“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào

VHO - Đất nước Lào êm ả, thanh bình bên dòng Mekong thơ mộng với hàng loạt điểm đến nổi tiếng như: Luang Prabang, Cánh đồng chum Xieng Khouang, Vientiane, Wat Phou, Champassak… vừa sâu lắng, vừa bí ẩn lại có sức hút lạ kỳ với du khách khắp nơi trên thế giới.

“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào - Anh 1

That Luang- kỳ quan kiến trúc gắn liền với văn hóa Phật giáo tại Lào

Vientiane- Thành phố Trăng bên dòng Mekong

Vientiane- Thủ đô Lào, tiếng Lào có nghĩa là Thành phố Trăng. Nó đúng với thành phố này tới mức, chỉ cần vang lên 2 tiếng ấy, người ta lại thấy nhịp sống êm đềm, lặng lẽ, thong dong bên cạnh mình. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những công trình Phật giáo cổ kính, con người hiền hòa của Vientiane khiến bất cứ du khách nào cũng loạn nhịp tim khi tới đây.

Không phải muốn khám phá, muốn trải nghiệm, muốn tưng bừng, sôi động ở những nơi mới lạ mà là cảm giác chìm sâu, mê đắm, nhẹ nhàng mà mãnh liệt giữa những tâm hồn đồng điệu, thân thiết từ lâu. Có người nào đó đã nói, hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình đi đến điểm đích. Trên hành trình đó, ta có hạnh phúc không còn là do ta đi với ai. Giá trị cuộc sống của chúng ta, có khi không phải là cái chúng ta lúc nào cũng mơ ước có được mà là những khoảnh khắc thảnh thơi, thời gian trôi chầm chậm ở nơi ta đang dừng lại, nhìn ánh nắng xuyên qua ngón tay, ở Thành phố Trăng này.

Trái tim của Vientiane là tượng đài Patuxay nằm cuối đại lộ Lane Xang, được ví như “Khải Hoàn môn” của Lào. Patuxay được xây dựng vào năm 1957 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào.

Tượng đài này được xây dựng với kiến trúc vòm cuốn đặc sắc và 7 tầng tháp. Patuxay có phần khá giống với Khải Hoàn môn ở Paris (Pháp) nhưng cấu trúc mang màu sắc của Lào nhiều hơn. Từng họa tiết hay hoa văn của Patuxay cũng mang những nét đặc trưng của văn hóa Lào với những phù điêu nữ thần Kinnari nửa người nửa chim và các toà tháp mang đậm phong cách Lào. Đứng từ nóc Patuxay có thể ngắm nhìn bao quát toàn cảnh thành phố, cảnh sôi động của đại lộ Lane Xang.

“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào - Anh 2

Đoàn famtrip gồm hơn 80 thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tại tượng đài Patuxay

Khi chúng tôi đến, Patuxay lừng lững trong ánh chiều tà. Nắng xuyên qua những đường chạm khắc tinh xảo, chiếu lấp lánh bên đài phun nước phía trước. Mấy người già thong thả đi lại, nhìn ngắm người qua đường. Đám trẻ con nô đùa quanh những ô cỏ xanh. Khách du lịch thi nhau xoay xoay, nhảy nhảy để check in. Cuộc sống ở Vientiane cho người ta cảm giác chưa bao giờ thanh bình như thế.

Ngay gần đó, tháp That Luang (tháp lớn) cao 45m là công trình Phật giáo, di tích quan trọng nhất của vương quốc Triệu Voi. That Luang mang đậm phong cách văn hóa và bản sắc Lào, đã được công nhận là biểu tượng quốc gia của Lào, đẹp lộng lẫy, lấp lánh rực vàng cả một góc trời phía Đông Thủ đô.

Hoà vào nhịp sống bình yên ấy, chúng tôi lặng lẽ xếp hàng ở trước cửa chùa Wat Mae Simeung ở quận Sisattanak, trung tâm thành phố Vientiane để nhận nến và đài hoa cúc vạn thọ cúng dường Đức Phật. Văn hóa Phật giáo và đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng, vào suy nghĩ, nếp sống của mỗi người dân Lào và để lại những dấu ấn rõ nét trong đời sống của họ.

Đi tới đâu trên đất nước Lào ta cũng bắt gặp nét đặc trưng của các chùa tháp cổ kính, những bóng áo vàng của sư tăng. Phật giáo còn trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống tâm linh của người dân Lào. Ở đó, lễ buộc chỉ cổ tay là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời và đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của cả dân tộc. Rời chùa Wat Mae Simeung, lòng mỗi người chúng tôi nhẹ bẫng, khoe với nhau những sợi chỉ mà chúng tôi và sư thầy đã gửi vào đó những ước nguyện bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào - Anh 3

Chùa Wat Mae Simeung ở quận Sisattanak, trung tâm thành phố Vientiane

Tối ở Vientiane, hướng dẫn viên Ngô Hoàng Trung (Thái Sơn Travel) đưa chúng tôi thăm phố Tây Fa Ngum và chợ đêm. Lào là xứ chùa. Quanh phố Tây có rất nhiều khách sạn, nhà hàng, quán bar, cửa hàng lưu niệm, quán cà phê… nhưng cũng rất nhiều chùa.

Vượt qua phố Fa Ngum sầm uất, chợ đêm ngập hàng hoá với nhiều món đồ lưu niệm nhỏ xinh hoặc những bức tranh mang phong cách nghệ thuật Lào, những điêu khắc hình con voi, mô hình That Luang đặc trưng… sẽ làm chúng tôi luôn nhớ về Vương quốc hoa Chăm Pa khi về nước.

Càng về khuya, du khách và người dân lại càng đổ ra Khu ẩm thực phố nướng bên sông Mekong. Gió sông lồng lộng làm cho hương vị các món ăn Lào càng thêm ngào ngạt. Rất nhiều món chỉ ở Lào mới có. Cô chủ quán xinh đẹp tận tình chỉ cho chúng tôi món Tam Maak Hung- món nộm đu đủ ngon trứ danh của Lào nhưng cũng duyên dáng và đầy ẩn ý nói: “Món này, chỉ ăn ở Lào mới ngon”.

“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào - Anh 4

Lễ buộc chỉ cổ tay tại chùa Wat Mae Simeung ở quận Sisattanak

Du lịch Lào sẽ bùng nổ trong năm 2024

Cách đây đúng 1 tuần, Lào chính thức phát động chiến dịch “Visit Laos Year 2024” (Năm Du lịch Lào 2024) với kỳ vọng sẽ thu hút hàng triệu du khách quốc tế khám phá và trải nghiệm Vương quốc hoa Chăm Pa- nơi được mệnh danh là “thiên đường của văn hóa, thiên nhiên và lịch sử”.

Năm Du lịch Lào 2024 sẽ có 79 sự kiện văn hóa được tổ chức và được dẫn dắt bởi một chiến dịch kỹ thuật số đa nền tảng mang tính chiến lược. Trong số các sự kiện tầm cỡ quốc gia nhằm giới thiệu di sản văn hóa phong phú của đất nước có Lễ hội Tết Lào, Tết Hmong, Lễ hội That Luang và Lễ hội Wat Phou.

Những người làm du lịch Lào kỳ vọng, du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa đa dạng của Lào, thông qua các lễ hội cấp tỉnh như: Lễ hội That Luang ở thủ đô Vientiane, Lễ mừng năm mới Bun Pi May của Lào, Lễ hội Mãn Mùa Chay ở tỉnh Luang Prabang, Lễ hội Voi ở tỉnh Xayaboury, Lễ hội trà, cà phê Bolaven tỉnh Champasak, Lễ hội dân tộc và Hội chợ văn hóa ở tỉnh Bokeo, “Oh Luang Prabang You are Simply Beautiful 2” ở Luang Prabang...

“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào - Anh 5

Chợ đêm ở thủ đô Vientiane

Cục trưởng Cục Tiếp thị Du lịch Lào Khom Douangchantha khi phát động chiến dịch này đã bày tỏ tin tưởng rằng, chiến dịch Năm Du lịch Lào 2024 sẽ thực sự nổi bật và có sức hút với du khách quốc tế. Đây là một bước quan trọng nhằm khôi phục nền kinh tế Lào và thúc đẩy ngành Du lịch.

“Chúng tôi muốn khuyến khích du khách cảm thấy thoải mái và thư giãn nhất, đúng như nghĩa của cụm từ nổi tiếng của Lào “Sabai Sabai”. Nó giống như một lời mời nồng nhiệt tới tất cả du khách hãy thoải mái như ở nhà khi khám phá văn hóa, thiên nhiên và thiên đường lịch sử của Lào”, ông Khom Douangchantha nói.

Chính phủ Lào đã đặt mục tiêu thu hút hơn 2,7 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2024, doanh thu hơn 400 triệu USD và dự kiến ​​sẽ đón 2,9 triệu du khách vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket khẳng định, du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và tăng trưởng của Lào. Năm 2022, du lịch là lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, chiếm 37% GDP của Lào và bà Bộ trưởng hẳn là mong du lịch Lào sẽ bùng nổ trong năm tới.

Lào đang chuẩn bị thu hút khách du lịch quốc tế bằng cách ủng hộ các hoạt động bền vững và thân thiện với môi trường, phù hợp với Khung ASEAN về Phát triển Du lịch bền vững trong Kỷ nguyên hậu Covid-19. Sáng kiến ​​này không chỉ nhằm nâng cao sức hấp dẫn trên toàn cầu của Lào, mà còn tạo cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Lào dự kiến ​​sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào đầu tháng 1 năm 2024. Đây sẽ là dịp chứng kiến ​​một loạt sự kiện quan trọng, bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các cuộc họp liên quan, Diễn đàn Du lịch ASEAN và nhiều sự kiện khác của ASEAN. Dự báo những sự kiện này sẽ nâng cao hơn nữa vị thế của Lào như một điểm đến hàng đầu, thu hút nhiều du khách hơn và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

“Hành trình theo dấu chân Bác” ở Lào- Thái Lan: Bài cuối - Cung đường du lịch thắm tình hữu nghị Việt- Lào - Anh 6

Lào kỳ vọng sẽ bùng nổ du lịch năm 2024 với chiến dịch “Visit Laos Year 2024” (Năm Du lịch Lào 2024)

Với đường biên giới đất liền chung dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, Việt Nam- Lào có nhiều lợi thế và động lực để vượt qua những khó khăn, cùng nhau hợp tác, liên kết phát triển du lịch biên giới, tăng cường giao lưu trao đổi khách du lịch đồng thời thu hút du khách từ nước thứ ba.

Việt Nam cũng đã triển khai một loạt hoạt động kích cầu du lịch gắn với hoạt động quan trọng của cả nước cũng như từng địa phương chung đường biên giới với Lào. Hi vọng đây sẽ là đòn bẩy, là hoạt động kích cầu quan trọng để du lịch Việt Nam, Lào bứt phá trong những năm tới.

Việc phát triển du lịch biên giới Việt - Lào gắn chặt với phát triển kinh tế các địa phương biên giới; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi cho phát triển du lịch khu vực biên giới; rà soát và đơn giản hoá thủ tục hành chính, hải quan; tăng cường liên kết hợp tác phát triển sản phẩm và các điểm du lịch; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

“Là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu tổ chức tour du lịch đường bộ tới Lào, chúng tôi ý thức được rằng, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào là tài sản vô cùng quý giá và là cơ sở vững chắc cho hợp tác phát triển du lịch. Việt Nam là một trong 3 thị trường gửi khách tới Lào nhiều nhất với gần 1 triệu lượt trước khi dịch Covid-19 và đang hồi phục hoàn toàn. Chính vì thế, chúng tôi và các công ty đối tác ở Lào luôn mong muốn du khách Việt Nam hiểu Lào, yêu Lào hơn và không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị Việt- Lào”, ông Võ Hồng Sáng, Tổng giám đốc Thai Son Travel nói.

Trên đường từ Vientiane về cửa khẩu Namphao, nhiều đoạn đã xuống cấp trầm trọng nhưng chất lượng đường sá dường như không ảnh hưởng tới du khách khi tới Lào. Sau chuyến đi, đất nước Lào, con người Lào và cả những người bạn mới quen trong hành trình càng trở nên thân thương, gần gũi hơn.

Ghi chép của THUÝ HÀ

Ý kiến bạn đọc