Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu

Ghi chép của LẠI THUÝ HÀ

VHO - Trong làn mưa bụi đầu xuân, những ngôi nhà gỗ nằm nương theo triền núi, lung linh đèn lồng, mái ngói đen cổ kính của Tây Giang Thiên hộ Miêu trại quyện với núi rừng Quý Châu, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 1
Ngôi làng người Miêu lớn nhất Trung Quốc nằm bí ẩn giữa núi rừng tỉnh Quý Châu

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại (huyện Lôi Sơn, tỉnh Quý Châu) có lịch sử hàng ngàn năm, là di sản văn hóa lịch sử quan trọng của của Trung Quốc. Nơi này giống như một bảo tàng ngoài trời, đậm đặc truyền thống văn hóa Miêu và là địa điểm quan trọng để các nhà nghiên cứu, du khách tới trải nghiệm, tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Miêu.

Đây là bản làng có cộng đồng người Miêu lớn nhất thế giới với hơn 1.200 hộ, hơn 6.000 dân. Dạo bước trên những con phố cổ, nghỉ ngơi trên cầu gió mưa (cầu Phong Vũ), thỉnh thoảng có bông anh đào quệt qua mí mắt mình, cảm nhận cuộc sống yên bình nơi thôn quê ở đây, hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn trong trẻo. 

Quen với những ngôi làng du lịch cộng đồng ở Việt Nam và những nước khác, tới Tây Giang Thiên hộ Miêu trại tôi bị choáng ngợp. Nhanh chóng lên xe điện vào làng. Tôi cứ loay hoay chụp ảnh với con đường xếp đá sỏi tỉ mỉ, cầu kỳ, cực kỳ sạch sẽ và đẹp mắt. Mải mê cả tiếng đồng hồ bên những chiếc cổng cổ, dãy phố cổ tôi mới rẽ vào con dốc bên cái ngõ nhỏ, lên phòng khách sạn cất đồ. 

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 2
Hàng nghìn hộ dân, người dân ở Tây Giang Thiên hộ Miêu trại tham gia làng du lịch

Ở Tây Giang Thiên hộ Miêu trại những hộ dân làm du lịch nhiều không kể xiết. Có nhà làm homestay, nhà bán đặc sản, nhà bán đồ ăn, nhà cho thuê trang phục truyền thống…

Đoàn chúng tôi lưu trú tại nhà một bà chủ xinh đẹp người Hồ Nam, có tới 3 khách sạn trong làng với hơn 100 phòng. Phòng khách sạn xinh xắn, hài hòa, trang nhã, đầy đủ tiện nghi, nhìn xuống một con suối nước chảy róc rách, bên kia con suối là những ngôi nhà trên triền núi gập ghềnh, lung linh ánh đèn.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 3
Khách du lịch biến thành nàng Miêu nữ chỉ vài phút dưới bàn tay trang điểm tài tình của người dân trong làng

Tôi cùng mấy chị em trong đoàn xuống phố, thuê một bộ trang phục truyền thống của người Miêu bắt đầu hành trình trải nghiệm về đêm ở làng. Chỉ vài phút, dưới bàn tay của các “pháp sư Trung Hoa”, tôi biến thành một Miêu nữ trẻ hơn để chục tuổi và theo nhận xét của người trong đoàn: “Không khác gì người bản địa”.

Trong ngôi làng người Miêu ở Tây Giang tôi như lạc vào một đường hầm thời gian và chân mình như đặt lên một bức tranh sống động sắc màu về văn hóa Miêu. Mỗi viên gạch, mỗi bức tường, mái ngói ở đây đều chứa đựng hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa truyền thống. Những bài hát Miêu đều kể lại câu chuyện của di sản và ước mơ qua các thế hệ.

Trời vừa mưa vừa rét nhưng đài quan sát trên cao của làng đông nghịt người. Đứng ở đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cảnh đêm Tây Giang, chiêm ngưỡng cảnh “đèn đêm rực rỡ giữa đại ngàn”, ánh sáng lung linh khắp núi đồi như những vì sao trên bầu trời.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 4
Từ một làng quê nghèo Tây Giang Thiên hộ Miêu trại trở thành điểm đến tiêu chuẩn 5A của Trung Quốc

Hành trình từ làng quê nghèo tới điểm đến 5A

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại nằm trong một thung lũng điển hình, có sông Bạch Thủy chảy qua. Phần chính của Thiên hộ Miêu trại nằm trên sườn thung lũng ở phía Đông Bắc của sông.

Những năm trước đây, Tây Giang Thiên hộ Miêu trại chỉ là một ngôi làng nghèo nép mình giữa núi rừng trùng điệp. Người Miêu nơi đây sống bằng nghề nông, cuộc sống bấp bênh dựa vào những cánh rừng và ruộng bậc thang, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Nhưng giờ đây, khi bước chân vào ngôi làng này, tôi không chỉ thấy sự cổ kính của một di sản văn hóa ngàn năm, mà còn cảm nhận rõ rệt hơi thở của một điểm đến du lịch phát triển, sôi động, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Làng Miêu nghèo ngày nào giờ đã lột xác trở thành một trong những điểm đến văn hóa và du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Trung Quốc, đạt chuẩn 5A - cấp bậc cao nhất trong hệ thống xếp hạng danh lam thắng cảnh của quốc gia này.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 5
Tây Giang Thiên hộ Miêu trại là điển hình tiêu biểu cho sự phát triển du lịch bền vững ở vùng cao

Nhờ du lịch, ngôi làng đã được hồi sinh mạnh mẽ, trở thành điển hình cho sự phát triển bền vững của du lịch vùng cao, không chỉ ở Trung Quốc mà còn là bài học giá trị cho cả thế giới.

Người Miêu ở Tây Giang Thiên hộ Miêu trại từng sống trong cảnh thiếu thốn, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp và những nghề thủ công nhỏ lẻ. Địa hình hiểm trở khiến giao thông đi lại khó khăn, hàng hóa không thể lưu thông, điều kiện sống vì thế cũng không được cải thiện.

Nhưng thay vì để truyền thống văn hóa bị mai một bởi dòng chảy hiện đại, chính quyền và người dân nơi đây đã quyết định biến những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình thành thế mạnh để phát triển du lịch.

Quá trình này không diễn ra trong một sớm một chiều. Từ cuối những năm thế kỷ XX, đầu những năm 2000, chính quyền địa phương bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng đường sá, cải thiện giao thông để kết nối Tây Giang với các thành phố lớn như: Quý Dương, Côn Minh.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 6
Tây Giang Thiên hộ Miêu trại lung linh về đêm

Họ cũng tiến hành trùng tu, bảo tồn các ngôi nhà gỗ cổ, phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống theo phong cách truyền thống. Đặc biệt, Tây Giang Thiên hộ Miêu trại không chạy theo xu hướng hiện đại hóa, bê tông hóa mà giữ nguyên bản sắc, biến cả ngôi làng thành một bảo tàng sống về văn hóa Miêu.

Sự thành công của Tây Giang Thiên hộ Miêu trại đến từ chiến lược phát triển du lịch cộng đồng dựa trên bảo tồn di sản. Người Miêu ở đây không bị “đồng hóa” bởi du lịch, mà chính họ là chủ thể, là người gìn giữ và lan tỏa văn hóa của mình đến du khách.

Điểm nhấn đầu tiên khi du khách đến Tây Giang Thiên hộ Miêu trại chính là hệ thống nhà gỗ cổ với mái ngói đen đặc trưng, nương theo triền núi. Các ngôi nhà được bảo tồn gần như nguyên vẹn với phong cách kiến trúc truyền thống của người Miêu, tạo nên một không gian vừa hoài cổ vừa gần gũi với thiên nhiên.

Những con đường trong làng không trải nhựa mà lát đá theo kiểu xưa, cầu gỗ bắc qua suối vẫn giữ nguyên nét mộc mạc. Hệ thống đèn lồng đỏ rực, các ngôi nhà xếp tầng theo độ cao của núi tạo nên một cảnh quan ấn tượng, vừa huyền bí, vừa thơ mộng như một bức tranh thủy mặc.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 7
Đường trong làng không trải nhựa hay bê tông mà lát đá sỏi theo kiểu xưa

Văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch

Người Miêu ở Tây Giang không chỉ sống nhờ du lịch, mà họ còn sống cùng du lịch. Từ các dịch vụ homestay, ẩm thực, cho thuê trang phục truyền thống, nghề chạm bạc đến hướng dẫn viên du lịch, tất cả đều do người dân địa phương trực tiếp vận hành.

Tôi và nhiều du khách khác đã có cơ hội khoác lên mình bộ trang phục Miêu truyền thống - một trải nghiệm không thể thiếu khi đến đây. Trang phục của người Miêu không chỉ đẹp mà còn mang trong mình những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết về dân tộc họ.

Hầu hết du khách khi đến đây đều muốn thử mặc trang phục này, chụp ảnh tại những con phố cổ và tham gia vào các hoạt động văn hóa như nhảy múa quanh lửa trại, học hát dân ca Miêu hay xem biểu diễn thêu dệt truyền thống.

Ngoài ra, chính quyền địa phương đã xây dựng nhiều tuyến đường tham quan với những điểm nhấn đặc biệt như cầu gió mưa (Phong Vũ Kiều), quảng trường trung tâm, đài quan sát ngắm cảnh đêm. Những điểm này không chỉ phục vụ du khách mà còn trở thành nơi để người Miêu gìn giữ và thể hiện văn hóa của mình.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 8
Ngôi làng này thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và phát triển du lịch rất bài bản

Kinh tế địa phương bùng nổ nhờ du lịch

Nhờ du lịch, người Miêu ở Tây Giang không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập cao hơn hẳn so với trước đây. Các ngành nghề truyền thống như dệt vải, thêu tay, làm bạc, chế tác trang sức, làm rượu gạo được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.

Sự gia tăng số lượng du khách kéo theo sự phát triển của hàng nghìn homestay, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương. Từ một vùng quê nghèo, Tây Giang đã trở thành trung tâm du lịch văn hóa nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong làng đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước khi phát triển du lịch. Nhiều hộ gia đình từng sống chật vật nay đã có cuộc sống sung túc hơn, con cái được học hành đầy đủ, đời sống văn hóa tinh thần cũng ngày càng phong phú.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 9
Ở Tây Giang Thiên hộ Miêu trại văn hoá chính là sức mạnh để phát triển du lịch cộng đồng

Sự thành công của Tây Giang Thiên hộ Miêu trại là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Đây cũng là bài học quan trọng mà các làng du lịch cộng đồng ở Việt Nam và thế giới có thể học hỏi.

Người dân ở đây cực kỳ có ý thức trong việc bảo tồn kiến trúc truyền thống thay vì hiện đại hóa quá mức. Họ hiểu rằng giữ được bản sắc là có cơm áo gạo tiền, cuộc sống sẽ thay đổi.

Phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, giúp người dân trở thành chủ thể trong phát triển du lịch. Những tiết mục trình diễn của người Miêu ở Thiên Hộ Miêu Trại khiến khán giả mê đắm.

Bữa tiệc “Mỹ lệ Tây Giang” và các màn trình diễn như: “Tình Định Tây Giang - Thảo Hoa Đới” tại Quảng trường Thiên Hộ Miêu Trại ở Tây Giang là những trải nghiệm tuyệt vời mà du khách không nên bỏ lỡ.

Dân làng mặc trang phục Miêu ca hát và nhảy múa. Không khí lễ hội hân hoan, rộn ràng lan tỏa khiến du khách cũng muốn được hòa vào những làn điệu dân ca lạ lẫm mà độc đáo này.

Gắn kết du lịch với trải nghiệm văn hóa bản địa như trang phục, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt là việc phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ du lịch một cách đồng bộ, bài bản.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại bí ẩn giữa núi rừng Quý Châu - ảnh 10
Tây Giang Thiên hộ Miêu trại lột xác nhờ du lịch và bảo tồn văn hoá truyền thống

Nghi thức mời rượu truyền thống như: “Thập nhị quan ải tửu” “Cao Sơn Lưu Thủy”, cùng với các hoạt động trải nghiệm Di sản văn hóa phi vật thể Dân tộc Miêu như thêu, nhuộm vải bằng phương pháp nhuộm sáp, chế tác bạc trang sức... cũng khiến du khách khó quên nơi này.

Lễ hội xem mặt của nam thanh nữ tú người dân tộc Miêu, cùng với đó là màn biểu diễn thổi khèn tìm ý trung nhân đầy mê hoặc và lãng mạn: “Tìm dây hoa - Đính ước Tây Giang: Điệu khèn anh buộc chặt dây hoa em trao, đó chính là lời đính ước Tây Giang của đôi mình”.

Tổng cộng có hơn 20 hoạt động văn hóa dân gian đa dạng sắc màu ở ngôi làng cổ này.

Tây Giang Thiên hộ Miêu trại không chỉ là một điểm đến, mà còn là một minh chứng sống động về sự chuyển mình của một làng quê nghèo nhờ du lịch.

Khi ánh đèn đêm lung linh phản chiếu trên mái ngói cổ kính, khi tiếng hát Miêu vang vọng giữa đại ngàn, tôi hiểu rằng nơi này không chỉ là một điểm du lịch, mà còn là linh hồn của một nền văn hóa ngàn năm đang tiếp tục tỏa sáng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc