Thúc đẩy du lịch bền vững qua phát triển điểm đến xanh tại Việt Nam
VHO - Sáng 11.4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn "Phát triển Điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam", quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch.

Sự kiện mở ra định hướng mới cho ngành du lịch Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Chuyển đổi xanh- yêu cầu bắt buộc để phát triển bền vững
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2025 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN) tổ chức, Diễn đàn là hoạt động trọng tâm nhằm thúc đẩy cho các doanh nghiệp du lịch hướng tới một tương lai không rác thải nhựa.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDLVN phát biểu tại Diễn đàn: “Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa, mà còn là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như: Biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành Du lịch buộc phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

“Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai”, ông Bình chia sẻ.
Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế - tăng gần 40% - cùng với 110 triệu lượt khách nội địa, tạo ra doanh thu ấn tượng 840 nghìn tỷ đồng. Sự năng động này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành.
Ngành Du lịch Việt Nam đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, trong đó việc giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu này, ba giải pháp đồng bộ đã được triển khai.
Để phát triển bền vững, ngành cần có một bộ tiêu chí rõ ràng và thiết thực đã được xây dựng để công nhận các doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa. Điều này không chỉ tạo ra một mục tiêu cụ thể cho ngành mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một ứng dụng di động sáng tạo đã được giới thiệu để hỗ trợ doanh nghiệp quản lý và giám sát chất thải. Ứng dụng này cung cấp các công cụ cần thiết để theo dõi tiến độ và thực hiện các chiến lược giảm thiểu hiệu quả.
Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã áp dụng một kế hoạch hành động mạnh mẽ, cung cấp một lộ trình toàn quốc để giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành. Kế hoạch này là nền tảng cho tất cả các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ “Một quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế mà còn là lá chắn vững chắc bảo vệ di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam cho thế hệ mai sau”.
Xu hướng chuyển đổi xanh đang trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Tại sự kiện, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch (HHDLVN) đã có bài trình bày sâu sắc về những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Những xu hướng nổi bật
Ngành Du lịch đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, thể hiện qua 6 xu hướng nổi bật.
Đầu tiên, ưu tiên bảo vệ thiên nhiên và văn hóa địa phương, các mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, mang lại lợi ích cho cả du khách và người dân địa phương. Giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái.
Thứ hai, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng sử dụng năng lượng mặt trời, gió và hệ thống nước nóng từ năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải carbon. Các hãng hàng không và tàu du lịch thử nghiệm nhiên liệu sinh học và điện khí hóa, hướng tới một ngành giao thông vận tải xanh hơn.

Thứ ba, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông bền vững như xe đạp, xe điện và giao thông công cộng, giảm thiểu ô nhiễm không khí. Du lịch chậm (slow travel) ngày càng phổ biến, khuyến khích du khách khám phá các điểm đến một cách chậm rãi và có trách nhiệm.
Thứ tư, sử dụng các sản phẩm tái chế và hạn chế lãng phí thực phẩm tại khách sạn và nhà hàng, giảm thiểu lượng rác thải. Các doanh nghiệp du lịch áp dụng mô hình không rác thải (zero waste), hướng tới một ngành du lịch tuần hoàn.
Thứ năm, hỗ trợ cộng đồng địa phương và phát triển du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa bản địa, tạo ra những giá trị kinh tế và xã hội bền vững. Phát triển các homestay và farmstay thân thiện với môi trường, mang lại những trải nghiệm du lịch độc đáo và gần gũi với thiên nhiên.
Cuối cùng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain để tối ưu hóa vận hành và giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành du lịch. Các ứng dụng du lịch giúp du khách lựa chọn dịch vụ xanh và đặt vé giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch bền vững.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký HHDLVN, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch nhấn mạnh vào việc chuyển đổi từ Dự án giảm thiểu rác thải nhựa sang Chương trình Phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam.
Ông đề xuất các hành động then chốt nhằm thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục để thay đổi hành vi của cả du khách và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch xanh.
Tăng cường năng lực quản lý lượng khách du lịch tại các điểm đến, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Áp dụng các biện pháp giảm thiểu rác thải, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quá trình kinh doanh du lịch.
Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách.
Đồng thời, phân công rõ ràng vai trò và trách nhiệm của từng bên liên quan, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động du lịch xanh.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam nhấn mạnh, “Chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp du lịch phải đi”.
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh trong ngành Du lịch, ông Thắng đề xuất một loạt các giải pháp thiết thực. Cụ thể, cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các khóa tập huấn và đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thiết lập các chính sách ưu đãi về vốn vay xanh, khuyến khích sản xuất và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường. Việc tích hợp các tiêu chí du lịch xanh vào nội dung đào tạo thực hành tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng là một bước đi quan trọng.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp để tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc chuyển đổi xanh.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển các điểm đến xanh đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, du khách và toàn xã hội.
Đặc biệt, vai trò của truyền thông và báo chí trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và lan tỏa giá trị điểm đến xanh là hết sức quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị kì vọng các cơ quan báo chí và truyền thông sẽ đóng vai trò tiên phong; kết nối báo chí với doanh nghiệp du lịch trong việc thúc đẩy du lịch xanh.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường các tuyến bài chuyên sâu, phân tích đa chiều để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của du khách cũng như các bên liên quan. Qua đó, góp phần xây dựng những điểm đến xanh, bền vững cho ngành du lịch Việt Nam.

Cần phát triển bền vững trên diện rộng
Tiếp nối những thảo luận về xu hướng chuyển đổi xanh, diễn đàn bước vào phiên tọa đàm, tập trung vào thực tiễn phát triển điểm đến xanh tại Việt Nam.
Dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, thách thức và giải pháp để xây dựng những điểm đến du lịch xanh, bền vững.
Ông Phạm Hà, Tổng giám đốc Lux Group đã chia sẻ những trăn trở sâu sắc về việc làm thế nào để du lịch Việt Nam phát triển bền vững trên diện rộng. Ông nhấn mạnh, không chỉ riêng Lux Group, mà cả ngành du lịch Việt Nam cần chung tay hành động để bảo vệ môi trường và phát triển có trách nhiệm.
Lux Group đã đạt được chứng nhận Travelife Certified Excellence in Sustainability Award - danh hiệu uy tín trong ngành lữ hành, nhờ đáp ứng 250 tiêu chí khắt khe về du lịch bền vững.
Chứng nhận này không chỉ là thành tựu của Lux Group mà còn là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp khác nỗ lực chuyển đổi xanh, hướng tới ngành du lịch Việt Nam bền vững và có trách nhiệm với môi trường.

Bà Hoàng Thúy Hường, Giám đốc phát triển thị trường, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An - Ninh Bình, khẳng định: “Tràng An kiên quyết không đánh đổi giá trị di sản, không mở rộng hạ tầng vào vùng lõi, không chạy theo số lượng khách, và tuyệt đối không hi sinh môi trường để tối đa hóa doanh thu”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm có những chia sẻ về hành trình chuyển đổi của doanh nghiệp.
Theo bà, Công ty không chỉ tăng cường kết nối với cộng đồng địa phương, mà còn chủ động tái định hình văn hóa kinh doanh. Mục tiêu là tái hiện và lan tỏa những giá trị văn hóa - tâm linh đặc sắc, đồng thời bảo vệ cảnh quan môi trường, để di sản sống mãi với thời gian.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP đã mang đến diễn đàn những góc nhìn mới mẻ về du lịch xanh, thông qua việc giới thiệu các khu du lịch không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh, mà còn truyền tải những kiến thức sâu sắc về bảo tồn thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Tại Diễn đàn, Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam chính thức ra mắt, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực xanh hóa ngành du lịch Việt Nam.
Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và TikTok cũng ký kết chương trình hợp tác chiến lược, thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy phát triển du lịch xanh trên nền tảng số