Gắn kết với lợi thế du lịch nông nghiệp
VHO - Với sự hình thành và phát triển của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vừa mang đậm tính truyền thống, vừa có sức cạnh tranh trên thị trường đang thực hiện tốt vai trò là sản phẩm phục vụ cho du lịch nông nghiệp,nông thôn.
Du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh, trở thành nét đặc trưng riêng có thu hút khách du lịch. Với sự đầu tư của tỉnh Quảng Ninh về hạ tầng cơ sở, đường, điện, giao thông nông thôn đã thông thương thuận lợi giữa các vùng, tạo nên sự kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn..., góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Nhiều tiềm năng thế mạnh
Được ví như "Đà Lạt" của Quảng Ninh, Bình Liêu sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm của huyện Bình Liêu.
Anh Hoàng Văn Sằn, chủ homestay Hoàng Sằn (xã Hoành Mô) cho biết: Năm 2016, nhận thấy lượng du khách đến với Bình Liêu ngày một đông, cộng thêm xu thế homestay đang nở rộ ở các điểm du lịch cộng đồng, làng, bản, tôi đã suy nghĩ đến việc kinh doanh dịch vụ homestay. Hiện nay, gia đình tôi có 3 phòng nghỉ với sức chứa 50 người. Những ngày cuối tuần, hoặc các dịp lễ trong năm, homestay của gia đình luôn kín phòng. Từ khi mở homestay, thu nhập của gia đình tôi tăng gấp 3 lần so với thu nhập từ làm lâm nghiệp trước đây.
Để tạo điểm nhấn cho ngành du lịch, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng điểm bán hàng, từng bước giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 HTX với 27 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm được du khách ưa chuộng như miến dong Bình Liêu, tinh dầu sở, mật ong rừng...
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) cho biết: Nhờ du lịch phát triển, sản phẩm miến dong của HTX Phát triển Đình Trung cũng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Do đó, mỗi năm HTX xuất ra thị trường 10-15 tấn miến sợi, doanh thu đạt 850 triệu đến 1,3 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu chia sẻ: Bình Liêu hiện có 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 17 sản phẩm được xếp hạng sao với 16 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao. Chỉ riêng với sản phẩm miến dong, Bình Liêu hiện có 5 cơ sở đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó sản phẩm của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu là sản phẩm duy nhất đạt chứng nhận 4 sao.
Không chỉ với sản phẩm miến dong mà với hầu hết các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện, chúng tôi cũng nhận thấy những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ của người sản xuất. Qua rà soát cho thấy, năm nay có 1 đơn vị dự kiến củng cố nâng cấp tổ chức kinh tế, mở rộng quy mô nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất và 2 sản phẩm OCOP dự kiến được củng cố, nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm.
Bám sát kế hoạch triển khai chương trình OCOP của tỉnh, kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm về OCOP, Bình Liêu đã thành lập Ban điều hành OCOP huyện; xây dựng kế hoạch tập huấn kiến thức cho cán bộ và người dân về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025, dán tem điện tử VNPT để truy xuất nguồn gốc và đưa lên sàn thương mại điện tử postmart, voso.com đối với 100% sản phẩm được xếp sao OCOP của huyện; tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương. Bà Hương nói.
Để thực sự gắn kết du lịch với sản phẩm OCOP
Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương, mang đặc trưng truyền thống văn hóa của một vùng đất cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm sẽ có thêm thông tin về những điểm đặc biệt từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần.
Không chỉ ở Bình Liêu, các địa phương khác như Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà... cũng có nhiều địa điểm để du khách trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái. 2 năm trở lại đây, các vườn dâu tằm ở xã Tràng An đã trở thành điểm đến thu hút khá đông du khách đến chụp ảnh, hái dâu, tham quan xưởng sản xuất rượu Dâu tằm - sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng của TX Đông Triều. Anh Nguyễn Lê Huy Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng, chia sẻ: Là một trong những doanh nghiệp phát triển sản phẩm rượu tham gia chương trình OCOP, thời gian qua chúng tôi luôn chú trọng đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm của mình. Việc du khách đến tận nơi, tham quan mô hình sản xuất đã giúp chúng tôi quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Xác định lợi ích khi gắn kết du lịch và xúc tiến sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã và đang ưu tiên tổ chức những sự kiện xúc tiến thương mại gắn với không gian, sự kiện du lịch và hướng tới du khách. Điển hình là các hội chợ OCOP lớn, được tổ chức vào dịp 30/4 và nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 hằng năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, du khách tham quan, mua sắm. Doanh thu của các hội chợ năm sau đều cao hơn năm trước. Riêng Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023 đã thu hút được trên 55.000 lượt khách, doanh thu đạt 17,4 tỷ đồng.
Sản phẩm OCOP còn được chú trọng giới thiệu tại các lễ hội du lịch thường niên của các địa phương trong tỉnh như Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình), Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội đền Cửa Ông, Hội Hoa sở Bình Liêu... Ngoài ra, sản phẩm OCOP cũng được quảng bá sâu rộng tại các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch trong và ngoài nước…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng, ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Cùng với đó, tại các dự án khu dừng nghỉ du lịch đều kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú cho tour, tuyến du lịch, tăng sức hút với du khách, mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Quảng Ninh chú trọng đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó là có nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Làm được điều này du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
ĐAN NGỌC