Nông thôn Trung Quốc chuyển mình nhờ du lịch xanh

NGỌC BÍCH

VHO - Không còn là những miền quê tĩnh lặng bị lãng quên trên bản đồ du lịch, nông thôn Trung Quốc ngày nay đang trở thành tâm điểm của một làn sóng chuyển đổi xanh, nơi du lịch không chỉ giúp tạo sinh kế cho người dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một.

Nông thôn Trung Quốc chuyển mình nhờ du lịch xanh - ảnh 1
Những ngôi làng tuyệt đẹp ở Quý Châu thay đổi nhờ làm du lịch

Những mô hình phát triển du lịch xanh bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ, cho thấy rõ một xu hướng toàn cầu: Lan toả lối sống thay vì chỉ bán sản phẩm.

Từ nghệ nhân dệt đến người kể chuyện về lối sống xanh

Tại làng Phong Đăng Đông, tỉnh Quý Châu, nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Đông, câu chuyện của Dương Thành Lan là một điển hình truyền cảm hứng.

Từ năm 2016, sau khi trở về quê hương, bà đã vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nhưng điều khiến bà thực sự nổi bật không chỉ là doanh số vượt 1 triệu nhân dân tệ mỗi năm, mà là cách bà “chuyển hóa” những sản phẩm đó thành một trải nghiệm sống động dành cho du khách.

“Tôi muốn họ mua thổ cẩm và tôi cũng muốn họ sống với thổ cẩm, từ việc lên khung cửi, nhuộm sợi, thêu chỉ đến việc ngồi ăn cùng người làng. Đó là cách duy nhất để văn hóa không chỉ được lưu giữ mà còn lan tỏa”, bà Lan chia sẻ.

Giá cho các trải nghiệm “thực hành làm nghề” dao động từ 100 đến vài trăm nhân dân tệ, một mức giá vừa tầm, nhưng mang lại giá trị rất lớn cho cả khách và cộng đồng địa phương.

Không ít du khách đã quay lại lần thứ hai, thứ ba không phải vì thiếu sản phẩm, mà vì họ “nhớ” cảm giác sống giữa nhịp thở bản địa.

Từ “Cun Chao” đến “Village Marathon”: Khi làng quê trở thành sân khấu sống động

Tỉnh Quý Châu, vốn được xem là vùng đất giàu bản sắc nhưng nghèo hạ tầng đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ khi các sự kiện văn hóa - thể thao mang thương hiệu làng được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người trẻ thành thị.

Những cái tên như “Giải bóng rổ làng Cun BA”, “Marathon làng”, “Hội hát dân gian” không còn xa lạ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

Đơn cử như giải bóng đá làng “Cun Chao” tổ chức ở huyện Dung Giang năm 2023, đã đón hơn 2,41 triệu lượt khách chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, tăng gần 12% so với cùng kỳ.

Những người đến đây để xem đá bóng. Và quan trọng hơn, họ đến để ăn món ăn địa phương, hát dân ca cùng người dân, chụp ảnh với cảnh sắc núi non, hơn hết, để cảm nhận một lối sống chậm, xanh và sâu.

“Cun Chao không chỉ là bóng đá, nó là văn hóa sống. Đó là nơi tôi học được cách người dân tổ chức lễ hội, trồng rau, hát dân ca. Mỗi chuyến đi là một lớp học sống động”, Wu Qilin, một du khách tới từ Thành Đô chia sẻ.

Nông thôn Trung Quốc chuyển mình nhờ du lịch xanh - ảnh 2
Phát triển du lịch giúp tạo sinh kế cho người dân địa phương và bảo tồn văn hoá truyền thống

Du lịch xanh - cánh cửa mở ra sinh kế bền vững và bảo tồn văn hóa

Theo số liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, trong quý I.2025, du lịch nông thôn đã thu hút 707 triệu lượt khách, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không còn là những con số khô khan, mà phản ánh sự thay đổi toàn diện, từ cảnh quan đến nhân sinh.

Bà Yang Lu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Phát thanh, Truyền hình và Du lịch huyện Dung Giang nhận định: “Du lịch nông thôn ngày nay không đơn thuần là nhìn ngắm cảnh đẹp hay mua đặc sản. Chúng tôi muốn du khách thật sự sống trong làng, nơi họ kết nối cảm xúc, trải nghiệm nghề thủ công, nếm món ăn truyền thống và mang về những ký ức đậm chất văn hóa”.

Nhiều địa phương đã biết cách “gói gọn” các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa và thiên nhiên thành những trải nghiệm toàn diện, từ làm nông một ngày, dệt vải thổ cẩm, dẫn trâu đi cày đến ngủ nhà đất và kể chuyện cổ tích dân tộc.

Đó chính là lối sống đang được lan toả, không ồn ào, không công nghiệp hóa mà đầy giá trị cảm xúc và vẫn mang lại giá trị kinh tế

Trải nghiệm sống đậm đà hương vị Trung Hoa

Một mô hình đáng chú ý khác đang diễn ra tại thị trấn Maotai, thành phố Tuân Nghĩa, nơi khai sinh ra loại rượu baijiu nổi tiếng.

Các nhà máy chưng cất rượu không còn chỉ mở cửa để bán rượu, mà đã phát triển thành khu trải nghiệm văn hóa - ẩm thực - cảnh quan. Du khách có thể tham quan quy trình nấu rượu, thử pha chế, ăn các món đặc sản đi kèm baijiu và ngủ lại trong những homestay mang phong cách “xưởng rượu cổ”.

Chuyển đổi từ “bán sản phẩm” sang “bán trải nghiệm sống”, các doanh nghiệp địa phương nhận ra giá trị gia tăng không nằm ở chai rượu, mà ở câu chuyện và không khí bao quanh nó. Đây cũng là cách họ tiếp cận tiêu dùng xanh: Khuyến khích thưởng thức chậm, gắn kết sâu và bền vững hơn với môi trường và cộng đồng.

Bài học cho châu Á và thế giới: Du lịch là kinh tế và là văn hóa sống

Sự trỗi dậy của các mô hình du lịch xanh ở nông thôn Trung Quốc cho thấy: Nếu được đầu tư đúng hướng và hiểu bản sắc, làng quê có thể trở thành trung tâm sáng tạo cho phát triển bền vững.

Những giá trị truyền thống không bị “đóng băng” trong bảo tàng, mà sống động qua từng lễ hội, câu hát, món ăn, tấm vải dệt tay.

Quan trọng hơn cả, sự thay đổi này đang góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn một cách thực chất, không đánh đổi bản sắc.

Những người như Dương Thành Lan không chỉ trở thành doanh nhân thành công, mà còn là người gìn giữ và lan tỏa văn hóa một cách hiện đại, nhân văn và xanh.

Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển du lịch có trách nhiệm, nông thôn Trung Quốc đang mở ra một hướng đi đáng học hỏi: Phát triển du lịch bền vững không cần phá vỡ hiện tại, chỉ cần hiểu và nâng niu quá khứ, rồi kể lại nó bằng một ngôn ngữ sống động, gần gũi với thế hệ hôm nay.