Đề xuất chi hơn 3 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói giữa đầm Thị Nại

PHAN HIẾU

VHO - UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa ký Tờ trình số 161/TTr-UBND xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn về dự án cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói ở đầm Thị Nại.

 Theo đó, dự án sẽ được thực hiện tại tháp Thầy Bói, gồm các hạng mục như xây dựng miếu thờ rộng 120m2, sửa chữa miếu thờ hiện trạng, xây dựng tháp hóa vàng và bình phong với diện tích 6,25m2; xây dựng nhà vệ sinh, 4 chòi nghỉ xung quanh tháp, bến thuyền, đường dạo bộ xung quanh tháp, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái che và bồn chứa nước cùng 1 thuyền chở nước phục vụ cho tháp… Tổng kinh phí xây dựng hơn 3 tỉ đồng.

Đề xuất chi hơn 3 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói giữa đầm Thị Nại - ảnh 1

Tháp Thầy Bói nằm trên một cụm đá nổi lên giữa đầm Thị Nại

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết: Công trình cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói nhằm tạo điểm nhấn trên đầm Thị Nại, công trình sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi đến Quy Nhơn. Toàn bộ không gian hiện trạng của tháp Thầy Bói được quy hoạch lại với khu vực đền Thờ (được tập trung thành 1 khu vực) khu vực đường dạo bộ quanh đảo và các chòi nghỉ chân sẽ tạo điểm nhấn ấn tượng khi du khách ghé tham quan tháp Thầy Bói trên đầm Thị Nại.

Đề cập đến mở hướng du lịch tại Tháp Thầy Bói, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho hay: Tháp Thầy Bói được tỉnh Bình Định định hướng nằm trong tour sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh trên đầm Thị Nại. Vì vậy, việc cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói gắn với cảnh quan khu vực xung quanh nhằm hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại đây.

Lãnh đạo Sở Du lịch Bình Định cũng chia sẻ, thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch, tuyên truyền về vẻ đẹp thắng cảnh của tháp Thầy Bói nằm giữa đầm Thị Nại. "Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp lữ hành sẽ mạnh dạn đưa các đoàn khách du lịch đến tháp Thầy Bói tham quan. Đây có thể xem là tour du lịch độc đáo, rất thú vị nằm giữa một trong những đầm nước lợ lớn nhất Việt Nam”, ông Trần Văn Thanh mong muốn.

Được biết, tháp Thầy Bói tọa lạc trên một cụm đá nổi lên giữa đầm Thị Nại (đầm rộng hơn 5.000ha). Tại cụm đá này có một miếu thờ được xây dựng từ rất lâu, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc miếu thờ này. Đến nay, các cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn gốc, thời gian xây dựng tháp Thầy Bói.

Đề xuất chi hơn 3 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói giữa đầm Thị Nại - ảnh 2

Miếu thờ tại tháp Thầy Bói

Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân sống gần đầm Thị Nại cho hay, những năm qua, tháp Thầy Bói là điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Bình Định, tuy nhiên ít ai biết đến.

Tháp Thầy Bói được nhắc đến trong sách Đại Nam nhất thống chí (bộ sách dư địa chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ thời vua Tự Đức). Dựa trên các tài liệu của sứ đoàn người Anh đến Quy Nhơn năm 1778, nhà nghiên cứu Phan Trường Nghị (Bình Định) đưa ra giả thuyết vua Thái Đức Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn tổ chức lễ hiến tế tại tháp Thầy Bói vào khoảng năm 1778 để cầu an cho binh lính của mình vừa bị thất trận ở Gia Định.