, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa để cùng cam kết hành động vì tiêu chuẩn xanh vẫn đang là bài toán khó. Giá thành cao khiến sản phẩm du lịch bền vững khó tiếp cận thị trường đại chúng.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc chuyển đổi sang du lịch xanh.

Nhãn Du lịch xanh VITA GREEN - cơ chế ghi nhận và lan tỏa

Để khuyến khích và hệ thống hóa nỗ lực chuyển đổi xanh trong ngành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng Bộ tiêu chí và Nhãn Du lịch xanh VITA GREEN, áp dụng cho bốn lĩnh vực then chốt: Điểm đến, lưu trú, lữ hành và dịch vụ ăn uống. “Doanh nghiệp được công nhận sẽ xếp theo ba cấp độ: Tiêu chuẩn, Nâng cao và Xuất sắc, tùy theo mức độ đáp ứng các tiêu chí phát triển xanh.

Đây không chỉ là một công cụ đánh giá mà còn là cam kết công khai về trách nhiệm với du khách, cộng đồng và môi trường”, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Liên chi hội du lịch xanh Việt Nam cho biết.

Trong lĩnh vực điểm đến, nhiều khu du lịch sinh thái nổi bật đã được ghi nhận như: Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình); Điểm đến du lịch tâm linh - sinh thái Tùng Lâm - Yên Tử (Quảng Ninh); Khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình); Khu du lịch Mộc Châu Island - Cầu kính Bạch Long (Sơn La); Khu du lịch Tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang); Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân (Thái Nguyên)...

Các điểm đến này không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp cảnh quan hay giá trị văn hóa, mà còn bởi tư duy vận hành xanh, từ việc quản lý năng lượng, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học cho đến kết nối cộng đồng địa phương.

Trong lĩnh vực lưu trú, nhiều thương hiệu đã khẳng định vị thế thông qua chuyển đổi xanh như: Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử Mgallery (Quảng Ninh); Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An (Quảng Nam); Khu nghỉ dưỡng H’mong Village (Hà Giang); Muine Bay Resort (Bình Thuận); Furama Resort (Đà Nẵng); Khách sạn Ninh Bình Legend; May Plaza (Thái Nguyên); Khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake (Hà Nội); Thảo Nguyên Hotel & Resort (Sơn La); Khách sạn Nam Cường Hải Dương; Khách sạn Lam Giang (Nghệ An)...

Dù ở cấp độ nào, những cơ sở này đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong sử dụng năng lượng tái tạo, thiết kế xanh, hạn chế nhựa dùng một lần và bảo tồn cảnh quan bản địa.

Trong lĩnh vực lữ hành, Công ty cổ phần Tập đoàn Sang trọng (Lux Travel DMC) và Vietnam TravelMart (Đà Nẵng) được vinh danh ở cấp độ Xuất sắc. Đây là những doanh nghiệp không chỉ thiết kế sản phẩm du lịch chất lượng cao mà còn đặt yếu tố môi trường, di sản và cộng đồng làm trung tâm trong từng hành trình. Lux Travel DMC đã tiên phong xây dựng chuỗi giá trị du lịch có trách nhiệm, từ phương tiện di chuyển, lựa chọn điểm lưu trú đến hoạt động trải nghiệm.

Các đơn vị khác như: Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hy vọng (Esperantotur); Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội; Công ty Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist (Ninh Thuận); Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Tam Sinh (Ninh Bình) cũng có những bước tiến đáng kể trong áp dụng các tiêu chí xanh, được công nhận ở cấp độ Tiêu chuẩn và Nâng cao.

Không chỉ dừng ở lưu trú và lữ hành, các nhà hàng Thanh Nga Luxury và Thành Long (Ninh Bình) là những đại diện tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống đạt Nhãn Du lịch xanh cấp độ Nâng cao.

Họ đã chủ động sử dụng nguyên liệu địa phương, giảm thiểu rác thải nhựa, thiết kế thực đơn gắn với bản sắc vùng miền và xây dựng môi trường ăn uống thân thiện.

Chuyển đổi xanh trong du lịch không phải là một trào lưu, càng không là một tuyên ngôn hình thức. Đó là hành trình dài với những cam kết cụ thể, giải pháp rõ ràng và sự đồng hành bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp quản lý và cả người làm du lịch.

Việc các mô hình xanh ngày càng xuất hiện nhiều và lan toả mạnh mẽ cho thấy du lịch xanh đã đi từ ý tưởng đến hành động, từ thử nghiệm đến mục tiêu bắt buộc.

Quan trọng hơn, du lịch xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong khát vọng nâng tầm du lịch Việt Nam.