Du lịch miền Trung chủ động ứng phó mưa, bão

NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG

VHO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4 và mưa lũ do tác động của bão. Trước chỉ đạo của Thủ tướng, để ứng phó thời tiết mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở, kinh doanh du lịch cũng như địa phương các tỉnh miền Trung đang tập trung nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại thấp nhất do mưa, bão gây ra.

 Du lịch miền Trung chủ động ứng phó mưa, bão - ảnh 1
Tàu thuyền du lịch ở bến sông Hội An neo đậu đề phòng diễn biến phức tạp của thời tiết

 Chủ động ứng phó

Tại tỉnh Quảng Nam, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, TP Hội An không tổ chức đón khách ra đảo Cù Lao Chàm. Đồng thời yêu cầu tàu thuyền vận chuyển khách ra đảo Cù Lao Chàm và ngược lại tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực trong khu phố cổ Hội An, nơi rất dễ bị ngập lũ khi mưa lớn kéo dài, lực lượng chức năng, người dân, các cơ sở đang kinh doanh nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, cà phê, cơ sở lưu trú ở gần khu vực trung tâm cũng khẩn trương chạy đua cùng thời gian để chằng chống nhà cửa, di tích, các cơ sở kinh doanh… đề phòng nước lũ lên. Ngay từ sáng sớm ngày 17.9, các chủ phương tiện tàu du lịch vận chuyển khách tham quan trên sông Hội An đã khẩn trương cho thuyền vào bến neo đậu, chằng chống, tháo dỡ các thiết bị máy móc, áo phao trên các tàu bảo quản tài sản.

Đối với các di tích, trước đó Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã tiến hành khảo sát danh mục 36 di tích xuống cấp trong khu phố cổ và đề xuất phương án, giải pháp chằng chống, bảo vệ các di tích có nguy cơ sụp đổ trước mùa mưa bão. UBND các phường trung tâm khu phố cổ Hội An như Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong thông báo đến các chủ di tích thuộc diện xuống cấp, có biện pháp chủ động kiểm tra, chống đỡ cho di tích của mình, đồng thời tiếp tục rà soát các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trên địa bàn quản lý nếu phát hiện có di tích xuống cấp ngoài danh mục đã khảo sát nhanh chóng thông báo đến Trung tâm để có kế hoạch khảo sát kịp thời, đề xuất phương án chống đỡ cho di tích đó.

Nằm ở bán đảo Phương Mai, Kỳ Co thuộc TP Quy Nhơn (Bình Định) là điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến mùa mưa bão, điểm du lịch này luôn chủ động, thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó. Ông Nguyễn Phụ Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Hoàng Đạt, chủ đầu tư Khu du lịch Kỳ Co cho biết: “Miền Trung, mưa bão nhiều thường rơi vào tháng 8 đến tháng 10 (âm lịch). Những tháng này, chúng tôi cho nhân viên khẩn trương dọn dẹp các vật dụng dưới bãi biển, chặt cắt tỉa cây xanh, giằng chống các nhà hàng cũng như gỡ bỏ cầu gỗ. Nếu làm tốt điều này, sang mùa du lịch của năm tiếp theo chúng tôi sẽ hạn chế được kinh phí đầu tư mới cho việc sửa sang lại khu du lịch.

Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hiện có 115 cơ sở lưu trú, trong đó 25 khách sạn, 42 nhà nghỉ, 43 homestay, 5 nhà trọ, 19 nhà hàng, 4 công ty lữ hành và 26 điểm du lịch. Thời điểm này, địa phương đang tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó, bảo đảm kịp thời, hiệu quả trong mùa mưa bão. Ông Ngô Đình Thành, Trưởng phòng VHTT huyện Lý Sơn cho biết: “Địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho du khách, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng được đặt ra cho các khu, điểm du lịch”.

Anh Bùi Minh, chủ homestay Robin Alabin ở đảo Bé (Lý Sơn) cho biết: “Mùa mưa bão năm nào ở đây cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, khi nghe có thông tin báo bão là chúng tôi chèn chống nhà, chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Nếu còn du khách trên đảo Bé thì phải bảo đảm tính mạng, tài sản cho du khách là trên hết”.

 Du lịch miền Trung chủ động ứng phó mưa, bão - ảnh 2
Lực lượng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chằng chống công trình tại điểm di tích đàn Nam Giao

Để giảm bớt thiệt hại về người và của

Là di tích có không gian lộ thiên lớn nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng, bên cạnh các hang động đẹp nguyên sơ, hệ thống cây xanh đa dạng, phong phú, nên công tác phòng, chống mưa bão tại Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn được tập trung kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng BQL Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn thông tin: “Những ngày này, chúng tôi huy động tất cả cán bộ, nhân viên thuộc BQL di tích đi kiểm tra, rà soát các điểm. Tập trung cắt tỉa những cây xanh có nguy cơ đổ ngã, thu cất bảng, biển chỉ dẫn vào các khu vực để tránh bị gió bão quật gẫy. Đồng thời, thực hiện chằng chống vững chắc để tránh sức bão tàn phá. Đến thời điểm này, mọi công tác phòng, chống mưa bão diễn ra đúng kế hoạch và nằm trong tư thế ổn định, sẵn sàng nếu chẳng may có bão lớn. Hy vọng bão không ảnh hưởng gì lớn là mừng, vì không gian danh thắng ngoài trời khá rộng”.

 Từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi đã có thông báo đến các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động. Trước bão số 4, Sở tiếp tục nhắc nhở các đơn vị dự trữ thực phẩm, chuẩn bị nguồn điện dự phòng (máy phát điện), kiểm tra cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống cửa, mái công trình. Đặc biệt là các cơ sở du lịch ở ven biển, ven đầm phá, các homestay xa khu dân cư thường xuyên kết nối với chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão.

(Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế)

Sáng 19.9, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão số 4 tại các khu nghỉ dưỡng, resort ven biển ở phường Thuận An (TP Huế) và xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang)… Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi đã có thông báo đến các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động. Trước bão số 4, Sở tiếp tục nhắc nhở các đơn vị dự trữ thực phẩm, chuẩn bị nguồn điện dự phòng (máy phát điện), kiểm tra cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống cửa, mái công trình. Đặc biệt là các cơ sở du lịch ở ven biển, ven đầm phá, các homestay xa khu dân cư thường xuyên kết nối với chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão”.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, các doanh nghiệp, đơn vị ở các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, điểm đến trên địa bàn tỉnh cũng có các group Zalo để cập nhật các thông tin và thông báo kịp thời về thiên tai, cũng như hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống, ứng phó mưa bão.

Trong khi đó, ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, đơn vị đã triển khai giằng chống, bảo vệ các di tích cũng như hiện vật tại các điểm di tích, khu vực tham quan. Tại các quầy bán vé, nhà trưng bày ở những điểm di tích cũng được gia cố, chằng chống hệ mái, cửa ra vào. Các cây cảnh cũng được di dời để bảo đảm an toàn. Trung tâm phân công hơn 200 nhân viên, người lao động sẵn sàng ứng trực khi bão số 4 đổ bộ gây ảnh hưởng.

Tại tỉnh Quảng Trị, từ sáng 19.9 khu vực đảo Cồn Cỏ đã có gió cấp 8 và dự báo là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 4. Để ứng phó bão số 4, ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị cho biết: “Từ khi có áp thấp nhiệt đới, chúng tôi đã thông báo đến các cơ sở lưu trú, điểm du lịch, tham quan về công tác phòng chống, ứng phó. Hiện nay, khu vực đảo Cồn Cỏ và các cơ sở du lịch ven biển không có du khách lưu trú. Các cơ sở du lịch trên đảo và vùng ven biển đã được triển khai giằng chống, bảo vệ cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn cho người lao động. Các cơ sở vật chất ngành VHTTDL cũng đã được chỉ đạo bảo vệ, phân công ứng trực 24/24h”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc