Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về tăng trưởng du lịch:

Dấu ấn của sự linh hoạt

NGUYỄN ANH

VHO - Những con số từ báo cáo “Hàn thử biểu Du lịch Thế giới” (World Tourism Barometer) của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) công bố tháng 5 đã khẳng định rõ vị thế mới của Việt Nam - một điểm đến có sức bật mạnh mẽ nhất khu vực về lượng khách quốc tế.

Dấu ấn của sự linh hoạt - ảnh 1
Quý I.2025, Việt Nam dẫn đầu toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế

 Nhiều tín hiệu khởi sắc

Trong khi ngành du lịch thế giới đang từng bước lấy lại phong độ hậu đại dịch với nhiều tín hiệu khởi sắc, Việt Nam không những bắt nhịp xu hướng chung mà còn vươn lên trở thành hình mẫu phục hồi nhanh và hiệu quả nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo của UN Tourism, trong quý I.2025 Việt Nam dẫn đầu toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế, đạt mức ấn tượng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nơi vẫn đang trên hành trình tìm lại đà phục hồi sau khủng hoảng bởi dịch Covid-19.

Không chỉ tăng trưởng theo năm, Việt Nam còn xếp thứ 2 toàn khu vực về tốc độ phục hồi so với thời điểm trước đại dịch, tăng 34% so với quý I.2019. Đây là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy đà phục hồi của ngành để bù đắp lại những tổn thất do đại dịch và đang bứt phá để thiết lập mặt bằng mới.

Trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 6 về tăng trưởng lượng khách quốc tế trong quý I.2025 và xếp thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch quốc tế (tăng 29%). Kết quả này không đơn thuần là thứ bậc mà rất có ý nghĩa trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt giữa các điểm đến.

Ở trong nước, 6 tháng đầu năm 2025, du lịch Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng hai chữ số ổn định suốt nhiều tháng liền, đủ sức đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường phục hồi bền vững nhất thế giới.

Toàn cầu đã đón hơn 300 triệu lượt khách quốc tế trong quý I.2025, tăng 5% so với cùng kỳ 2024 và vượt cả mức của năm 2019, điều chưa từng có kể từ đại dịch. Tuy nhiên, mức độ phục hồi vẫn còn phân hóa: Châu Âu giữ vị thế là thị trường đón khách lớn nhất (125 triệu lượt, tăng 2% so với cùng kỳ 2024), Trung Đông và châu Phi phục hồi vượt mốc 2019, lần lượt đạt 144%.

Châu Á - Thái Bình Dương chỉ đạt 91% so với năm 2019 cho thấy, khu vực này vẫn đang bị kéo chậm bởi một số thị trường lớn phục hồi không đồng đều như Trung Quốc và Nhật Bản, hoặc vẫn áp dụng chính sách hạn chế thị thực, tần suất bay chưa khôi phục hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam là thành tích nổi bật và còn là biểu tượng cho sự chuyển mình toàn diện về tư duy và hành động trong phát triển du lịch từ hoạch định chính sách đến triển khai thực tế.

Có thể khẳng định, kết quả tích cực của du lịch Việt Nam có sự đóng góp lớn từ sự điều hành quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện qua hàng loạt chính sách tháo gỡ điểm nghẽn: Mở rộng chính sách visa điện tử; miễn thị thực cho nhiều thị trường trọng điểm; tăng thời hạn lưu trú; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không quốc tế mở lại đường bay…

Song song đó là việc cải tiến nội dung và hình thức xúc tiến quảng bá, với sự vào cuộc đồng bộ của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp. Các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong năm 2024-2025 đều được đầu tư bài bản, kết hợp truyền thông số, nền tảng đa kênh và khai thác xu hướng tiêu dùng mới.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm du lịch của Việt Nam đang chuyển mình từ “mặt hàng phổ thông” sang “trải nghiệm cao cấp” như: Du lịch sức khỏe, du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng biển hạng sang, caravan xuyên biên giới và du lịch gắn với văn hóa bản địa - một hướng đi phù hợp với nhu cầu chi tiêu ngày càng cao và tâm lý tìm kiếm trải nghiệm “ít đại trà” của khách quốc tế.

Cơ hội bứt phá trong tầm tay

Báo cáo của UN Tourism cũng cho thấy chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi du lịch quốc tế năm 2024 đã tăng lên mức kỷ lục 1.170 USD, vượt xa mức 1.000 USD trước đại dịch. Điều này phản ánh nhu cầu gia tăng về chất lượng dịch vụ, sự sẵn sàng chi trả cao hơn để đổi lấy trải nghiệm riêng tư, an toàn, độc đáo và bền vững.

Nếu Việt Nam muốn giữ được đà tăng trưởng này, cần chuyển dịch từ mục tiêu “tăng lượng” sang “tăng chất”, tập trung vào: Chiến lược định vị sản phẩm rõ nét cho từng thị trường, từ nghỉ dưỡng cao cấp (cho khách Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đến du lịch trải nghiệm nông thôn (cho khách Đức, Mỹ)...

Tăng tốc chuyển đổi số và truyền thông đa nền tảng, đặc biệt là trên thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN và châu Âu - những nơi đang dẫn đầu lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam. Đào tạo nhân lực du lịch gắn với yêu cầu phục vụ khách quốc tế thế hệ mới, chú trọng năng lực ngôn ngữ, nghiệp vụ dịch vụ cao cấp và kỹ năng số. Phát triển điểm đến thông minh và quản lý bền vững, đảm bảo môi trường và văn hóa không bị tổn hại khi lượng khách tăng.

Tổng Thư ký UN Tourism, ông Zurab Pololikashvili nhấn mạnh: “Kết quả tăng trưởng liên tục về lượng khách quốc tế và sự gia tăng về chi tiêu của du khách tại nhiều điểm đến đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Du lịch tiếp tục khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng toàn cầu, hỗ trợ hàng triệu việc làm”. Việt Nam đang chứng minh điều đó bằng các con số tăng trưởng, bằng tốc độ chuyển hóa chính sách và hành động thực tiễn.

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động, việc Việt Nam duy trì vị trí dẫn đầu tăng trưởng du lịch quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là “điểm sáng”, mà còn là cơ hội vàng để tái định vị hình ảnh điểm đến, chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững và có chiều sâu.

Đây là lúc cần một tầm nhìn dài hạn, một chiến lược thông minh và sự kiên định trong chuyển đổi để du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi ổn định và bứt phá một cách bền vững, khác biệt.